03/11/2011 13:36 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Muốn biết các em ở những điểm trường vùng sâu, vùng xa khó khăn thế nào thì hãy đến vào bữa ăn, những bữa ăn đạm bạc đến nao lòng.
Tạm biệt Đắk Nông, chúng tôi đến xã Ea Đá, một trong những xã vùng sâu khó khăn nhất của huyện Krông Năng, Đắk Lắk. Nằm ngay tại trung tâm của xã, nhưng cái sự học của con em thôn tái định cư Đông Giang cũng lắm trắc trở. Năm 2006, trước việc dân di cư tự do lấn chiếm rừng phòng hộ làm nương rẫy, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng đã lập dự án di dời, ổn định 90 hộ dân thôn Đông Giang tại tiểu khu 342A. Mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng cùng đất sản xuất và nhà ở theo Chương trình 134. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, phần lớn dân lại quay về thôn cũ cách đó chừng 10km vì 47ha đất sản xuất đều là đất bạc màu, sỏi đá. Hầu hết con cái của họ phải bỏ học theo bố mẹ về làm nương rẫy. Những gia đình quyết tâm cho con đi học phải gửi cho những gia đình còn bám trụ tại khu tái định cư hoặc để con cái ở lại tự lo và lâu lâu ra thăm, cung cấp thức ăn.
Bữa ăn rau rừng
Thôn Đông Giang có 90 hộ, nhưng chỉ có 15 nhà có người ở chính thức, còn lại nhiều ngôi nhà khác bị bỏ hoang hoặc chỉ có người già, trẻ em.
Trong ngôi nhà gỗ xiêu vẹo, bốn anh em: Tráng A Hường, học lớp 3, Tráng A Quang lớp 2, Tráng A Dình và Tráng Thị Bồng cùng lớp 1 phải tự chăm lo cho nhau. Mấy năm qua, bữa cơm các em chỉ có mì tôm, chút rau tự kiếm và thỉnh thoảng có cá khô. Chiếc nồi Tráng A Hường rang cá khô không có lấy một chút dầu mỡ, nước nấu cơm đục ngầu.
Hường kể: “Bình thường, mỗi tuần bố mẹ ra thăm một lần và mang thức ăn cho bọn em. Nhưng lúc bận mùa màng hay trời mưa nhiều, cả tháng bố mẹ mới ra thăm. Những hôm thiếu gạo, bọn em phải đi xin cô bác trong thôn”.
Các em học sinh Trường THCS Pô Kô nấu cơm tại nhà bếp bán trú
Ở đối diện, hoàn cảnh của 5 chị em Sùng A Xê học lớp 5 cũng khó khăn không kém. Bố mẹ ở thôn cũ làm nương rẫy, chị em Xê cũng phải tự chăm lo cho nhau với bữa ăn cũng chỉ mì tôm, cá khô, rau rừng...
Ông Sùng Vảng Lao, trưởng thôn cho biết: “Thôn có 150 em học sinh cấp 1 và 30 em học sinh cấp 2, nhưng hiện nay khoảng 30% đã bỏ về thôn cũ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Những học sinh của thôn đi học được Nhà nước hỗ trợ từ 140.000 - 200.000đồng/tháng, nhưng các em cũng sẽ bỏ học thêm nếu Nhà nước không hỗ trợ tiếp”.
Đến nơi cổng trời
Vượt quãng đường gần 20km, qua hàng chục con dốc dựng đứng, chúng tôi mới đến được thôn Ea Rớt. Nằm chênh vênh trên đỉnh Ea Lang, phân hiệu thôn Ea Rớt của Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) chỉ có 4 phòng học được dựng tạm bợ. Nơi đây, 7 cô giáo đang bám trụ để “gieo chữ” cho con em dân di cư tự do ở nơi heo hút “cổng trời”. Thôn có hơn 300 hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao, Nùng... “nhảy dù” từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào đây phá rừng, lập làng từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Cô Nguyễn Thị Nhuần cho biết: “Cuộc sống khó khăn từ đi lại cho đến nơi ăn, chốn ở. Bảy người cả già lẫn trẻ sống trong một căn nhà tạm lợp tôn, mùa mưa nước xâm xấp nền, mùa nắng thì nóng chịu không nổi. Mỗi năm chỉ có 3 tháng nắng, còn lại toàn mưa. Mùa mưa thì không có cách nào để về nhà được, có nhớ nhà cũng đành chịu”.
Cô Trịnh Thị Phương giãi bày: “Vào những ngày mưa, phần lớn học sinh phải nghỉ học. Còn vào mùa thu hoạch thì học sinh bỏ càng nhiều để theo gia đình lên rẫy. Những em ở xa mang cơm đến lớp để ở lại học chỉ có vắt cơm chấm muối. Các cô đều bớt phần ăn ít ỏi của mình để nấu cho các em ăn”.
Chúng tôi về xã Pô Kô (huyện Đắk Tô, Kon Tum), trường THCS Pô Kô nằm bên cạnh dòng Pô Kô, theo chân thầy Nguyễn Đình Trai vào khu bán trú, hơn 120 em học sinh nhưng không hề có bể, giếng nước. Trường cố gắng cũng chỉ đủ kinh phí để lắp đặt mấy bồn hứng nước mưa phục vụ các em, còn mùa nắng thì cả thầy lẫn trò phải cuốc bộ hơn 1km để cõng nước suối về dùng.
Dãy nhà bán trú 5 gian chắp vá bằng những nguyên liệu tự kiếm cũng đã mục nát. Mùa mưa, các em phải kê giường sát lại với nhau để tránh dột.
Trong căn bếp trống huơ được dựng tạm bợ, các em đang lúi húi nhóm lửa cho kịp bữa cơm trưa. Thầy Trai kể: “Mùa mưa còn đỡ, thầy trò còn có thể hái đu đủ, rau bí và các loại rau dại mọc xung quanh trường để nấu ăn. Mùa nắng, không có rau, các em phải hái lá mì (lá sắn) mọc quanh hàng rào vò nát rồi nấu với muối hột cho qua bữa. Thương các em, thầy cô trong trường mỗi khi có dịp ra huyện vào lại đùm thêm mớ cá khô, rau xanh vào nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Năm ngoái, huyện còn hỗ trợ cho các em học sinh bán trú được hơn 200.000đồng/tháng, năm nay còn biết có hay không?”.
Ghi chép của Thanh Tâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất