Đầu Xuân “lật núi” tìm trầm

18/02/2011 13:40 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hàng ngàn người thuộc các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đang đổ xô về các cánh rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai để tìm trầm. Khác với những người “đi điệu” (tìm trầm) trước đây, họ không tìm trầm trên cây mà tìm trầm trong... đất. Hàng trăm hécta đất rừng già đã bị lật tung để tìm ra những rẻo “vàng đen” nhỏ nhoi nằm lẫn trong đất và lá mục.

Tin đồn về những người Quảng Nam, Khánh Hòa trúng đậm trầm hương ở đây, bán hàng chục tỷ đồng cứ đồn thổi, cuốn cả những người lâu nay chưa biết đi núi cũng bỏ ruộng để tìm trầm. Những ngày sau Tết, dòng người đổ về huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên ngày càng nhiều.

Đổ xô đi tìm trầm

Anh Nguyễn Thanh Lam, một người tìm trầm ở xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân mà chúng tôi gặp trên đường đi cho biết: “Cả xã giờ chỉ còn cán bộ, phụ nữ, người già với con nít. Những người đàn ông còn sức lao động đều lên rừng tìm trầm”.

Dọc các đường từ xã Xuân Quang 1 lên xã Phú Mỡ, hoặc từ thị trấn La Hai lên Xuân Lãnh thuộc huyện Đồng Xuân, chúng tôi gặp hàng đoàn xe máy chở 2, chở 3 với những bao tải to trên lưng của dân “đi điệu”. Không chỉ có Phú Yên, người các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hoà cũng kéo lên đây. Bà Nguyễn Thị Trâm ở Quảng Nam, năm nay 69 tuổi nhưng cũng theo con lên đây tìm trầm. “Thấy người ta rầm rộ kéo đi, cũng đi, chứ biết trầm là gì” - bà Trâm bảo.

Vỡ đất rừng tìm trầm
Con đường xẻ rừng mới mở để xây dựng thủy điện La Hiên (xã Phú Mỡ) trở thành con đường chính của dân “đi điệu”. Theo chân một nhóm tìm trầm, vượt đường rừng, chúng tôi đến được nơi tập kết của dân tìm trầm, cách trung tâm xã Phú Mỡ, xã xa nhất của huyện Đồng Xuân chừng 50km. Giữa rừng, nhưng có cả một lán rộng để giữ xe, bán hàng cho dân đi điệu và cả thu mua trầm. Nhìn vào bãi xe có đến hơn 300 chiếc xe máy đang gửi. Chị chủ lán nghi ngờ hỏi chúng tôi: “Nhà báo à?”. Tôi lắc đầu: “Bọn tui đi ăn hàng thôi”. “Tưởng nhà báo lên đó là bị đánh ngay” - nói rồi chị chủ lán chỉ lên đỉnh núi xa mờ, có tên Hòn Cô, nằm trong dãy núi Chín Cụm là một bãi trầm đang làm.

“Mò kim đáy bể”

Chúng tôi lội bộ băng rừng gần 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng cũng đến được Hòn Cô. Dọc đường gặp từng đoàn 5, 7 người xuống núi. Vờ hỏi mua “hàng” nhưng chỉ nhận lại những cái lắc đầu và câu nói uể oải: “Đói rồi”.

Cả đỉnh núi chát chúa tiếng cuốc, tiếng gọi nhau. Giữa rừng là những trại được người đi trước dựng lên, người đi sau cứ phủ tấm bạt là ở. Mỗi trại có từ 2 đến 40 người.

Theo anh Nguyễn Thanh Lam, ở Hòn Cô có 12 trại cả thảy. Mỗi trại đều có một tên gọi, nhưng chỉ nghe đã không muốn ở lại: trại Bệnh, trại Đói, trại Bão, trại Ngắc Ngứ... Xung quanh mỗi trại là những luống đất bị cuốc lật tung, cùng với đó là những mảng thực bì rừng già ngã sắp lớp.

Theo lời anh Lam, Hòn Cô trước đây, dó gạch (một loại cây dó cho trầm nhưng thân cứng và nhỏ hơn cây dó bầu) rất nhiều. Những người “ăn dó xanh” (tìm trầm trên cây) trước đây đã đốn sạch, giờ phải tìm trầm dưới đất, chỗ gốc, rễ cây dó đã bị chặt. Lâu năm, gốc rễ đã mục nên cứ phải sắp luống đào lên, tìm những mảnh, những rẻo trầm lẫn trong đất, lá mục. “Cứ cuốc, cứ lật đất, gặp 1 mảnh cây mục là mắt sáng lên, đưa lên soi thử có tinh dầu tươm ra không, rồi bật quẹt hơ qua xem thử có mùi thơm không. Nhưng phần lớn chỉ là mảnh gỗ mục” - anh Nguyễn Khánh, một người tìm trầm ở Hòn Cô nói.

Trầm được thu mua giữa rừng
Theo ông Phạm Văn Hưng, một người “đi điệu” ở Hòn Cô, chuyện tìm trầm xưa nay được xem là chuyện “mò kim đáy bể”, nhưng tìm trầm đất còn khó hơn. “Tìm trầm xanh còn biết chỗ nào có cây dó để chặt, còn tìm trầm đất thì chịu. Cứ tìm chỗ nào có cây dó con, thì đoán ngày trước vùng đó có cây dó mẹ. Cứ vậy là cuốc đất. Nhưng trong hàng vạn cây dó, may ra được một cây có trầm” - ông Hưng bảo.

Không giống như tìm trầm xanh, khi trúng là có cả bắp, người tìm trầm đất thường chỉ được những mảnh vụn bằng hạt bắp, may mắn lắm mới được cục trầm một lạng. Anh Nguyễn Văn Nhật, cũng là một người tìm trầm đất cho biết, trong cả ngàn người đi tìm trầm ở Hòn Cô hơn một tháng nay, chỉ được bốn người “trúng”. Trong đó, “trúng” đậm nhất là ông Sáu Mai ở thôn Kỳ Lộ, Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân (PhúYên) với 1,7 lạng trầm đất loại 1, bán được 290 triệu đồng. Còn như anh Nhật cũng gọi là trúng, 3 người bọn anh tìm được 2 zem (1/5 lạng) bán được 38 triệu đồng.

Chuẩn bị một chuyến đi trung bình 10 ngày hết 300.000đ, nhưng phần lớn là lỗ. Anh Nguyễn Thanh Lam cho biết anh “đi điệu” hơn 2 năm nay, nhưng chỉ một chuyến được 4 triệu, còn lại về tay không.

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”

Việc đầu tiên của những đoàn tìm trầm đất khi đến trại là cúng thần rừng. Cúng để được bình an, vô sự, để được “trúng” trầm. Nhưng những chuyện đau lòng vẫn cứ xảy ra.

Khoảng nửa tháng trước, ông Tám Cư ở thôn Kỳ Lộ, Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) cùng 2 con trai vừa đến trại, bày biện mâm cúng thì 1 cành cây khô to trên cao bất ngờ đổ xuống. 2 người con trai thoát nạn, nhưng ông Tám Cư bị cành cây đánh trúng đầu, chết tại chỗ. Sau cái chết của ông Cư, trại mang tên “trại Nạn” từ đó.

Trước tai nạn của ông Cư không lâu, một người ở tỉnh Bình Định tìm trầm ở Hòn Cô, trong khi trèo lên cây hái lá bát để nấu canh, bị trượt chân ngã xuống suối cũng tử vong. Còn ông Nguyễn Văn Hưng thì bảo: “Chuyện sốt rét thập tử nhất sinh, anh em trong sảnh (đoàn đi điệu) phải khiêng về là chuyện cơm bữa”.

“Nghề đi điệu như bị ma ám. Biết là ăn của rừng phải rưng rưng nước mắt, nhưng dứt không được. Vợ tui mới bán con heo để sắm chuyến đi đợt này”, anh Nguyễn Thanh Lam, một người đi điệu chuyên nghiệp kết thúc câu chuyện để tiếp tục vỡ đất rừng tìm trầm.

Phóng sự của Hồng Ánh - Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm