(TT&VH) - Đêm trắng, thời gian như cô đặc ở Lèn Cờ. Trắng đêm quần quật với tất cả các phương tiện hiện đại nhưng lực lượng tìm kiếm vẫn bất lực trong việc tìm kiếm thi thể nạn nhận xấu số cuối cùng còn đang mắc kẹt dưới hàng ngàn tấn đá vô tri kia.
Một màu trắng tang tóc bủa vây khắp thôn cùng ngõ hẻm vùng quê nghèo các xã thuộc huyện Yên Thành. Người mất đi để lại bao xót xa, người ở lại biết sống ra sao với nỗi đau và khi những lao động chính đã ra đi vĩnh viễn.
Đại họa vì “hàm ếch”
Yên Thành là huyện thuần nông, bao thế hệ người dân gắn chặt với công việc đồng áng mộtnắng hai sương. Các thôn nghèo ít có nghề tay trái hoặc nghề thủ công truyền thống. Những ngày nông nhàn, những lao động chính thường tỏa đi các vùng phụ cận làm thuê kiếm sống. Những xã như Nam Thành, Hoa Thành “may mắn” hơn có những mỏ đá, mỏ than để người nghèo kiếm sống ngay tại quê mà công việc chính là nghề khoan đá, bốc đá.
Những người lao động nghèo chấp nhận “đánh đổi” cả mạng sống trên những vách núi cheo leo, nguy hiểm. Vì mưu sinh, vì những khoản tiền thù lao ít ỏi, họ đành chấp nhận gắn cho mình cái mác “công nhân” bốc vác đá. Mặc nhiên việc đảm bảo an toàn lao động, hoặc ký hợp đồng lao động với chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm nghề nghiệp giữa người làm thuê với chủ doanh nghiệp là điều quá xa xỉ. Gần 40 “công nhân” khai thác đá trong buổi sáng định mệnh đó phần đông đều làm công nhật, chỉ thỏa thuận miệng làm hợp đồng thời vụ với “chuyên môn” chính là bốc vác đá xây dựng, vận hành máy xay đá.Nỗi đau xé lòng người ở lại |
Khu vực mỏ đá Lèn Cờ do Công ty TNHH Chín Mền khai thác đã nhiều năm nay. Lèn Cờ là địa thế dãy núi kéo dài với liên kết của núi chỉ là đất và đá phấn, vì thế khi tiến hành khai thác đá, Công ty TNHH Chín Mền tổ chức thành 3 khu vực (3 bến) theo kiểu đào chân xong mới hớt ngọn. Vì thế các công nhân sẽ khoét sâu vào chân núi tạo những hang ốc theo kiểu “hàm ếch”. Đây cũng là cách “truyền thống” mà các chủ mỏ áp dụng khi tiến hành khai thác. Khi những “hàm ếch” đủ rộng, đủ to và không còn cảm giác an toàn thì họ sẽ tiến hành “nổ mìn” phá đá làm sập phần trên xuống. Theo phương pháp này các chủ mỏ sẽ vừa tiết kiệm chi phí mà vẫn “hiệu quả” hơn là cắt bằng từng lớp từ ngọn xuống.
Người lao động biết là nguy hiểm rình rập nhưng vì mưu sinh họ chấp nhận mạo hiểm, cốt sao kiếm được từ 70 đến 90 ngàn đồng mỗi ngày. Như “phu đá” Nguyễn Văn Long giải thích: “Đã vào nghề phu bốc đá là chấp nhận nguy hiểm, năm nào cũng xảy ra tai nạn, cắt đứt chân tay, mìn nổ chết, đá bắn, đá đè chết người, nhưng riết rồi thành quen...”.
Trắng toát ngày đại tang ở xóm nghèo
Những nạn nhân Lèn Cờ chủ yếu là người dân xã Nam Thành, còn lại ở rải rác ở các xã: Bắc Thành, Trung Thành, Long Thành. Không khí tang thương bao trùm khắp những xóm nghèo. Những dòng nước mắt của người vợ khóc chồng, của cha già, mẹ yếu khóc con trong cảnh “đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”.
Anh Nguyễn Duy Phương ở xã Nam Thành ngồi bó mình khóc lặng đi trước di ảnh của người vợ là chị Nguyễn Thị Ngân bị đá vùi chết. Gia đình nhỏ của anh chỉ tích tắc lâm vào cảnh chia lìa âm dương. Chị ra đi khi 4 đứa con thơ còn quá bé chỉ biết gào khóc gọi mẹ. Không biết rồi đây anh sẽ xoay xở ra sao khi phải nuôi 4 đứa con, đứa đầu 11 tuổi, đứa út mới 1 tuổi.
Đám tang tập thể 7 người xã Năm Thành |
Ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Thọ Phượng (xóm Hợp Thành – Nam Thành) có 2 anh em bị chôn vùi trong lũ đá. Nhà chỉ có 2 sào ruộng, không có nghề gì khác, người con trai đầu anh Nguyễn Thọ Hoàng sinh năm 1984 làm “cửu vạn” đá chuyên đứng máy xay đá đã mấy năm để cáng đáng gia đình nhỏ với đứa con trai mới 1 tuổi. Còn người con thứ 2 Nguyễn Thọ Vũ sinh năm 1989 dự định tháng 4 này sẽ cưới vợ nhưng thảm họa đã khiến anh vĩnh viễn ra đi.
Người mẹ và người vợ trẻ của Hoàng đã khóc hết nước mắt, ngất lên ngất xuống đến kiệt sức. Người cha già đứng bất động, chết lặng ở một góc nhà. Khi tôi viết những dòng này thì lực lượng cứu nạn cũng vừa tìm thấy thi thể của anh Hoàng sau hai ngày đào bới, còn anh Vũ vẫn còn nằm đâu đó dưới hàng ngàn tấn đất đá kia.
Xót xa hơn, anh Vũ cũng vừa “gia nhập” vào đội ngũ lao động ở Lèn Cờ để tìm thêm thu nhập chuẩn bị cho cái đám cưới nhỏ của mình. Thật buồn khi nhìn thấy cảnh chị Hoàng Thị Phượng và “em dâu” chưa cưới ôm nhau khóc hết nước mắt, tay bấu vào từng tảng đá tìm người thân trong vô vọng.
Lực lượng tham gia công tác cứu hộ đang làm tất cả tìm nhằm tìm kiếm các nạn nhân xấu số: lực lượng công binh đã tiến hành nổ mìn “âm” để tách nứt đá, tìm thi thể những nạn nhân cuối cùng. Ngoài kia những đoàn người đang tiễn đưa các thi hài của các nạn nhân về nơi an nghỉ cuối cùng. Một màu tang thương phủ trắng những cánh đồng, thêm xót xa cho những người đang sống.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi điện chia buồn đến các gia đình nạn nhân
Ngày 2/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chia buồn đến các gia đình nạn nhân và chính quyền tỉnh Nghệ An:
“Tôi rất đau buồn được tin, sáng ngày 1/4/2011, đã xảy ra tai nạn sập mỏ đá ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương. Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình người bị nạn. Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan liên quan và lãnh đạo tỉnh Nghệ An cần khẩn trương thực hiện cứu nạn, tiếp tục tìm kiếmm người đang bị vùi lấp, dành mọi ưu tiên cứu chữa người bị thương, có chính sách kịp thời giúp đỡ gia đình người bị nạn, sớm ổn định tình hình, bảo đảm sản xuất và đời sống cho nhân dân”.
Đến cuối ngày 2/4 thì 17 thi thể được đưa ra khỏi đống đổ nát, trong khi đó lực lượng cứu hộ với máy dò định vị cũng đã xác định được vị trí của nạn nhân cuối cùng. Tuy vậy sau hai ngày nổ mìn, mỏ đá có nhiều chấn động, nên nguy cơ sập tiếp có thể xảy ra nên việc cứu hộ không thể nóng vội, tránh trường hợp xấu xảy ra. |
Đại Nghĩa