Bài 1: Những câu chuyện rơi nước mắt về “tàu không số”

30/09/2011 13:21 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - “Thiên nhiên khắc bạc, biển cả mênh mông, sóng to gió lớn; kẻ thù nham hiểm lắm mưu nhiều kế, trang bị hiện đại, phong tỏa nhiều thủ đoạn… Song với tinh thần quả cảm, táo bạo, mưu trí và sáng tạo, cán bộ và chiến sĩ của đoàn “tàu không số” đã lập nên nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc. Với chiến công đó, đơn vị đã hai lần được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã viết như thế trong lời tựa cuốn sách Huyền thoại tàu không số của nhà văn Đình Kính. Và ngày hôm qua, 29/9, trong buổi ra mắt cuốn sách tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, một lần nữa ông nhắc lại những tâm sự của mình.

Mỗi chuyến đi của mỗi con tàu không số là một cuộc đấu trí khốc liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, cái chết gần trong gang tấc... Có những đoàn tàu về bến an toàn trong niềm vui khôn xiết của đồng đội, nhưng cũng có những chuyến tàu đi mãi không trở về, các anh vĩnh viễn hòa thân mình vào biển quê hương. Xin kể lại đây những câu chuyện phía sau huyền thoại, của chính những người trong cuộc.

Im lặng sau chiến tranh

“Những người lính đoàn “tàu không số” trong chiến tranh là thầm lặng và trong thời bình cũng là một cuộc sống lặng lẽ” - ông Đào Hồng Tuyển, Phó Chủ tịch Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển xúc động bày tỏ. Nói đến Đào Hồng Tuyển, nhiều người nghĩ ngay đến một doanh nhân thành đạt, một “chúa đảo”, ít ai biết ông là người lính trên đoàn tàu không số năm xưa. Ông nói tiếp: “Trên 80% những người lính đoàn tàu không số năm xưa sống ở mức nghèo khổ. Bởi lẽ như nhà thơ Hữu Thỉnh đã nói, các đơn vị khác trong chiến tranh có thể được tuyên dương, những chiến công của họ ngày hôm sau, hoặc tháng sau, năm sau đã được mọi người biết đến. Nhưng chúng tôi thì chưa.

Cựu chiến binh Đào Hồng Tuyển (đứng) đã rơi nước mắt khi kể về những đồng đội

Tôi có 5 năm chiến đấu trên đoàn tàu không số, chính tôi là người chở cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra Bắc. Trong chiến tranh, chúng tôi tuyệt đối không được gần gia đình, không được thư từ. Có những đồng chí 10 năm không được liên lạc với gia đình. Sau chiến tranh, hầu hết anh em “tàu không số” đều không có chế độ. Bởi chính sách là phải liên tục ở chiến trường 6 tháng thì mới có chế độ. Nhưng những người lính tàu không số, nếu chuyến đi thành công chỉ có 9 ngày là vào đến miền Nam và ngay trong một đêm bốc hàng, vũ khí xong phải quay trở ra. Như vậy làm gì có liên tục 6 tháng. Nếu ở lại quá 6 tháng thì chỉ có những người bị địch bắt.

Ngay cả khi hai miền thống nhất, vì bí mật để đề phòng nếu đất nước tiếp tục có chiến tranh sẽ còn sử dụng lại tuyến đường, nên lính “tàu không số” vẫn phải giữ bí mật về con đường”.

Những năm tháng tuổi trẻ, những người lính đoàn tàu không số sống ẩn nấp dưới biển. Bây giờ chúng ta phải nói một sự thật về những chiến công năm xưa. Có lẽ đây cũng là cơ hội để chúng tôi cảm ơn Đảng, cảm ơn nhân dân. Dân tộc ta quá đau khổ, sự mất mát của chúng tôi cũng là điều bình thường thôi”- Người cựu chiến binh “tàu không số” Đào Hồng Tuyển nghẹn ngào chia sẻ.

Cái giá của bí mật

Nhà văn Đình Kính xúc động với
hành trình “tàu không số”

Nhà văn Đình Kính tiếp lời: “Một số nhà báo có hỏi tôi là trong quá trình viết lại hành trình “tàu không số”, tôi nhận ra điều gì. Xin thưa, điều tôi nhận thức được là hai chữ nhân dân và tôi mới thấu hiểu thế nào là nhân dân.

Sự hi sinh của nhân dân cũng như những người lính năm xưa vĩ đại ở chỗ họ không tự nhận là “công thần”, đó là một nghĩa vụ hiển nhiên khi đất nước có giặc. Khi đất nước hết giặc họ lại trở về con người thường và không hề đòi hỏi một cái gì cả.

Một con đường huyền thoại nhưng chỉ có 4 người được phong anh hùng, còn với tôi, tất cả đều là những anh hùng.

Trên lộ trình lần theo dấu tích đoàn “tàu không số”, nhà văn Đình Kính đã gặp câu chuyện phía sau huyền thoại, những câu chuyện chưa bao giờ kể.

Khi ta xây dựng bến ở rừng đước Cà Mau để đón vũ khí vào, bí mật tuyệt đối, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Nhưng một anh lính trẻ, mới cưới vợ, nhớ nhà, nhớ vợ nên trốn về. Đơn vị giải thích rồi, anh vẫn trốn. Một đêm, khoảng 3 giờ sáng anh lại bỏ đơn vị về. Đồng chí chính ủy giật mình, đứng trước sự sống còn của con đường, sự sống còn của bến bãi, của bao nhiêu đồng đội, ông phải xử lý thế nào?

Ông cho một đội đuổi theo khuyên anh lính trẻ quay trở lại, nếu cậu ta vẫn không quay lại thì anh em có thể “xử lý”. Và người chiến sĩ đó đã bị chính đồng đội của mình bắn. Đêm hôm ấy người chính ủy thức trọn đêm và không chỉ đêm ấy, cả cuộc đời còn lại của ông là sự dằn vặt ghê gớm. Ông không biết hành động đó đúng hay là sai.

10 tập phim tài liệu Huyền thoại tàu không số, kịch bản của nhà văn Đình Kính, đạo diễn Minh Chuyên sẽ được phát sóng vào 21h30 thứ 2, 3, 5 trên VTV1, bắt đầu từ ngày 3/10.

Nhà văn Đình Kính khẳng định: “Tôi thấy đấy là sự hi sinh vô bờ của người chính ủy. Ông, để giữ con đường mà phải làm một việc mà chính mình cũng đau”.

Một lần, con tàu chở vũ khí bị lộ, buộc phải hủy. Chiến sĩ rút lên bờ, đặt mìn hẹn 30 phút để con tàu nổ. Nhưng 30 phút tàu không nổ, 45 phút tàu vẫn không nổ. Sợ lộ mục tiêu, 2 chiến sĩ vội bơi ra cài lại thuốc nổ, vừa bơi được đến gần thì tàu nổ, xác họ tan ra. Hôm sau đồng đội tìm được đúng một cái chân, không hiểu là của người nào. Bây giờ, ở nghĩa trang Đức Phổ, có một ngôi mộ mang tên 2 người nhưng trong ngôi mộ đó chỉ có một chân duy nhất.

Kỳ 2: Lưu lại con đường bằng cách nào?

Mạnh Cường (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm