Chữ Thái “trở lại”

15/08/2011 11:34 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) Sơn La những ngày này tấp nập học viên. Ngoài những lớp dạy nghề vốn đông đúc, có một nét mới là nhiều cán bộ, công chức… đến học chữ Thái, Mông, Lào. 

Chính phủ đã ra Chỉ thị 38, quy định rằng cán bộ công tác vùng dân tộc biết tiếng dân tộc sẽ được tính “như một ngoại ngữ”, có lợi khi xét lương, đề bạt.

Quang cảnh “rất lạ”

Đến đầu năm 2011, TT GDTX Sơn La đã mở 11 lớp tiếng Thái, chữ Thái cho 499 người, 5 lớp tiếng Mông cho 116 người, 1 lớp tiếng Lào cho 21 người. Đây cũng là nơi thực hiện các đề tài khoa học “Nghiên cứu, biên soạn chương trình, tài liệu dạy chữ dân tộc Thái tỉnh Sơn La” (Hoàng Trọng Đinh chủ nhiệm), “Thiết kế phần mềm font chữ Thái trên vi tính” (Lò Mai Cương chủ nhiệm).

Đó là một “quang cảnh” rất lạ nếu biết rằng chữ Thái cổ vốn được không nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến. Với những Xống chụ sôn sao (Tiễn dặn người yêu), Quắm tố mường đầy giá trị nhưng phủ bụi trong gia tài các thầy cúng, người già, chữ Thái ở tình trạng bị thờ ơ, có cơ tuyệt tự. Năm 1954, kho văn bản Thái Trắng Lai Châu bị người Pháp đem đi “gần cạn”. Thư viện Sơn La còn mấy nghìn sách chữ cổ chủ yếu về vùng Thái Đen, quý hơn vàng nhưng số khai thác chỉ lèo tèo.

Thầy Lường Đức Chôm ở Đà Bắc, Hòa Bình đưa đồng dao
vào lớp dạy chữ khiến lớp trẻ rất hứng thú

Hành trình gian nan của chữ Thái

Trong xã hội hiện đại, nhiều chữ viết dân tộc chỉ tồn tại leo lét trong thôn bản, trên giá sách nhà nghiên cứu. Trong giao tiếp hàng ngày của người dân tộc rất dễ bắt gặp những câu kiểu như: “Ta triển khai món nậm pịa”, lối diễn đạt ấy “có họ” với kiểu nói “Hương Thu đến từ Thái Nguyên, Hương Thu được dạy bởi thầy Xuân Hạ” của thanh niên Việt. Những trường ca, câu “khắp” nổi tiếng thoi thóp trong không gian văn hóa đang bớt dần bản sắc. Thầy cúng, những người giữ di sản trong dân gian, năm này qua năm khác cứ vãn đi.

Mấy chục năm như thế. Tiếc của giời, những “túi khôn” trong làng bản tìm cách truyền lại chữ cổ. Hai ông Sa Văn Phong, Lương Thế Trần ở bản Nà Bó 2, xã Mường Sang, Mộc Châu, Sơn La mở lớp, cán bộ sở tại bảo dừng vì “có chủ trương đâu, bao nhiêu văn bản đều bằng tiếng phổ thông cả rồi”. Ông Lò Văn Biến ở Nghĩa Lộ, Yên Bái “dạy cứ như chui lủi”.

Trong khi đó ở nhiều vùng Thái và ngay Hà Nội, người ta cố gắng tạo ra bộ chữ chung, tạo sự thống nhất trong cả nước. Phải nói ngay là không dễ. Bộ chữ cải tiến ra đời năm 1958 áp dụng đến năm 1964 phải dừng, vì nhiều “vùng chữ” quá, chả ai chịu ai. Đầu những năm 1990, bộ của nhà Thái học Cầm Trọng đem dạy ở Mai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An cũng ngưng: nhiều âm không biểu đạt nổi qua tiếng Kinh, nghĩa là âm không ”La tinh hóa” được.

Sự thể được rốt ráo với những cố gắng của Mạng lưới bảo tồn và phát triển tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam (VTIK). Sau nhiều hội thảo, năm 2008, bộ thống nhất lấy cơ sở chữ Sơn La ra đời, bổ sung thêm những “dấu”, “nét” các địa phương; cho thấy một nhu cầu trở lại truyền thống rất có thực.

Lớp học mở ra, dạy thử, quay lại bàn thảo, sửa tiếp. Đây cũng là thời kỳ Nhà nước cần và ban hành những văn bản về dạy, học chữ dân tộc, các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa khuyến khích thành chế độ. Cuộc thi viết chữ đẹp ở Mai Châu mời thầy Thanh Hóa ra chấm. Lớp Nghĩa Lộ của ông Lò Văn Biến, học viên rơi nước mắt khi đọc được Ý Nọi Nàng Xưa, câu chuyện cổ hao hao Tấm Cám của người Việt. Ngoài văn hóa, tài liệu dạy còn nội dung giữ rừng, ứng xử với thiên nhiên, tâm linh, đạo đức. Ở “tầng” huyện xã, thôn bản, thầy dạy lại đưa những nội dung khuyến nông, sinh đẻ, chống ma túy... kèm vào. Giám đốc VTIK Lương Thị Trường, học địa chất ở Liên Xô trước đây, đúc kết: “Việc toàn cầu hóa hay giữ gìn sự toàn vẹn, thống nhất một quốc gia là cần thiết, nhưng ai cũng nói, nghĩ giống nhau thì tẻ nhạt lắm”.

Giờ thì mọi thứ đã có đà. 7 tỉnh có người Thái đều mở lớp ở các tầng mức khác nhau. Lớp Mộc Châu của thầy Lò Văn Thắng lúc học lúc ngưng theo mùa vụ. Thầy Lường Đức Chôm ở Đà Bắc, Hòa Bình đưa đồng dao vào khiến trẻ rất ham. Thầy Sầm Văn Bình ở Quỳ Hợp, Nghệ An bỏ việc nhà đi “trồng chữ”. Nhiều người trong số họ vốn là giáo viên, cán bộ văn hóa.

Góp phần giữ gìn văn hóa

Có một thực tế, là nơi nào “vận động” được người có vai vế, uy tín hoặc quyền lực cao vào cuộc sẽ rất thuận lợi, như vai trò của các Phó chủ tịch huyện Hà Nam Ninh ở Bá Thước, Thanh Hóa, Hà Việt Thùa ở Mai Châu, Hòa Bình. Lai Châu có khó hơn: cán bộ nhận thức khác nhau, ông vừa “gật” lại chuyển đi, ông mới lên chả hay gì; khổ cho thầy Teo Văn Điệc vừa làm thầy vừa làm tớ, câu xin ý kiến người cầm quyền, câu dỗ người ra lớp.

“Đã có văn bản cho phép rồi nhưng nhận thức từng địa phương khác nhau nên nơi khuyến khích, nơi ngần ngại. Có khi thủ trưởng người dân tộc e dè nhưng khi đổi sang ông người Kinh lại ủng hộ; nghĩa là lại còn phụ thuộc vào bản thân người chịu trách nhiệm nữa” - chị Lò Mai Cương ở TT GDTX Sơn La giải thích về tình trạng trên.

Nghĩ cho cùng đấy vẫn là cái tâm lý khá phổ biến của không ít cán bộ người dân tộc ít người: “Nghĩ làm gì nhiều. Nước ta như con rắn, cái đầu là người Kinh, đầu đi đâu thì con rắn theo đó thôi”.

Trong một đại hội nhà văn cách nay dễ hai chục năm trước, nhà thơ Tày Nông Quốc Chấn từng đau đớn thốt lên: “Không có chữ thì không còn văn hóa”.

Dầu sao việc học chữ Thái đã có đà, nhiều thuận lợi. Nó góp phần giữ gìn di sản văn hóa Thái vốn rất đặc sắc trước sự mai một của thời gian, hoàn cảnh.

Hoàng Định

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm