Bác bỏ chuyện rùa hồ Gươm thuộc loài giải Thượng Hải

02/10/2010 12:18 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Sáng qua (1/10), cụ rùa hồ Gươm đã nổi trước và sau khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, thu hút sự hiếu kỳ của hàng nghìn người dân. Và cũng trong sáng qua, tại HN, GS Trần Lê Bình đã gây sự chú ý tại Hội nghị toàn quốc khoa học sự sống: Sinh học vì thành phố tương lai với công trình Nghiên cứu so sánh hình thái và ADN trên mẫu rùa mai mềm nước ngọt VN và cụ rùa hồ Gươm.

>> Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Đây là công trình nghiên cứu công phu gần 10 năm của GS Lê Trần Bình và các đồng nghiệp khác như: Hà Đình Đức, Phan Minh Tuấn, Lê Quang Huấn... thuộc Viện Công nghệ sinh học (ĐHQG Hà Nội). Kết quả cho thấy, rùa hồ Gươm thuộc loài rùa lớn mai mềm nước ngọt ở VN, được phân bố tại nhiều điểm khác nhau trên sông Hồng, sông Mã, sông Đà... thuộc miền Bắc VN và chưa từng được nghiên cứu phân loại. Tuy nhiên, đến nay các cụ rùa này còn lại không nhiều và đang đến hồi nguy cấp.


Qua hàng nghìn bức ảnh xác định chỉ có 1 cụ rùa duy nhất ở hồ Gươm có bớt trắng
Cụ rùa hồ Gươm bao nhiêu tuổi?

Câu hỏi này được GS Bình đặt ra trước sự chờ đợi của nhiều người tham dự. Theo GS Bình, rùa hồ Gươm gắn liền với truyền thuyết Hoàn Kiếm cho rùa vàng được ghi trong Lam Sơn thực lục do chính Lê Thái Tổ viết (sau) khi lên ngôi vua 1428. Tính đến nay đã là 582 năm.

“Trong tất cả những công trình nghiên cứu, thì rùa thọ nhất chỉ sống được 160 năm” - GS Bình cho biết. Nhưng cũng có thể hiểu, cụ rùa hồ Gươm dù không phải chính là cụ đã được vua Lê “trả gươm”, nhưng là “thế hệ con cháu” của rùa thần ngày nào.

Theo nhiều tài liệu thì tháp Rùa “được một nhà giàu phố hàng Khay (Bang Kim) xây năm 1884” và như thế đến nay ngọn tháp này mới chỉ khoảng 119-120 tuổi.

Theo GS Bình, không biết lý do gì, vào khoảng thời kỳ xây tháp Rùa này, ở VN lúc đó có rất nhiều rùa và có nhiều thợ săn rùa. Rất nhiều cụ rùa ở VN thời điểm này đã bị săn bắt lấy thịt và nhiều bộ xương đang được trưng bày tại các bảo tàng ở London, Vience, Chicago... Tại hồ Gươm, đảo rùa là nơi rùa thường lên phơi nắng. Giả sử khi xây tháp Rùa xong (1885), nếu rùa có tiếp tục được thả mới xuống hồ, thì đến nay là 119 năm. Nếu rùa lúc thả khoảng 30 - 40 tuổi, thì đến nay rùa hồ Gươm ít nhất sẽ phải trên 150 tuổi(!). GS Bình bình luận: “Chúng tôi không dám khẳng định, nhưng nếu cụ rùa hồ Gươm đã khoảng 150 tuổi, thì ngày cận kề của cụ cũng sắp đến...’’.


So sánh hình thái rùa hồ Gươm và giải Thượng Hải thấy khác nhau hoàn toàn
Thuộc loài mai mềm nước ngọt, chỉ có ở VN!

Cụ rùa hồ Gươm có mai mềm, đầu tù, kích thước khổng lồ (dài khoảng 2m). Cụ có móng vuốt sắc nhọn, trên đầu có bớt trắng. Bớt này dài khoảng 4cm và cho đến bây giờ qua hàng nghìn bức ảnh khác nhau, luôn luôn thấy cái bớt đó. Điều đó chứng tỏ, chỉ còn một cụ duy nhất đang tồn tại ở hồ Gươm. Cụ rùa thường hay nổi lên vào mùa Thu, nhưng rất khó “tiếp xúc” với cụ. Các nhà nghiên cứu hiện nay vẫn luôn kỳ vọng là xin cụ ít máu để xét nghiệm gen, nhưng sau 4 - 5 năm chờ đợi vẫn chưa xin được cụ dù chỉ là một chút ADN!

Theo Sách đỏ VN (NXB KHTN, Hà Nội 2000, trang 232) rùa hồ Gươm là Pelochelys cantoris thuộc họ ba ba, hình thái giống ba ba, song rất lớn... Các nhà nghiên cứu bắt đầu tìm kiếm các mẫu rùa lớn như vậy tại nhiều địa điểm ở VN. Bộ xương rùa trưng bày tại đền Ngọc Sơn là của một “cụ bà” chết vào ngày 2/6/1967. Tại Hà Nội, các nhà nghiên cứu đã đến chùa Hưng Ký (năm 2003) và tìm thấy 1 xác rùa giống rùa hồ Gươm. Khi mang sọ rùa tìm được ở Thanh Hóa đặt cạnh sọ này để so sánh, thì về cơ bản là giống nhau.

GS Bình cho biết: Chúng tôi cũng mang 2 mẫu này so sánh với con giải Thượng Hải, thì thấy rằng về cơ bản, rùa hồ Gươm khác hoàn toàn.


Rùa khổng lồ bắt được ở Hòa Bình năm 1993
Từ năm 1967 đến năm 2003, các nhà nghiên cứu ghi nhận tổng cộng có 33 mẫu rùa. Đã có 5 mẫu xương sọ của 5 tiêu bản khác nhau được sưu tầm, đo đạc và phân tích gen. Về mặt hình thái xương sọ 5 mẫu sưu tầm đều rất giống nhau và khác với mẫu Rafetus swinhoei của Bảo tàng Tự nhiên London (Anh). Phân tích cũng cho thấy, rùa hồ Gươm không phải là con giải (Pelochelys cantonii hoặc P. bibroni) như mô tả ở Bảo tàng Thượng Hải - (thủy quái, được cho là hung dữ) đã tuyệt chủng ở Trung Quốc 120 năm nay.

Đoàn nghiên cứu cũng đã đến Hòa Bình và biết tin ngày 23/4/1993, ông Nguyễn Tiến Vẽ nguyên Trưởng trạm Nuôi trồng Thủy sản Hòa Bình bắt được con rùa nặng 87kg, khi cải tạo vùng đầm hồ để nuôi cá. Con rùa được trói, khiêng về Tỉnh ủy và bán vé 200đ cho mọi người vào xem. Xem được 7 ngày thì cụ say nắng và chết. Mẫu hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hòa Bình. Ngoài ra, ở đây có thông tin cho biết, còn 1 cụ khác ban đêm đã bò qua bờ đê, đi về phía sông Đà... Mới đây nhất, là việc phát hiện 2 cụ rùa ở Đồng Mô, mà báo chí đã đăng tải.

Tóm lại, cụ rùa hồ Gươm và cụ rùa Đồng Mô còn sống hiện nay, hay những cá thể rùa đã được ghi nhận ở những khu vực đầm hồ khác thuộc miền Bắc VN đã được ghi nhận là một loài mới, thực tế chỉ tìm thấy ở VN và vì thế nên gọi là: Rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ VN. Các cách gọi khác như: rùa, ba ba lớn... có sự lẫn lộn giữa tiếng Hán, Nôm và giữa các địa phương với nhau dẫn đến sự hiểu lầm. Tại hội thảo GS Hà Đình Đức cũng đề nghị Sách đỏ VN không nên gọi cụ rùa hồ Gươm là con giải và cần triển khai kế hoạch bảo tồn loài rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ mới, đặc hữu chỉ có ở VN này!

Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm