Tây Nguyên… “khát”

13/03/2011 14:09 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Chúng tôi có mặt tại xã Cư M’Ga, huyện Cư M’Ga, Đắk Lắk vào những ngày đầu tháng 3, những thửa ruộng bát ngát đều phủ một màu vàng cháy, mặt đất ruộng khô cằn nứt nẻ…

Ông Y T’rem Nie, Chủ tịch UBND xã Cư M’Ga, than thở: “Chưa có năm nào mùa khô lại đến sớm như năm nay. Hơn 60 ha lúa đang trổ bông của nông dân bị mất trắng do lúa bị nghẽn đòng bởi nhiều ngày qua không có nước dẫn vào đồng ruộng. Hơn 1.400 ha cây cà phê cũng đang “ngắc ngoải”... chờ nước. Nếu tình hình này còn kéo dài thì nông dân sẽ bị mất mùa”.

Trông mưa từng ngày

Vượt con đường hơn 25 km từ thành phố Buôn Mê Thuột, chúng tôi đến xã Cư M’Ga, một xã thuần nông, chủ yếu là đồng bào dân tộc Ê Đê sinh sống. Như lời ông Y T’Rem Nie, Chủ tịch UBND xã nói: “Hơn 60 ha ruộng lúa đang trổ bông đều khô cháy do toàn bộ nguồn nước từ đập thủy lợi và 2 dòng suối Ea Kun, Đing đang ngày càng cạn kiệt, không đủ để dẫn nước vào khu vực này”.

Hơn 60 ha lúa đang bị khô cháy do thiếu nước

Anh Hồ Văn Danh, cán bộ văn phòng UBND xã Cư M’Ga đưa chúng tôi đến cánh đồng lúa Cư M’Ga. Đứng trên bờ đê, đập vào mắt chúng tôi là một màu vàng “chết chóc” bao phủ trên cánh đồng lúa rộng lớn và các đứa trẻ “mục đồng” đang ung dung dắt những con bò vào ruộng nhởn nhơ gặm từng bông lúa khô quắt.

Cầm trên tay bông lúa khô, anh Hồ Văn Danh nói: “Người dân ở xã này bao năm qua đều sinh sống và nuôi trồng cà phê, lúa từ nguồn nước của 2 suối Ea kun, Đing và nước từ con đập thủy lợi. Hơn 3 tháng qua, trời khô hạn, 60 ha ruộng lúa đã mất trắng, chiếm khoảng 1/3 diện tích trồng lúa của xã và nguy cơ vùng lúa còn lại sẽ tiếp tục mất trong thời gian tới nếu trời không mưa”. Về nguyên nhân, theo anh Danh, khu vực 60 ha ruộng lúa này nằm trên vùng đất cao của xã, nên số lượng nước còn ít ỏi tại 2 con suối và tại đập thủy lợi không đủ để dẫn vào ruộng. “Đời sống của người dân ở nơi đây vốn đã rất khó khăn, năm nay mùa khô đến sớm và diễn biến nặng nề như vậy, người dân không biết phải sống ra sao nữa” - anh Hồ Văn Danh tâm sự.

Chúng tôi lại tiếp tục men theo đường dẫn nước cho kênh thủy lợi nội đồng để đến đập thủy lợi, nơi đây những cánh đồng lúa vẫn còn xanh. Tuy nhiên, theo dự đoán của anh Hồ Công Danh, chỉ khoảng 15 ngày tới, nếu không có nước, những ruộng lúa này sẽ biến thành “cánh đồng chết”. Tại đập thủy lợi, mực nước đã cạn sâu, nằm thấp hơn miệng đập, vài người dân tranh thủ kéo lưới hi vọng bắt được vài con cá đồng để cải thiện bữa cơm cho gia đình. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân đã dùng máy bơm nước để cố gắng hút nước bơm trực tiếp vào ruộng và rẫy cà phê của mình theo kiểu “được ngày nào, hay ngày ấy”.

Chị H’uet Eban, một nông dân trồng cà phê nói: “Người dân chúng tôi mong có mưa từng ngày. Những người dân trồng lúa coi như là không còn gì nữa rồi, mất trắng hết rồi. Còn những rẫy cà phê thì cũng chỉ biết ráng cầm cự thôi”.

Người dân Cư M’Ga tranh thủ bắt cá ở đập thủy lợi cạn gần trơ đáy


“Khát” hơn mọi năm

Đã qua đợt tưới cà phê đầu tiên, nhưng tại rất nhiều nơi nguồn nước tưới đã gần như cạn kiệt. Những vùng trồng cà phê lớn tại Đắk Lắk như: Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Krông Búc, Ea H’leo... đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn trầm trọng hơn so với các năm trước.

Theo những hộ nông dân trồng cà phê tại địa bàn TP. Buôn Mê Thuột, mới đợt đầu tưới cà phê mà nước giếng đã gần cạn, trong khi những năm trước, tưới đến đợt thứ 3 thì nước mới bắt đầu cạn. Còn đối với các hồ thủy lợi tại khu vực này hiện nay đang gần như “trơ đáy”. Theo Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, toàn bộ công trình thủy lợi chỉ đủ cho khoảng 36 ngàn ha cà phê trong khi toàn tỉnh có hơn 150 ngàn ha cà phê. Để có lượng nước đáp ứng cho nhu cầu tưới tiêu, người dân phải sử dụng thêm giếng khoan, sông, suối tự nhiên. Nhưng tình trạng thiếu nước luôn xảy ra vào mùa khô và năm nay tình hình lại càng nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, tại các khu vực trồng cà phê ở Gia Lai cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước như tại các vùng cà phê: Đắc Đoa, Chư Prông, Ia Grai, Chư Pah, Chư Sê, Đức Cơ... Hiện tại các hồ chứa nước trên địa bàn này trữ lượng nước còn rất ít, cho đến nay đã có trên 3 ngàn ha cà phê không còn nước để tưới.

Tương tự, tại các tỉnh Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng tình hình khô hạn, thiếu nước tưới tiêu cũng đang diễn ra phức tạp. Tại Kon Tum, lượng nước ở các hồ chứa đã thấp hơn cùng kỳ từ 30% - 40%. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông, hiện nguồn nước trên địa bàn tỉnh đang cạn kiệt rất nhanh. Dự đoán trong vòng 1 tháng nữa không có mưa, hơn 10 ngàn ha cà phê của các huyện Đắk Min, Cư Jút sẽ không có nước tưới. Tại Lâm Đồng, hiện tất cả các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh này đã xuống thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 2 mét - 10 mét và đang có nguy cơ xuống thấp ở mực nước “chết”. Vì thế, năm nay cây cà phê sẽ tiếp tục thiếu nước tưới.

Theo thông tin khảo sát của Đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước 704 vào cuối năm 2010, nguồn nước ngầm của Tây Nguyên giảm sút nghiêm trọng. Nguyên nhân là do chủ yếu lượng mưa hàng năm ngày càng ít, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, nhà nông tưới tiêu lãng phí nước... Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm 5 tỉnh Tây Nguyên, từ năm 2000 đến nay, diện tích rừng đã giảm hơn 30%. Rừng giảm đi, nguy cơ của lũ lụt, hạn hán tăng lên. Như vậy, Tây Nguyên sẽ tiếp tục “khát” và rất có thể sẽ phải đối mặt với hậu quả ngày càng nặng nề hơn.

Anh Đức - Lữ Hồ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm