05/06/2011 10:30 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Tôi sinh ra và lớn lên ở làng biển phường 6, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nơi xưa kia có 2 làng ngư phủ nổi tiếng miền Trung gọi là Phú Câu và Bình Lợi. Ghe tàu đậu khắp mặt sông Đà Rằng trước cửa biển quanh năm gió lộng. Người dân nơi đây bao đời sống hồn hậu và hào sảng, biển khơi mênh mông đã hun đúc nên tính khí của họ.
1. Từ ngày rời làng đi học, rồi tha hương chốn thị thành, lần nào về làng tôi cũng thấy sáng bừng niềm vui. Những nụ cười chưa bao giờ tắt trên gương mặt người dân làng, nụ cười mặn mòi của biển, gương mặt rám nắng một đời cần lao. Ngay cả khi, về làng không gặp lại được người quen, do họ vừa bỏ mình trên biển bạc sau một chuyến ra khơi dài ngày gặp giông tố, nhưng chưa bao giờ họ phải sợ hãi khi vẫy vùng trên biển quê hương.
Thuở còn nhỏ và đến tận bây giờ, tôi chưa khi nào thấy chất hào sảng của người dân làng biển quê tôi vơi đi. Nếu bạn đến làng chài quê tôi vào buổi sáng tàu thuyền cập bến, khoang nặng cá đầy, không cần biết bạn là ai, chỉ cần thấy gương mặt của bạn thật tươi vui thì lập tức các ngư dân sẽ tặng bạn cá mà họ vừa bắt được. Ở làng tôi, nhiều người già neo đơn, nghèo khổ đã sống nhờ sự hào sảng như thế của trai làng khỏe mạnh. Những người già quanh năm không tốn tiền đi chợ, lại mỗi ngày có cá tươi trong mâm cơm, nhờ sự hào sảng ấy. Ngư dân làng tôi thường nói: “Thiếu gì, biển quê mình bao la, cá nhiều vô kể, mình bắt được đầy thuyền thì cho đi một ít có đáng gì đâu!”.
Phải, biển cho ta cá với sự rộng rãi như lòng mẹ, thì đáp lại, đừng bao giờ giữ bụng tham lam.
2. Thế nhưng, chưa bao giờ tôi nghĩ làng biển của tôi lại đau đớn và nổi giận như vậy. Những ngày qua, đọc báo xong tôi gọi về làng hỏi nhiều người quen để rồi đau đớn và nổi sóng trong lòng. Bởi biển của mình, dân làng mình đã sống đời này kiếp nọ trên biển bỗng dưng bị xâm lấn, uy hiếp bởi những con tàu lạ, những kẻ lạ với lòng tham vô đáy.
Dân làng tôi xưa kia và bây giờ, cả ban ngày lẫn đêm tối nhiều khi không cần khép cửa nhà, bởi hàng xóm với nhau từ bao đời nên họ rất tin nhau, họ hiểu cái giới hạn nào là nhà mình và nhà người khác. Hiểu nhau và tin nhau như thế, nên không có chuyện nhà này “xâm phạm” nhà kia, mà kẻ lạ thì đừng hòng đem những cặp mắt “cú vọ” vào làng. Ở trên biển cũng vậy, mỗi chiếc thuyền đều có vùng đánh bắt quen thuộc truyền cho nhau qua nhiều thế hệ. Do vậy, không có chuyện thuyền này “lấn vùng” của thuyền khác để tạo nên cái gọi là “tranh chấp ngư trường”.
Người làng tôi thương nhau, tôn trọng nhau, sống với nhau “đầy” như nước biển Đông là vậy. Bỗng một ngày, súng đã nổ trên vùng biển quê tôi, xua đuổi những người dân làng tôi rời xa “mảnh vườn thửa ruộng” thân quen của họ. Chúng không cùng dòng máu, không tình đồng bào. Chúng đến biển quê tôi với số lượng tàu lớn đến vài chục bao quây lấy một tàu làng tôi.
Rồi đây, làng tôi sẽ sống bằng gì, cả những trai làng khỏe mạnh trên biển đến những người già neo đơn trên đất liền. Nghĩ đến thế lòng tôi đã “ruột đau như cắt”. Nghĩ đến thế tim tôi đã nổi giận bừng bừng.
Trần Hoàng Nhân
(Một người con của quê biển Tuy Hòa)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất