28/11/2011 11:00 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Ở giáo xứ Dốc Mơ xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, nơi còn lưu giữ những cây kèn đồng cổ có tuổi thọ lên đến hơn trăm năm. Chúng được giáo dân nơi đây, những “nghệ sĩ nông dân” xem là “báu vật” vô giá.
Giáo xứ Dốc Mơ nằm cách TP.HCM hơn 70km về hướng Đông Bắc. Bao quanh nhà thờ Dốc Mơ là miền thôn quê cổ tích với những khoảnh sân lát gạch cổ, tường phủ rêu xanh, mái ngói đã ngả màu. Những con đường nhỏ trong xóm được trải lên một màu vàng rực của ngô. Hầu hết những người dân sinh sống ở đây đều là nông dân mưu sinh nhờ rẫy ngô, điều, tiêu…
Những “báu vật” vô giá
Nhắc đến tên ông “Chánh” Đô, bất cứ giáo dân nào ở xứ Dốc Mơ đều biết, họ gọi ông là “Chánh” đơn giản vì ông là người quản lý dàn nhạc kèn đồng.
Chúng tôi tới nhà ông khi mặt trời đã đứng bóng. Ông Chánh Đô ngồi bên hiên cửa, dáng người dong dỏng cao, mái tóc đã ngả màu muối tiêu, xung quanh là những cây kèn lớn nhỏ. Như thường lệ, sau khi đi rẫy về, ăn xong bữa cơm trưa, ông lại lấy vài cây kèn đồng trên gác xép xuống để lau chùi. Đó là cái “nếp” của ông từ bao năm nay, kể từ khi được giáo xứ giao nhiệm vụ quản lý 15 cây kèn đồng “cổ” này.
“Chăm sóc” những cây kèn cổ là công việc thường làm của ông Chánh Đô
Cho chúng tôi xem cây kèn đồng Tubas, trên thân kèn có ghi dòng chữ Maison Fondee en 1812, ông Chánh Đô cho biết: “Đây là một cây kèn được sản xuất từ nước Pháp và quý nhất trong số này. Nó có tuổi thọ trên 100 năm rồi. Tôi vào ban nhạc giáo xứ từ năm 1968 và được giao sử dụng nó. Nhìn chung, chất lượng âm thanh của kèn cổ rất tốt vì thời xưa, người ta pha thêm vàng vào đồng khi chế tạo kèn. Còn những cây kèn hiện đại ngày nay, đừng nói chi đến loại kèn sản xuất từ Trung Quốc, kể cả kèn do Nhật Bản hay Tây Âu sản xuất cũng không thể có chất lượng âm thanh như trước, chưa kể độ bền cũng không bằng”.
Theo ông Chánh Đô, lâu nay có rất nhiều người đi xế hộp “xịn” về gạ mua kèn cổ: “Họ năn nỉ chúng tôi bán cho, còn nói là mua để đưa vào trưng bày trong bảo tàng, nhưng chúng tôi biết là họ nói xạo và nhất quyết không bán. Điều quan trọng nhất là những cây kèn này đã gắn liền với đời sống tinh thần của giáo xứ bao năm qua. Đối với chúng tôi chúng là những “báu vật” vô giá, không thể bán chác”.
Nguy cơ người trẻ “quay lưng”
Hiện khoảng 15 cây kèn cổ này đã không còn sử dụng trong các dịp lễ lớn nhỏ ở giáo xứ nữa mà được lưu giữ lại như là những kỷ vật. Ông Chánh Đô cho biết, hiện dàn nhạc kèn đồng của giáo xứ Dốc Mơ có khoảng 65 thành viên và đây là một trong những dàn nhạc lớn nhất nhì miền Nam. Thế nhưng có một điều đáng buồn là, những thành viên trong dàn nhạc đã già, còn lớp nhạc công trẻ chỉ còn có vài người theo “đam mê” này.
Ông Chánh Đô giới thiệu chiếc kèn cổ nhãn hiệu Maison Fondee en 1812
Ông Chánh Đô kể lại: “Ngày chúng tôi còn là thanh niên trai tráng, hầu như ai trong chúng tôi cũng bị tiếng kèn đồng làm cho mê mẩn. Ngoài phục vụ những buổi lễ lớn, nhỏ trong giáo xứ, chính quyền cơ sở và cả chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng từng mời dàn nhạc kèn Dốc Mơ đến phục vụ các sự kiện lớn. “Những người “nghệ sĩ nông dân” như chúng tôi rất vui và rất tự hào khi có thể phục vụ cho mọi người. Anh em chúng tôi có thể chơi mọi loại nhạc từ nhạc lễ đến các loại nhạc bình thường của xã hội… Khi nào có yêu cầu phục vụ, anh em lại tập trung lại nhà tôi và tập luyện”.
Nhắc đến chuyện truyền nghề cho những nhạc công kế thừa, ông Chánh Đô buồn rầu nói: “Truyền nghề cho lớp trẻ giờ khó quá, chúng về thành phố lo kiếm việc làm ăn, đâu còn mê tiếng kèn nữa. Thực ra, dàn nhạc chúng tôi chỉ phục vụ miễn phí, tự bỏ tiền túi ra để duy trì hoạt động. Niềm hạnh phúc nhất là nhận được những tràng vỗ tay của bà con chòm xóm. Dàn nhạc còn 65 thành viên là đã hùng hậu lắm rồi, nhiều dàn nhạc ở các giáo xứ khác còn bị “teo tóp” hơn nhiều. Tôi sợ dàn kèn của chúng tôi cũng vắng vẻ dần và đến một ngày nào đó sẽ không còn ai kế thừa nữa”.
Anh Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất