Đừng lãng quên “cây cầu Vĩnh biệt”!

10/06/2010 13:21 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trong kháng chiến chống Mỹ, biệt khu Hải Yến – Bình Hưng từng là một “địa ngục trần gian”, nơi có hơn 1.600 chiến sĩ cách mạng, dân lành đã ngã xuống dưới bàn tay quân thù. Nơi đây, có một cây cầu đổ nát, nhưng ít ai biết đó lại là chứng tích bi thương một thời, bất cứ người nào đi qua cây cầu này đều “một đi không trở lại”.

* Những năm tháng bi hùng

Biệt khu Hải Yến – Bình Hưng nằm ở xã Tân Hải, huyện Phú Tân, Cà Mau được công nhận là khu di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2000. Vượt qua 360 km đường bộ, 86 km đường sông từ TP.HCM, chúng tôi về miền cực Nam Tổ quốc giữa cái nắng chói chang mùa hạ.

Biệt khu này được Mỹ - Diệm xây dựng năm 1959 nằm trong kế hoạch bình định miền Nam và đặt dưới chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Quốc phòng Mỹ và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, không qua vùng 4 chiến thuật. Ngoài hệ thống bảo vệ đầy đủ khí tài, sức chứa tới gần 2.000 quân còn có cả nhà giam, phòng tra tấn, hầm thủ tiêu. Khởi đầu quản lý biệt khu này do hai anh em tên Nguyễn Lạc Hoá, Nguyễn Lạc Nghiệp – sĩ quan tình báo do Mỹ đào tạo đội lốt linh mục làm chỉ huy, sau này cả thảy có 13 tên thay thế nhau chỉ huy. Đặc biệt, có một đại đội lính Tàu Phù khét tiếng gian ác. Nơi này đã từng là một “lò sát sinh” rất man rợ”.

Dẫn chúng tôi đi, anh Trương Hồng Hài, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hải kể, người hiểu rõ nhất nơi này là người cựu tù Út Đằng. Ông là Quách Văn Đằng, năm nay đã 89 tuổi nhưng ông vẫn minh mẫn và kể lại rành rọt: “Bọn chúng dồn dân vào các ấp chiến lược, đinh điền, nếu không chấp hành, chúng thực hiện ba sạch (giết sạch, đốt sạch, phá sạch). Khi bắt được cán bộ, đồng bào, chúng tra khảo vô cùng dã man như: trói chân tay bỏ vô lu rồi dội nước sôi, hoặc lấy bông quấn tay tẩm xăng đốt, đóng đinh vào tay.... Tôi bị chúng bắt giam 6 tháng, từ ngày 25/7/1960 đến ngày 25/1/1961. Những ngày bị giam trong biệt khu, tôi đã chứng kiến biết bao con người chiến sĩ cách mạng, người dân bị tra tấn tàn bạo, nhưng không một ai khuất phục”.


Phía sau anh Trương Hồng Hài là chứng tích “cầu Vĩnh biệt”

Những người già nơi đây đều biết đến câu chuyện đau thương nhà bác Tám Sồi, một cơ sở Cách mạng. Đêm 14/9/1961, bọn lính bao vây nhà bác Tám Sồi, bắn chết anh Phước, anh Lung là giao liên, sau đó, chúng bắt 10 người trong gia đình xếp hàng trước sân (có 6 trẻ em) rồi bắn chết tất cả, 12 người đã chết trong đêm ấy.   

Để tưởng nhớ hơn 1.600 chiến sĩ cách mạng, dân lành ngã xuống, năm 1997 bia tưởng niệm được dựng lên. Đứng bên bia tưởng niệm, anh Trương Hồng Hài chỉ tay về hướng chếch đông và nói: “Mỗi năm, hàng nghìn người đến thăm lại khu di tích này. Nhưng ít ai biết, cách đây khoảng 200m, còn có 1 cây cầu mang tên Vĩnh biệt. Đêm hay ngày, người nào mà bị bọn lính dắt qua cây cầu này là một đi không bao giờ quay trở lại. Phía bên này cây cầu Vĩnh biệt là nhà giam, trại lính còn phía bên kia cây cầu là 2 hố chôn hàng ngàn con người. Bọn chúng giết và vứt xác xuống 2 hố đó. Nay còn sót lại 1 phần và đây là một di tích duy nhất còn sót lại trên vùng đất đau thương này”.

Trên chiếc xuồng ba lá, Trương Hồng Hài khua nhẹ mái chèo, đưa chúng tôi đến cây cầu có một không hai kia. Cây cầu chỉ còn lại một đoạn ngắn, là nhịp dẫn lên chiếc trụ cầu còn lại. Đã hơn 50 năm, một phần cây cầu từng tiễn đưa những bước chân đi mãi không về này vẫn đứng trơ gan cùng gió sương. Đứng bên cầu, trong đầu chúng tôi cứ mường tượng ra hình ảnh của “địa ngục trần gian”, những xiềng xích kéo lê trên mặt cầu, khuôn mặt hào sảng của người chiến sĩ cách mạng kiên trung trước lưỡi lê và họng súng của quân thù.

* Những điều trăn trở

Anh Trương Hồng Hài cho biết: “Trước năm 2007, thì khu đất thuộc Huyện đội Cái Nước quản lý, Huyện đội lại cho thuê đất để khai phá làm vuông nuôi tôm từ năm 2000. Người dân tại đây buồn vì 2 hố chôn biết bao nhiêu dân lành, người con kiên trung của đất nước bị đào bới để phục vụ nuôi tôm. Bản thân tôi sống ở đây gần 20 năm, muốn tìm lại 2 hố chôn người cũng không tìm lại được nữa.

Từ năm 1997, đã có đề án tôn tạo di tích Biệt khu Hải Yến – Bình Hưng. Năm 2007 UBND tỉnh Cà Mau có quyết định thu hồi đất từ Huyện đội Cái Nước và giao cho UBND xã Tân Hải quản lý nhưng đến năm 2009 thì Huyện đội Cái Nước mới giao đất. Tại thời điểm này dự án đang triển khai giai đoạn 1 là xây dựng bờ kè và đường nội bộ với kinh phí 2,3 tỷ đồng”.

Đài tưởng niệm ở Biệt khu Hải Yến – Bình Hưng

Khi dự án tôn tạo di tích hoàn thành, sẽ quy tập các hài cốt vào một nơi để thờ phụng, làm vui lòng bà con nhân dân biết bao nhiêu và yên lòng thân nhân những người đã nằm xuống.

Anh Trương Hồng Hài trăn trở: “Năm 1997 tôi còn là Bí thư xã Đoàn, từ năm 2000 đến 2009, đã bao lần xe xúc đất vào làm vuông tôm, hai hố chôn tập thể đã bị vằm nát rồi, nếu không có Đoàn Thanh niên ra sức bảo vệ thì 1 phần cây cầu Vĩnh biệt cũng mất luôn rồi”.

Miền đất tận cùng của Tổ quốc, hơn 50 năm ghi khắc máu xương và người dân, chính quyền xã Tân Hải, huyện Phú Tân luôn mong mỏi 1.600 vong linh được có nơi quy tập, thờ phụng để giáo dục truyền thống hào hùng cho thế hệ trẻ mai sau.
                       
Điền Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm