Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh: Làm lụa Long Vân mừng Đại lễ Nghìn năm

23/03/2010 08:07 GMT+7 | Thế giới

(TTVH) - Làng Vạn Phúc hiện có hàng nghìn người dệt lụa, nhưng nghệ nhân thì chỉ có ba, ông Nguyễn Hữu Chỉnh là một trong số ấy. Những ngày này, ông đang dồn hết tinh hoa cả đời dệt lụa để tạo ra mẫu lụa Long Vân với chủ đề "Thăng Long văn hiến".  

"Áo lụa em mặc thêm thanh vẻ người"

Lụa Vạn Phúc không chỉ là đỉnh cao của kỹ nghệ dệt tơ mà nghệ thuật trang trí trên lụa còn được xem như mẫu mực của phong cách tạo hình trên tơ lụa của nghệ nhân dân gian Việt Nam. Chất liệu lụa được phân ra nhiều loại theo độ tinh xảo của hoa văn, độ dày mỏng của vuông lụa như lụa trơn, lụa hoa, gấm, the, sa, xuyến, băng quế, lĩnh, vóc, sa tanh.

Nhắc đến lụa Vạn Phúc không thể không nói đến lụa vân, thứ lụa tinh hoa nhất, cũng chính là thứ lụa ông Chỉnh đang dồn sức sáng tạo ra mẫu mới với tâm nguyện chào mừng Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi. Nếu như các làng nghề lụa khác có thể tạo đủ loại lụa thì lụa vân chỉ có ở Vạn Phúc. Lụa vân là loại lụa mỏng có cả hoa nổi, hoa chìm; hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn còn hoa chìm thì phải soi lên ánh sáng mới thấy được. Các loại vân lụa rất tinh xảo và được khái quát bằng những tên gọi thanh cao, quý phái như vân tứ quý, vân song hạc, vân hồng điệp… nét hoa văn mềm mại, phóng khoáng mà dứt khoát, màu sắc biến ảo lung linh theo các góc nhìn khác nhau.

Muốn dệt được tấm lụa vân, người thợ dệt phải điêu luyện, sử dụng kỹ thuật dệt thủng rất tinh vi để tạo nên những hoa văn nổi vân óng ánh, nhưng chạm tay vào thì cảm thấy mịn màng, mát rượi, không chút gợn.


Ông Chỉnh vốn đã nung nấu ý định làm một "điều gì đó" để đánh dấu sự kiện thủ đô tròn 1000 năm tuổi. Sau khi được Bộ VHTT&DL mời tham dự Hội nghị Vận động sáng tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ Đại lễ nghìn năm Thăng Long tại Vân Hồ, ý định của ông ngày càng rõ ràng hơn. Những hình ảnh biểu trưng của Hà Nội lần lượt hiện lên trong đầu người nghệ nhân tài hoa. Mẫu lụa vân mới của ông là "Long vân", đôi rồng chầu Khuê Văn Các, đài sen, một motip hình ảnh quen thuộc với những ai yêu Hà Nội.

 Ông chia sẻ: Rồng bay lên chính là hình ảnh của Thăng Long, Khuê Văn Các đại diện cho trí tuệ hiền tài, nguyên khí Quốc gia, đài sen tượng trưng cho sự tinh khiết trong sạch của dân tộc Việt Nam. Qua đó thể hiện Thăng Long được nâng tầm thăng hoa trong lòng dân tộc Việt.

Ông dự kiến, trong tháng 4 hoặc tháng 5, mẫu lụa Long vân của ông sẽ hoàn thành,  đây là thứ lụa thích hợp nhất để may những tà áo dài truyền thống, tinh tế và sang trọng cho người phụ nữ Việt Nam.


Mẫu họa tiết lụa Long Vân với chủ đề "Thăng Long Văn Hiến” của nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh

Làng nghề không có… bí quyết gia truyền!


Ông Nguyễn Hữu Chỉnh sinh ra trong gia đình dệt lụa nổi tiếng bậc nhất làng Vạn Phúc xưa. Ông nội ông là cụ Nguyễn Chấp Chung khi xưa chuyên dệt các mặt hàng tơ lụa phục vụ triều đình nhà Nguyễn. Cụ cũng chính là một trong ba người thợ dệt Việt Nam được vinh danh tại cuộc đấu xảo thuộc địa của Pháp ở Mác - xây mà tên tuổi vẫn được lưu trong bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Cha ông là Nguyễn Văn Thiệp cũng là một nghệ nhân của làng nghề, chính ông đã thừa hưởng tay nghề từ cha trong việc thiết kế mẫu mã hoa văn trên chất liệu tơ tằm.

Làm nghề dệt lụa rất vất vả, công phu, để hoàn thành sản phẩm lụa phải trải qua nhiều giai đoạn. Trước khi đưa vào sản xuất, tơ phải qua tuyển chọn. Trong số thợ dệt có người chuyên lựa chọn ra các loại tơ, để phân loại các loại tơ to nhỏ khác nhau. Trong một con tơ, người trong nghề xác định với nhau mấy loại: sợi mốt, sợi mắc, sợi mảnh và sợi mốt cục.

Sợi mốt cục là sợi to nhất có nhiều nút, bỏ riêng ra không làm; sợi mốt là sợi tương đối to; sợi mắc là sợi to vừa phải và sợi mảnh là sợi nhỏ. Khi lựa chọn thì bao giờ cũng để riêng ra từng loại, người ta thường dùng sợi mắc để đưa vào làm sợi dọc vì nó tương đối đều và độ nhỏ vừa phải, làm sợi dọc không bị đứt. Sợi mảnh nhỏ hơn thì làm sợi ngang, và cũng tùy theo mặt hàng định làm có thể chập 2 - 4 sợi vào với nhau để tiết diện phù hợp. Riêng sợi dọc thì chỉ được dùng một sợi. Hai sợi dọc chập với nhau thì phải dùng một loại hồ bằng bột gạo dính vào với nhau để khi đưa lên máy dệt, sợi đều và không bị đứt.

Sau khi được phân loại, tơ được hồ sợi, tạo ra lớp bao bọc sợi tơ để tơ khỏi đứt, sau đấy đưa lên máy dệt. Các sợi ngang của tơ phải được quấn vào các con suốt đặt trong lòng thoi làm nhiệm vụ đưa sợi ngang qua đường dệt, sau khi dệt xong vải phải được đưa ra để nấu, tẩy loại bỏ các tạp chất bởi trong tơ có 25% là chất keo. Người Vạn Phúc xưa dùng trấu bếp, quả đu đủ, ruột bí đao và mỡ cơm sôi tức là mỡ ở trong lòng lợn bóc ra, các thứ đó vừa để nấu tẩy tơ, vừa để làm bóng sợi. Theo ông Chỉnh, ngày nay không ai làm thế nữa, người ta dùng hóa chất, xà phòng để nấu tẩy tơ.

Để tạo hoa văn cho lụa, người thợ phải vẽ mẫu trước, sau đó phóng to mẫu, từ đó xác định các điểm nổi để đưa vào đục trên tấm bìa các tông. Những điểm nổi sẽ được mã hóa thành các ô trên bìa các tông, và bìa này sẽ được đưa lên máy dệt có cơ cấu làm nhiệm vụ nâng hạ sợi theo quy định được đục sẵn trên bìa các tông, nó sẽ quyết định sợi tơ nào được lên, sợi nào được xuống để tạo ra hoa văn.

Khác với các làng nghề truyền thống khác, theo ông Chỉnh, Vạn Phúc không có điều gọi là "bí quyết gia truyền". Cái hay, cái đẹp của lụa đều phụ thuộc vào con mắt nghề, độ khéo léo công phu của người thợ. Ở Vạn Phúc, người thợ truyền nghề cho nhau, cái gọi là gia truyền trở thành cái chung của cả làng, không ai giữ bí quyết riêng của mình cả, hàng trăm năm nay vẫn như vậy. Vì thế lụa Vạn Phúc có đặc điểm riêng so với làng nghề khác vì làng giữ được kĩ thuật chung mà mọi người đều tuân thủ.

Ông Nguyễn Hữu Chỉnh được phong tặng danh hiệu nghệ nhân năm 2006


Trải qua nhiều thăng trầm, nghề dệt lúc thịnh lúc suy, đến đầu nhưng năm 1990 sau khi xóa bỏ bao cấp, nhà nước cũng không còn thuê HTX dệt Vạn Phúc làm gia công vải để xuất sang Đông Âu, ông Chỉnh là một trong hai người đầu tiên của làng nghề khôi phục lại nghề dệt. Ông đi vay 5 chỉ vàng mua tơ, không máy móc, ông làm thủ công hoàn toàn. Nhưng khi ông đèo xe đạp mang lụa lang thang chào bán khắp Hà Nội thì không ai mua. Hơn nửa năm như vậy, nản lòng thì ông gặp người bạn kinh doanh đồ gỗ. Ông ta thuê một điểm trong triển lãm Giảng Võ để trưng bày hàng, và cho ông gửi lụa trưng bày không lấy tiền. Năm 1992, có đoàn thương gia Ấn Độ sang tham quan ở triển lãm Giảng Võ, nhìn thấy lụa tơ tằm của ông Chỉnh, họ ưng ngay và đặt mua 3.000 mét. Ông Chỉnh dồn cả lụa mấy tháng ế ẩm chỉ có chưa đầy 200 mét. Lụa là mặt hàng cao cấp, cao giá, bán hết 200 mét lụa ông có trong tay một số vốn lớn để tiếp tục theo đuổi nghề và mở rộng sản xuất. Ống bảo, đó là lần đầu tiên trong đời ông cầm trong tay số tiền bán lụa lớn như thế, mà lại bằng tiền đô.

Giờ đây, làng lụa có hơn 600 gia đình làm nghề dệt, năm 2001 số lượng máy dệt của làng là trên 1.000 máy và đang trở nên giàu có từng ngày. Nhà ông Chỉnh có 5 con, 3 con gái đi lấy chồng, còn 2 người con trai thì đều nối nghiệp cha theo nghề dệt lụa.

Thảo Vi
(Bài tham dự cuộc thi viết/ tìm kiếm 100 nhân vật Hà Nội do TT&VH phát động. Chi tiết xin xem tại Nguoihanoi.thethaovanhoa.vn)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm