09/01/2011 11:25 GMT+7 | Thế giới
Vẫn biết các bệnh viện vẫn đang bị quá tải, nhưng những điều trông thấy mà buốt lòng
Trải chiếu xuống nền... thành giườngCuối buổi chiều đông lạnh giá, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện K - cơ sở 2 (Tam Hiệp), trong khuôn viên, ngoài hành lang bệnh viện vẫn la liệt giường bệnh. Trong số đó, không chỉ có người nhà mà cả bệnh nhân cũng phải oằn mình chống lại cái lạnh.
Dưới một tán cây, bác N.V.H co ro trên chiếc giường xếp. Bác H. quê ở Quảng Xương - Thanh Hóa, năm nay 60 tuổi bị bệnh ung thư vòm họng. Nhà nghèo, đổ bệnh cách đây đã hơn một năm nhưng đến giờ bác mới có tiền điều trị. Tay run run mở chiếc cặp lồng đựng cháo, bác ngậm ngùi: “Tôi được bệnh viện ưu tiên phát sổ người nghèo, nhận cơm và cháo từ thiện. Nhà đông con lại chỉ trông vào mấy sào ruộng nên nghèo lắm, ra Hà Nội chữa bệnh phải bán cả đàn lợn mới đủ tiền...”.
Bác N.V.H vừa ăn cháo vừa xuýt xoa trong cái lạnh |
60 tuổi nhưng mái đầu bác đã bạc trắng, những vết nhăn trên khuôn mặt co lại thành vệt rõ ràng. Trong cái lạnh tê tái của chiều Đông, nước da ấy như xạm hẳn lại, tím tái đến khổ sở.
Chăn nhường cho người bệnh
Nằm sát bên đó, chị N.T.T cũng trùm chăn kín mít. Nói là chăn nhưng thực chất đó chỉ là một mảnh vải rèm mà chị xin được của người bán tạp hóa tốt bụng trước cổng bệnh viện. Mỗi lần có cơn gió thổi qua, cả người chị T lại run lên vì lạnh. Vừa lấy tay giữ chặt miếng vải cho khỏi rét, chị vừa xuýt xoa: “Như thế này còn may chán đấy, chứ đầy người còn phải trải chiếu xuống nền đất ẩm để ngủ, làm gì có tiền thuê giường”.
Co ro trong khuôn viên Bệnh viện K |
Tuy đã muộn nhưng trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai vẫn có vẻ đông đúc. Trên ghế đá, khuôn viên, hành lang đâu cũng thấy ngổn ngang, la liệt người nằm. Ngồi thu mình trên chiếc ghế đá, vừa xuýt xoa, bác L. (Thanh Ba - Phú Thọ) vừa trải lòng: “Con trai tôi bị tai nạn đang điều trị ở khoa chấn thương chỉnh hỉnh. 9h là hết giờ trông nom nên phải tá túc ngoài này...”. Đây là đêm thứ hai bác L. ngủ ngoài hành lang bệnh viện. Nói là ngủ chứ cũng chỉ nằm đấy cho đỡ mỏi lưng. Trời lạnh thế này, trong nhà còn khó ngủ chứ đừng nói là ngoài trời.
Cách đấy không xa, bác H. bán nước chè dạo trong bệnh viện cũng run lên vì lạnh. Bác H. quê Hưng Yên là bệnh nhân chạy thận. Hoàn cảnh khó khăn, nên cứ mỗi tối bác lại tranh thủ bán vài ấm nước kiếm đồng ra đồng vào. Người bác H. nhỏ thó, già hơn nhiều so với cái tuổi 45 của mình. Bác kể: “Mọi hôm tôi còn bán đến một, hai giờ sáng. Mấy hôm nay trời lạnh chỉ dám bán đến 11 giờ là không chịu được nữa phải dọn hàng...”. Bệnh tật, ốm yếu là thế nhưng bác H. chỉ mặc độn mấy chiếc áo mỏng, bác ngậm ngùi tâm sự: “Làm gì có tiền hở cô, một tháng tiền thuốc men, nhà trọ ăn uống đã mất 3 đến 4 triệu rồi. Nhà làm nông, làm gì có nhiều. Lạnh nhưng tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy...”.
Bên hành lang Bệnh viện Bạch Mai, la liệt những người co ro trong chiếc chăn mỏng |
Ở mãi... thành quen
Anh N. được cho là người có “thâm niên ngủ ngoài hành lang”, chia sẻ: “Mới đầu thì cũng lạnh lắm, phải lang thang hết hành lang, khuôn viên bệnh viện cho hết đêm nhưng sau vài hôm mệt quá thì cũng ngủ được hết mà. Đêm qua, chỉ có mỗi cái chăn mỏng mà tôi cũng đánh được một giấc ngon lành đến tận sáng...”.
Một số người còn phát minh ra nhiều cách để chống chọi với cái lạnh. Trên hành lang, tận dụng những xe đẩy của bác sĩ không dùng đến họ quây lại để chắn gió. Thậm chí, có người còn sử dụng cả áo mưa, chiếu dựng thành những chiếc lán di động cho chắc chắn.
Giọng ngậm ngùi, bác H. tâm sự: “Ở mãi trong cái khổ nên cũng quen rồi. Mới đầu, đi bán nước chè thế này, tôi bị viêm họng suốt. Bây giờ, cơ thể chai dần với cái lạnh rồi...”.Càng về khuya, trời càng lạnh. Gió ào ạt thổi tê buốt, những chiếc lán dựng tạm nghiêng ngả trông thật khổ sở. Trên hành lang, nhiều người thi nhau trở mình, co người lại cho đỡ lạnh. Tiếng ho khản đặc của ai đó vang lên từng cơn đứt quãng, không đủ để át lại tiếng gió mỗi lúc một mạnh rít lên ngoài trời.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất