Hãy giữ nước Đồng Mô để bảo vệ rùa khổng lồ

31/03/2010 15:56 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - LTS: Ông Đoàn Văn Tiến, nguyên giảng viên Trường ĐH Nông nghiệp I, hiện đang nghỉ hưu ở gần hồ Đồng Mô (xã Sơn Đông, TX Sơn Tây -Hà Nội), vừa gửi thư tới TT&VH vì lo cho điều kiện sống của cá thể rùa khổng lồ ở hồ Đồng Mô (mà ông Tiến gọi là “ông Rùa”) sẽ bị tác động tiêu cực nếu tiếp tục xả nước hồ.

Ở Đồng Mô có một ông Rùa khổng lồ đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế phát hiện năm 2008 và đã được dư luận báo chí hết sức quan tâm (và hiện đang còn những ý kiến tranh cãi về mối quan hệ giữa ông rùa này với cụ rùa linh thiêng ở Hồ Gươm). Song có điều là mặc dù ông Rùa ở Đồng Mô đã qua cơn hiểm nguy - bị bắt, suýt bị bán hoặc giết thịt năm 2008, nhưng nay lại đang gặp nguy cơ sinh tử: không còn nước để sống. Người viết chỉ mong muốn có tiếng chuông kêu cứu, hãy chung tay cứu lấy Ông Rùa - họ hàng còn lại của “Cụ Rùa Hồ Gươm”.


Rùa khổng lồ ở Đồng Mô
Hết nạn cũ

Cuối năm 2006, khi có thông tin người dân ở hồ Đồng Mô thỉnh thoảng bắt gặp rùa khổng lồ ngoi cổ lên mặt nước, lập tức đoàn chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã lên đường khảo sát. Và thật kỳ công, cuối tháng 6- 2007 họ đã chụp được những bức ảnh đầu tiên khi rùa nổi lên. Sau đó các nghiên cứu và chương trình giáo dục truyền thông bảo vệ loài rùa quý hiếm đã được tổ chức tại đây. Tuy vậy chân dung cận cảnh vẫn chưa xác định được, chưa biết cụ thể cá thể rùa này thuộc loài nào? Khu vực được xây đập tạo hồ Đồng Mô từ rất xa xưa là một nhánh sông Hồng, trải qua vô vàn biến đổi của khí hậu, đổi dòng, ngăn nước, xây dựng ...vô tình một (hoặc một vài cá thể) rùa con bị sót lại trong hồ. Theo thời gian chúng thích nghi với điều kiện sinh thái của hồ Đồng Mô và lớn lên.

Nhưng đến tháng 11- 2008 những trận mưa lớn kéo dài đã gây trận ngập lụt lịch sử tại Hà Nội và vùng lân cận. Hồ Đồng Mô cũng bị đầy trong khi đập tràn đang xây dở dang nên điều gì ắt xảy ra đã xảy ra: vỡ đập tràn, hàng triệu mét khối nước đổ xô ra ngoài, dòng nước hung hãn đã cuốn đi không biết bao nhiêu thuỷ sản trong hồ, trong đó có “ông Rùa” đã được nghiên cứu theo dõi trên.

Ông Rùa ra khỏi hồ lập tức cũng như các thuỷ sản khác bị hàng trăm dân quanh hồ vây bắt, sau mấy ngày chống cự vùng vẫy quyết liệt, kiệt sức và bị thương dù đã phá tan nhiều mành lưới. Cuối cùng 6 giờ sáng ngày 26/11/2008 ông rùa đã bị 6 người đàn ông lực lưỡng của 3 hộ gia đình ở thôn Cơi, phường Trung Sơn Trầm, Thị xã Sơn Tây bắt được. Họ đã cân ông được các số đo: nặng 68 kg, mai có độ dài hơn 90 cm và rộng hơn 70 cm. Tin đồn về việc này bay nhanh hơn điện: chỉ đến trưa đã có thương lái (và cả tay chơi) đến tận nơi đòi mua với giá tăng như “tên lửa” 10 triệu, 20 triệu rồi 40 triệu “tiền trao, cháo múc” ngay!


Một góc hồ Đồng Mô – nơi sinh sống của ông Rùa
Nhưng cũng thật may, các cơ quan hữu quan đã kịp thời có mặt. Lúc đó “ông” đã bị nhốt trong nhà ngang, khoá chặt cửa, những người dân quá khích đã dựng cả chướng ngại vật (bàn ghế...) tạo thành “ lô cốt” quyết “bảo vệ” không cho đem rùa đi. Thời gian nặng nề trôi đi trong nỗi đau của những người có trách nhiệm vì càng lâu thì ông rùa bị thương có thể chết, trong số đó có cả những người bạn Âu, ông DouglasHendric – chuyên gia nghiên cứu về Rùa của Trung tâm giáo dục Thiên nhiên có mặt từ sáng đã cố nói nhiều lần bằng Tiếng Việt lơ lớ “Người đánh cá (chỉ những người dùng lưới bắt được rùa) cũng là người Việt Nam, cũng là một thành viên của trái đất này, cần yêu quý và bảo vệ thiên nhiên. Mà ở đây, việc bảo vệ con rùa là một hành động cụ thể và thiết thực nhất”.

Sự cố gắng kiên trì của các bạn quốc tế và sự quyết tâm của các cấp chính quyền đã xoay chuyển được tình thế, đến hơn 17h, đại diện 3 hộ dân đã hiểu ra, đồng ý nhận chút tiền thưởng và bồi thường 3 lưới bị rách, giao nộp “ông rùa” cho cơ quan chức năng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, các chuyên gia trong nước đã khẩn trương chữa các vết thương và đã đưa ông Rùa trở lại hồ Đồng Mô.

Đến nỗi lo mới

Điều đáng mừng là sau cái ngày 26/11/2008 xứng đáng đi vào lịch sử ấy, các cơ quan chuyên môn trong, ngoài nước và chính quyền Thị xã Sơn Tây đã làm nhiều việc cần thiết như: Tổ chức hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu phát hiện “ông Rùa ở Hồ Đồng Mô”; in tờ rơi, tài liệu, tranh (khổ lớn) để tuyên truyền tại trụ sở các cơ quan, đơn vị xung quanh hồ; thông báo với các cơ quan chức năng các đơn vị quản lý khai thác sử dụng hồ phổ biến quy định về bảo vệ bảo tồn động thực vật hoang dã quý hiếm... Trong cuộc hội thảo đó có nhiều ý kiến tâm huyết đề xuất phải bảo vệ môi trường sinh thái để Rùa Đồng Mô sinh trưởng, phát triển... phải giữ mức nước tối thiểu nhất định, không đào vét lòng hồ...

Nhưng thực tế hiện nay, hồ Đồng Mô còn có chức năng kháclại là chức năng chính – là điều tiết cấp nước phục vụ nông nghiệp. Vì vậy từ cốt nước trung bình theo quy hoạch là 18m, sau nhiều ngày xả nước chăm sóc lúa, đến hôm 16/3/2010 cốt nước chỉ còn 14m - giảm 4m nước. Và như vậy điều kiện sống của ông Rùa ở đây đang ở mức báo động đỏ: chỉ có 1m nữa là đến cốt nước chết – và như vậy lòng hồ thu hẹp lại rất nhanh (từ 1500 ha mặt nước, xuống cốt 14 thì mặt nước chỉ còn vài chục ha), ông Rùa sẽ sống ra sao?

Việc tháo nước phục vụ cây lúa là không thể không làm, nhưng tháo quá cạn để ảnh hưởng xấu đến điều kiện sinh sống của ông rùa thì phải giải quyết ra sao? Nếu “ông” mất đi thì cũng là nỗi đau đớn vô bờ về mặt bảo tồn động vật hoang dã, mà còn là nỗi day dứt tâm linh với lịch sử cha ông chúng ta.

Vì vậy chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền, các nhà khoa học, các nhà quản lý nông nghiệp, thuỷ nông, các nhà quản lý du lịch, văn hoá hãy cùng nhau xem xét chọn một giải pháp tương đối nào để tránh nguy cơ nói trên, tạo điều kiện bảo tồn lâu dài ông Rùa và đặt biệt là không thể để xảy ra sự cố đáng tiếc nào liên quan đến “ông” trong năm nay - năm có đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đoàn Văn Tiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm