11/10/2011 10:27 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Ngày 10/10, phát biểu tại Hội thảo kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển và “Đoàn tàu không số” (23/10/1961 - 23/10/2011), do Tỉnh ủy Bến Tre và Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức, nhiều ý kiến đã nêu từ năm 1946, Bến Tre đã cử một đoàn cán bộ đi đường biển ra Trung ương xin chỉ thị và vũ khí đánh thực dân Pháp. Các đại biểu tham dự hội thảo đã đề nghị cần có một ngày chính thức kỷ niệm chuyến vượt biển đầu tiên vào cuối tháng 3/1946 của đại diện quân dân Khu 8 và cả Nam bộ ngay thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, ông Huỳnh Văn Be nhắc lại: vào khoảng tháng 3/1946, đồng chí Nguyễn Thị Định, 26 tuổi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Bến Tre nhận được lệnh của Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Bến Tre, cùng đoàn đại biểu quân dân chính Khu 8 đi bằng đường biển ra Trung ương. Đoàn công tác bí mật này gồm có ít nhất 4 người là Đào Văn Trường, Tư lệnh Khu 8; nhà giáo Ca Văn Thỉnh; bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và đồng chí Nguyễn Thị Định. Hành trình của đoàn xuất phát vào cuối tháng 3/1946, từ Cồn Lợi, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) thẳng ra biển Đông, khi đến hải phận quốc tế thì chuyển hướng lên phía Bắc. Sau khi vượt qua nhiều trở ngại, đoàn tới bờ biển tỉnh Phú Yên, khi ấy là vùng tự do. Tại đây, đoàn được đồng chí Nguyễn Sơn, bấy giờ là Tư lệnh Khu 5, đón và bố trí đoàn ra Hà Nội bằng xe lửa.
Các đại biểu tham gia “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển” do
Trung ương Đoàn và Quân chủng Hải quân phối hợp tổ chức. Ảnh: Thế Duyệt
Sau khi ra Hà Nội, đoàn Bến Tre được gặp Bác Hồ và báo cáo tình hình miền Nam với các đồng chí Trung ương. Cuối tháng 5/1946, đồng chí Nguyễn Thị Định trở về Nam với nhiệm vụ nặng nề: nhận vũ khí vượt biển về lại Bến Tre. Trung ương bố trí cho đồng chí Nguyễn Thị Định vào Quảng Ngãi - nơi đặt trụ sở của Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam và Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Tại đây, đồng chí Nguyễn Thị Định báo cáo kết quả chuyến ra Hà Nội gặp Trung ương và Bác Hồ, đồng thời truyền đạt tinh thần chỉ đạo của Trung ương và bàn kế hoạch vận chuyển vũ khí về Nam bộ bằng đường biển. Một thời gian sau, đồng chí Nguyễn Thị Định theo đường giao liên Khu 5 áp tải vũ khí về tỉnh Phú Yên. Tại đây, theo sự chỉ đạo của cấp trên, đã chuẩn bị sẵn một chiếc thuyền buồm lớn với thủy thủ đoàn trên 10 người và xuất bến Tuy Hòa (Phú Yên) vào giữa tháng 12/1946. Cuối năm 1946, con thuyền chở vũ khí từ Bắc vào Nam cập bến xã Thạnh Phong, hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình.
Đồng chí Trần Văn Trà, lúc bấy giờ là Tư lệnh Khu 8 đã trực tiếp nhận bàn giao từ thuyền trưởng Nguyễn Thị Định 12 tấn vũ khí gồm súng, đạn, thuốc nổ; tiền và tài liệu. Đồng chí Trần Văn Trà thuật lại việc bốc dỡ số vũ khí tại bờ biển Thạnh Phong kéo dài “cả một ngày và cả đêm hôm sau”. Đồng chí Trần Bạch Đằng, lúc bấy giờ là Ủy viên Xứ ủy Nam bộ, trong một bài viết của mình cách nay 20 năm đã đánh giá: “Đường dây áp tải vũ khí vào Nam, lấy vùng tự do Khu 5 làm trạm trung chuyển hình thành từ năm 1946, không thể không ghi công của đồng chí Nguyễn Thị Định”.
Cùng ý kiến trên, đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long, Tổng Biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự cho rằng, không phải đến năm 1961, khi những con tàu của Bến Tre cùng với các tỉnh ven biển Nam bộ mở đường ra Bắc mới xuất hiện dường Hồ Chí Minh trên biển mà nó đã được hình thành ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hồi đó, một số tỉnh ven biển Nam bộ, bằng những chiếc thuyền buồm đã tìm cách mở đường trên biển sang Campuchia, Thái Lan tìm mua vũ khí rồi đưa về phục vụ yêu cầu kháng chiến của địa phương. Không dừng lại ở đó, Bến Tre còn mạnh dạn tổ chức thuyền mở đường ra Bắc “xin vũ khí”.
Theo ông Huỳnh Văn Be, sự hình thành con đường tiếp vận vũ khí Bắc - Nam đã có từ năm 1946. Đây là sự thật lịch sử mà căn cứ khoa học cũng có khá nhiều.
Văn Trí
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất