Những người gìn giữ, phục dựng “Trò chơi Trí Uẩn”

29/03/2010 10:40 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trí Uẩn - trò chơi nổi tiếng đã từng gây ấn tượng rất mạnh cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam. Những biến ảo của trò chơi từ 7 mảnh gỗ nhỏ nhoi có thể tạo nên vô số hình ảnh và đã không ngừng phát triển theo thời gian, đến nay đã trở thành gần như một trò chơi dân gian với nhiều dị bản. Có người thấy trò chơi này được bán tại Nam Phi, do Trung Quốc sản xuất.

Trò chơi duy nhất của một thời

Ít ai biết, 7 miếng gỗ đó đã nuôi nấng mười mấy cuộc đời trong suốt những năm tháng khó khăn. Trong căn phòng nhỏ (phía ngoài đã được cho thuê làm hàng nhang đèn) trên phố Phùng Hưng (Hà Nội), có một người đàn bà im lặng tuyệt đối, lưu giữ những kỷ vật của ông, nhà cách mạng Nguyễn Trí Uẩn, đồng thời cũng là cha đẻ của trò chơi Trí Uẩn. Ca phẫu thuật vòm họng đã triệt tiêu khả năng nói của bà. Nhưng những tư liệu về trò chơi Trí Uẩn được bà cất giữ cẩn thận. Căn phòng không rộng, chỉ hơn 10m2, nhưng nó đã từng là nơi cư ngụ của hơn 10 con người.


Anh Nguyễn Trí Hùng, con trai thứ 7 của ông nói: "Ngày đó nhà tôi không bao giờ đóng cửa, vì quá chật và cũng chẳng có tài sản gì để trộm có thể lấy được. Bố tôi làm việc trong ngành xuất bản và hầu hết thời gian ngoài giò hành chính ông dành cho việc phát triển trò chơi Trí Uẩn. Những bộ sách trò chơi của ông được tái bản và bán liên tục. Và ông đã đi đăng ký bản quyền. Nó là thứ nuôi sống cả một gia đình đông con như gia đình tôi".


Nhà cách mạng Nguyễn Trí Uẩn cùng vợ, 11 người con và cháu (ảnh tư liệu gia đình)

Trí Uẩn là một trò chơi để rèn luyện trí tưởng tượng và sáng tạo của con người. Từ những miếng ghép cố định được thiết kế theo những tiêu chuẩn giản đơn hết mức, người chơi có thể suy nghĩ và tưởng tượng, để ghép thành nhiều hình khác nhau. Một trái tim nhưng có thể ghép theo 28 cách khác nhau, một quả tạ có thể lên tới 88 cách ghép. Các mảnh ghép Trí Uẩn có sức gợi mở lớn cho những người có tư duy logic và có sự sáng tạo. Thế nên, những hình mới được tạo nên từ 7 miếng ghép là không ngừng. Mỗi người có thể tự sáng tạo cho mình những cách ghép hình khác nhau, tạo cho mình những hình mới.

Cuốn sách nhỏ bằng bàn tay, được lưu tại Thư viện quốc gia có tên "Trí Uẩn" in năm 1959, đã có rất nhiều bạn đọc phản hồi và được ghi lại. "Từ năm 1945 tôi là học sinh đã chơi Evereto. Trò chơi này giải trí và vui, giúp cho tôi tính toán nhanh và chính xác. Thiếu nhi, học sinh cũng như người lớn chơi rất tốt" - lời của một người lính tên Lê Khắc Thường, tỉnh Thái Nguyên. Nghĩa là từ những năm 1940, trò chơi Trí Uẩn đã được khai sinh. Và hơn nửa thế kỷ qua, nó vẫn tiếp tục phát triển, dù có lúc bị những trò chơi hiện đại làm cho chìm khuất, nhưng giá trị của Trí Uẩn vẫn còn nguyên vẹn.


Cái tên của trò chơi Trí Uẩn, theo lời anh Nguyễn Trí Hùng, là do Bác Hồ đặt. Khi hoà bình lập lại, Bác và phái đoàn của Đảng và Chính phủ ta đi thăm một số nước, đã mang bộ đồ chơi này làm quà tặng và tên của chính tác giả Trí Uẩn được lấy làm tên trò chơi. Sau 18 lần xuất bản, năm 1974, ông cho ra đời 2 tác phẩm mới của trò chơi Trí Uẩn là "Việt Nam kiên cường" và "Đông Dương quật khởi". "Việt Nam kiên cường" đã được in 5 vạn bản vào 1974 (còn "Đông Dương quật khởi" đã không được in do điều kiện thời đó). Trò chơi Trí Uẩn đã được coi là một trong những trò chơi "độc nhất vô nhị", được bắt đầu từ một tình thế khắc nghiệt của cuộc sống và đã là thú giải trí gần như duy nhất của nhiều thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam suốt thời chiến tranh và sau khi hòa bình lập lại. Trí Uẩn đã đi vào dân gian cùng trò chơi của mình. Tháng 3/1984, ông đã được đài truyền hình giới thiệu về những trò chơi của mình.


Người đã mất mà như đang còn sống

Ông Nguyễn Chiến Thắng, người con cả của nhà cách mạng Nguyễn Trí Uẩn đã kể khá chi tiết về xuất xứ của trò chơi Trí Uẩn. Tháng 5/1940, Nguyễn Trí Uẩn bị Pháp bắt đi an trí ở Thanh Ba, Phú Thọ. Và được sự đồng ý của đồng chí Lương Khánh Thiện, lãnh đạo Xứ ủy của Đảng lúc bấy giờ, ông đã trốn về Hà Nội hoạt động bí mật. Lúc này địch khủng bố trắng, mật thám nhan nhản khắp nơi lùng sục. Vì thế rất nhiều ngày không thể ló mặt ra ngoài, Nguyễn Trí Uẩn phải ẩn náu trên gác bếp 42 phố Huế - Hà Nội. Trong lúc tù túng, ông tìm cách giải trí bằng cách cắt các miếng bìa ra để chắp hình. Sau nhiều phương án tác giả đã tìm ra cách cắt 7 quân từ 1 hình chữ nhật có chiều 8cm x 10cm. Từ 7 quân có cấu trúc hình học rất hợp lý, tác giả nhanh chóng sáng tác ra nhiều hình rất đẹp, rất giống và trở thành một hình thức giải trí rất tốt.



Bà Nguyễn Thị Thái – vợ ba của nhà cách mạng Nguyễn Trí Uẩn và con trai thứ 7 Nguyễn Trí Hùng với hộp “Trò chơi Trí Uẩn”

Cuối năm ấy, vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Nguyễn Trí Uẩn đã nhờ một người bạn, là chủ nhà in Quang Hoa ở số 66 phố Sinh Từ, in số hình mà ông cắt ghép được từ những mảnh bìa vụn, rồi ký gửi ở các tiệm hàng xén và hiệu sách. Ông lấy tên trò chơi là Evereto, tên đỉnh Everest. Sau một tháng, ông thu về 49 đồng, tương đương hơn một tấn gạo, sau 3 tháng ông thu được 500 đồng. Ông mở cuộc thi trên báo "Tin mới" và trò chơi chắp 7 miếng thành ngàn hình nhanh chóng được lan truyền trong giới học sinh.

"Hè năm 1941, thạc sĩ toán học Brachet (người Pháp) mua 1 hộp Evereto tại Cửa hàng số 9 phố Cửa Nam về chơi, có một số hình ông không chắp được, tính toán cũng không ra, ông đòi đối chất với tác giả. Qua trao đổi, Nguyễn Trí Uẩn đã nhờ cháu Mô, 7 tuổi, con ông Hiền, chủ hiệu chắp cho ông xem, ông rất thán phục nên giới thiệu thêm nhiều bạn bè người Pháp đến mua. Trò chơi Evereto trở nên nổi tiếng, các hiệu buôn lớn ở Hà Nội như Taupin, Chaffanjon, Ideo, Lucia (Godart) cũng đến buôn hàng đồ chơi này tại số 9 phố Cửa Nam" - ông Nguyễn Chiến Thắng kể lại.


Đến năm 1942, trò chơi Evereto đã giúp Trí Uẩn mở được một xưởng thợ và cửa hàng riêng tại 101 Hàng Đào, Hà Nội và các tiệm buôn Sài Gòn thời đó như Nguyễn Văn Nhiên (phố Grandiere), Léon Ferillet, Portail, Lucien Berthet, Imprimerie le Progrès (phố Catinat). Và đến cuối năm 1942, cũng theo ông Thắng, thì tại Foire-Exposition (Sài Gòn) mỗi ngày Evereto tiêu thụ được khoảng 2.000 hộp bán lẻ, 18.000 hộp bán buôn. Chỉ trong một tháng đã thu được 600.000 đồng (giá gạo lúc này là 3,9 đồng/tạ).


Anh Hùng nhớ lại, cha anh đã ghép ra hàng ngàn bức hình đẹp. Ông ghép đủ 10 chữ số và 24 chữ cái, ghép hình tượng Các Mác, Lênin, minh họa được 18 bài thơ của La Fontaine. Còn ông Chiến Thắng kể trên blog của mình: "Ít ai biết đến trò chơi Trí Uẩn đã nuôi sống nhiều đồng chí hoạt động bí mật trong lòng Hà Nội những ngày tiền khởi nghĩa tháng tám, cung cấp giấy để in Báo "Cứu quốc", Báo "Cờ giải phóng", in Báo "Khởi nghĩa" và nhiều truyền đơn bí mật ngay trong lòng Hà Nội".


Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Trí Uẩn, đã có những thăng trầm. Và trong đời riêng, ông cũng không gặp nhiều may mắn. "Cha tôi lận đận đường vợ chồng, đến mẹ tôi là người vợ thứ ba mới ở với ông tới khi đầu bạc răng long. Hai người mẹ trước của chúng tôi đều theo cách mạng, là hai nữ liệt sỹ. Thành ra đông con. Và vì thế cuộc sống càng gieo neo hơn. Vậy mà cụ vẫn quyết liệt với những trò chơi của mình" - anh Trí Hùng nói.



Nguyễn Trí Hùng với hình ghép Chùa Một Cột từ 7 mảnh gỗ của trò chơi Trí Uẩn

Thời gian đã làm cho trò chơi Trí Uẩn có lúc tưởng như bị quên lãng. Nhưng rồi một ngày, người ta thấy xuất hiện những bài báo giới thiệu về trò chơi Trí Uẩn do một người khác thực hiện, với những miếng ghép cẩu thả, những hướng dẫn vội vàng. Anh Trí Hùng nói, bộ đồ chơi Trí Uẩn của gia đình sản xuất phải đạt nhiều tiêu chuẩn: dùng gỗ mít để quân chơi càng ngày càng bóng; các quân được cắt bằng máy, và chỉ cần mỗi quân sai lệch 1 độ, 7 quân sai 7 độ thì người chơi không thể ghép hình được; độ nặng nhẹ của các quân cũng được tính toán, để khi ngồi xa nghe tiếng quân rơi cũng biết là sử dụng quân gì. Kích cỡ quân Trí Uẩn 70 năm nay không hề thay đổi. 7 quân là 7 “ổ khóa”, nhưng khi chồng lên nhau chỉ còn 3 “ổ khóa”; mỗi quân sở hữu chí ít là một đường thẳng hữu tỉ và vô tỉ, nên khi giải được thì số hình ghép trở nên vô cùng sinh động.

"Cha tôi mất từ năm 1995, nhưng di sản mà ông để lại thì chúng tôi phải làm cho đàng hoàng. Phục dựng lại trò chơi này, hoàn toàn không có ý định kiếm tiền, chúng tôi chỉ muốn nó được trả lại đúng giá trị mà thôi. Chúng tôi đang kết hợp với NXB Kim Đồng biên soạn lại bộ sách về Trí Uẩn. Nhân 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, chúng tôi sẽ công bố các hình  Chùa Một Cột, rùa Hồ Gươm, cột cờ Hà Nội… mà cha tôi đã để lại. Từ tháng 6/2009 đến nay, riêng tại Hà Nội trò chơi Trí Uẩn vẫn bán được 1.800 bộ. Mọi người còn chơi, còn say mê thì cha tôi như đang còn sống" - anh Hùng nói.


 

Nhà cách mạng Nguyễn Trí Uẩn

Ngày 19/8/1945, Hà Nội tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 22/8/1945, các đồng chí trong Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc họp tại Bắc Bộ phủ thì đồng chí Xuân Thủy đến xin phép Tổng bí thư cho báo Cứu quốc ra công khai. Đồng chí Trường Chinh đồng ý. Xuân Thủy băn khoăn: “Bây giờ anh em viết báo đã có, nhưng chúng tôi cần một người điều khiển nhà in và sửa morat mà không ai biết. Tôi đã đi tìm, mãi vẫn chưa được ai”. “Đồng chí đi tìm cậu Nguyễn Trí Uẩn – Tổng bí thư Trường Chinh trả lời – trước đây cậu ấy ở với tôi 2 năm để làm báo Letravail (Lao động) . Trước đó, Nguyễn Trí Uẩn đã bí mật cho ra mắt đồng bào Thủ đô tờ Khởi nghĩa vào tháng 10/1944, do ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút. Và Lê Văn Chỉ (bí danh của Nguyễn Trí Uẩn) biết có một nhà in Topin trên phố Tràng Tiền của Pháp bị Nhật tịch thu chưa sử dụng, vẫn còn niêm phong nên đảm nhiệm đi trưng dụng, sau khi xin một tiểu đội chiến sĩ giải phóng quân của tướng Giáp cùng đi làm nhiệm vụ.


Báo Cứu Quốc sau CMT8 năm 1945: Từ trái qua phải hàng trước: Nguyễn Trí Uẩn, Lê Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Bá Khoản. Hàng giữa: Đỗ Nhuận, Quốc Thụy, Thanh Đạm, Như Phong. Hàng cuối: Phạm Văn Hảo, Xuân Thủy, Lang Bách, Phạm Kỳ Vân (ảnh tư liệu của NSNA Nguyễn Bá Khoản)

Ngày 24/8/1945, báo Cứu quốc công khai ra số đầu tiên in trên 2 trang giấy trắng, lá cờ đỏ sao vàng được trùm cả trang nhất, đó là tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm. Măng séc báo đề: “Năm thứ 4, số 31, ngày 24/8/1945”. Đồng chí Xuân Thủy viết bài xã luận đầu tiên - Lời chào Cứu Quốc: “Cứu quốc! Tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam, tiếng kêu thống thiết của đồng bào hơn 80 năm nô lệ, tiếng thét căm hờn của hàng vạn chiến sĩ bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, bắn giết chỉ vì tranh đấu cho quyền lợi của dân tộc… Để đạt được mục đích cứu quốc, hơn 3 năm nay, báo Cứu Quốc sống âm thầm trong hang núi rừng sâu và trong những túp lều tranh u uất, hôm nay nó đã vươn mình ra ánh sáng. Hơn ba năm qua nó đã vượt qua muôn trùng nguy hiểm để đến tay đồng bào và giờ đây nó đã đường hoàng ra mắt độc giả…” .


Khối hình chữ nhật từ 7 mảnh ghép trên bia mộ ông

Nguyễn Trí Uẩn sinh ngày 1/10/1916 tại thôn Mậu Lương, xã Kiến Hưng (Hà Đông – Hà Nội). Tham gia cách mạng từ khi còn là học sinh trường Bưởi, sau thắng lợi Điện Biên Phủ, ông Trí Uẩn chuyển sang hoạt động bên lĩnh vực văn hóa tại NXB Ngoại văn (nay là NXB Thế giới) cho tới khi về hưu. Ông mất ngày 4/2/1995 trong cảnh khó khăn vất vả nhưng thanh bạch giữa phố cổ Hà Nội. Trên mộ, các con đã cho khắc hình 7 miếng ghép của trò chơi nổi tiếng mang tên ông – Trí Uẩn.


Dương Thái Sơn – Như Mai
(Bài tham dự cuộc thi viết/ tìm kiếm 100 nhân vật Hà Nội do TT&VH phát động. Chi tiết xin xem tại Nguoihanoi.thethaovanhoa.vn)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm