Gặp người bắn Trung tướng Mỹ Keith Lincoln Ware (Kỳ 3)

26/08/2009 11:59 GMT+7 | Thế giới

(Tiếp theo và hết)

Một cuộc đời trận mạc

Cái chết của Trung tướng Mỹ chỉ là một trong số các sự kiện đầy bi tráng của cuộc đời chiến binh Nguyễn Thanh Tân. Trong hồi ký cá nhân, ông Tân kể chi tiết việc tham gia chiến dịch mang tên Nguyễn Huệ - Thần tốc quyết thắng từ 1/4/1972 đến 19/1/1973 của quân giải phóng miền Nam, tiến công vào tuyến phòng ngự của địch ở các tỉnh cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn, mở rộng địa bàn đứng chân của ta ở miền Đông Nam Bộ.

Khi đó ông Tân đã là phó Chính ủy Trung đoàn 209. Ngày 7/4/1972, ông Tân cùng đồng đội đánh Chiến đoàn 52 tại căn cứ Đồng Tâm, tiêu diệt 500 lính, bắt sống 334, thu 789 máy thông tin, bắn cháy và thu 162 xe các loại với nhiều trang bị quân sự khác. Đây là trận thắng mở đầu cho toàn bộ chiến dịch, tiêu diệt gọn cả Chiến đoàn 52 thuộc Sư đoàn 18 sừng sỏ của quân đội Sài Gòn trên một địa bàn trọng yếu. Tiếp đó là chặn đánh Sư 21 và hai chiến đoàn 31, 33 của quân đội Sài Gòn từ Lai Khê lên chi viện.

Bia mộ của Keith Lincoln Ware


Rồi ròng rã 150 ngày đêm chặn địch tại Tầu Ô – Xóm Ruộng với nhiệm vụ: chốt cứng, chặn đứng không cho một lính, một xe địch lên và xuống. Không gian chốt chặn rộng, thời gian chốt chặn dài – tới 5 tháng, có lẽ trong lịch sử quân đội NDVN ít có trận chốt chặn nào kéo dài tới như vậy? Rồi thọc sâu vào sào huyệt địch ở địa hình đồng bằng Tân Phú Trung và Phú Hòa Đông, cách sân bay Tân Sơn Nhất chưa đầy 3km và cách thị trấn Củ Chi khoảng 4km đường chim bay.

Tiếp đó là trận xóa sổ Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 thuộc Chiến đoàn 8, Sư 18 của địch ở Dầu Tiếng; cùng Sư 341 giải phóng thị trấn Định Quán; đánh lên Bảo Lộc; cùng Trung đoàn 12 chủ công thọc vào thị xã Long Khánh; tắt rừng cấp tốc đánh chiếm căn cứ Long Bình và vào tới ngã tư Hàng Xanh đến thẳng Dinh Độc Lập. Thời điểm từ 1977 – 1979, ông Tân là phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn công binh 550, chịu trách nhiệm làm đường, bắc cầu, và ít lâu sau đó, ông được điều động sang làm Chính ủy Trung đoàn 1 đánh Pôn Pốt.

Đơn vị của ông Tân từng phối hợp cùng một đơn vị xe tăng luồn rừng 3 – 4 ngày hết sức bí mật, từ trong lòng địch đánh ra – một trận thọc sâu, vu hồi tuyệt đẹp hiếm thấy trong thời kỳ đánh Pôn Pốt. Và rồi truy kích Tà Mốc – một trong những thủ lĩnh của Khơ Me Đỏ trên một dãy núi cao ngất, cây cối rậm rạp ở tỉnh Bắc Tam Boong; bảo vệ, xây dựng chính quyền cách mạng từ Kông Pông Thơm tới tận Biển Hồ…

Cuộc đời chiến binh của ông Tân trong quân ngũ kéo dài tới 1991 thì nghỉ hưu, với 5 Huân chương chiến công, nhiều Huân chương kháng chiến, Huân chương chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Ăng Ko và Huân chương Độc lập, Danh hiệu dũng sĩ các loại. Quý giá không kém trong cuộc đời dài mấy mươi năm quân ngũ của ông, là từ một chiến sĩ bình thường đã lần lượt giữ nhiều chức vụ, được đồng đội tin yêu, quý mến bởi tấm lòng trung thực, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, có lúc sẵn sàng nhận cái chết về mình để cứu nguy cho các anh em.

Ba con số 13

Chúng tôi gọi điện hỏi Thiếu tướng Phạm Ngọc Nghinh, nguyên PGĐ Học viện Quốc Phòng về cái chết của Trung tướng Mỹ Keith Lincoln Ware. Tướng Nghinh cũng là người ở Sư 7 rất lâu, từ khi hành quân vào năm 1966, đến 1976 mới lên Quân đoàn. Có thời điểm ông Tân là cấp dưới của tướng Nghinh, nên hai người rất quen biết. Tướng Nghinh hỏi: "Thế anh Tân kể với các chú thế nào?". Chúng tôi trả lời rằng, khi bắn không hề biết có Trung tướng ở trên trực thăng. Tướng Nghinh cười lớn: "Ừ, chiến tranh là như vậy đó".

Thời điểm đó, ông Nghinh đang dự sơ kết về xây dựng Đảng toàn miền, nên không trực tiếp chứng kiến câu chuyện này, nhưng vẫn nhớ rằng tin về cái chết của Keith Lincoln Ware lan truyền đi  như một tin mừng thực sự. Toàn Sư đoàn ai cũng biết. Tướng Nghinh phân tích: "Xét về tâm lý, chỉ cần cấp Sư trưởng chết thôi là đã loạn. Mỗi người cầm quân có một tư tưởng quân sự riêng, ý đồ riêng. Cấp như Keith Lincoln Ware chết, nhất định toàn bộ số sĩ quan cấp dưới hoang mang, không thể không được". Tướng Nghinh nhắc chúng tôi đọc cuốn Lịch sử Sư đoàn bộ binh 7 - Quân đoàn 4 (NXB QĐND 2006, với ghi chú cuối sách: mong bạn đọc góp ý, phê bình), có một đoạn viết về cái chết của Keith Lincoln Ware.

Tóm lược đoạn này như sau: “Ngày 20/7/1968, đơn vị cuối cùng của Sư đoàn là Trung đoàn 141 đã về tới vùng căn cứ ở khu vực sông Măng thuộc vùng Bắc tỉnh Bình Long, gần biên giới Campuchia. Mưa dầm dề, có lúc dữ dội, rừng ở đây sũng nước, đường đi lối lại ngập ngụa, làm các mái lán lợp bằng lá trung quân không lúc nào khô. Nhà giao ban Sư đoàn nửa nổi nửa chìm, trừ một cửa lên xuống, còn ba mặt đều ăn thông ra những hầm chữ A chắc chắn. Chính giữa nhà là chiếc bàn tre ken bằng những sợi mây rừng, có tấm bản đồ khu vực miền Đông Nam Bộ với những nét vẽ bằng bút chì dầu trên lớp nilon, thể hiện rõ hình thái địch, ta. Cán bộ về Sư đoàn họp buổi đầu tiên. Sau những tháng chiến đấu căng thẳng ở vùng sâu, họ ngồi đó, đưa mắt nhìn nhau, bùi ngùi tưởng nhớ tới những đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn đi xa…”

Một nửa trong "bộ sưu tập” Huân huy chương của Đại tá Nguyễn Thanh  Tân

“Đêm 10/9, hai đại đội đặc công của Sư đoàn 7 và Trung đoàn 320, ba Tiểu đoàn bộ binh 2, 4, 5 của ba Trung đoàn 141, 165, 320 và Tiểu đoàn 22 pháo binh đồng loạt đánh vào các mục tiêu ở tiểu khu Bình Long, chi khu Lộc Ninh và Lộc Tấn. Ngay từ sáng hôm sau, địch đưa 1 rồi 3 Tiểu đoàn của Sư đoàn 1 “Anh cả Đỏ” Mỹ và nhiều xe tăng, thiết giáp ra giải tỏa, nhưng đều bị đánh thiệt hại và thiệt hại nặng. Thấy tình hình tiến triển không như ý muốn, tướng Keith Ware – Tư lệnh Sư đoàn 1 tung thêm hai Tiểu đoàn cùng hai Chi đội tăng thiết giáp vào cuộc. Keith Ware lên trực thăng bay thẳng tới mặt trận, trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân. Chúng dùng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28 có tăng thiết giáp đi cùng vòng phía tây đường 13 lên nam Lộc Tấn; đổ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 26 xuống Tây bắc Lộc Tấn, thành gọng kìm hòng kẹp chặt quân ta. Trong lúc Keith Ware đang cùng bộ sậu bay trên trời quan sát, chỉ huy các mũi tiến quân thì bị khẩu đội súng máy phòng không 12,8mm của xạ thủ số 1 Nguyễn Văn Hậu thuộc Đại đội 18 Trung đoàn 320 bắn rơi – lúc đó là 13h ngày 13/9/1968. Keith Ware chết trúng vào ba con số 13 (13 giờ, ngày 13, trên trục đường 13), tin này làm rúng động cả Sài Gòn và nước Mỹ.

Kẻ duy tâm, tin vào số mệnh thì nói Keith Ware chết vì “dính” vào tới ba con số xui xẻo, tai họa. Các chiến sĩ Đại đội phòng không thì cho rằng viên tướng này chết do đã bị bắn một cách chính xác tuyệt vời. Còn các sĩ quan tham mưu của Trung đoàn 320 thì nghĩ Keith Ware chết là do ta đã bày binh bố trận đúng. Không bàn cãi nhiều về hai cách nghĩ sau, vì thực ra đó chỉ là một. Còn hiểu theo cách thứ nhất thì đấy chính là số phận của một kẻ đi xâm lược. 18h30 cùng ngày, đài BBC đã đưa tin và bình luận về sự kiện này”.

Như vậy, dưới quyền chỉ huy của ông Nguyễn Văn Tân, xạ thủ Nguyễn Văn Hậu là người được sử của Sư đoàn coi là đã xiết cò hạ Trung tướng Mỹ. Ông Hậu bây giờ ở đâu? Không ai biết. Chúng tôi tìm về Sư 7 ở Thủ Dầu Một, Bình Dương và dò hỏi nhiều người nhưng đến lúc này cũng không nhận được thông tin gì về ông Hậu, kể cả những người viết sử của Sư đoàn. Nghe tin ấy, tướng Nghinh không giấu được chút ngậm ngùi. Còn chiến binh Nguyễn Thanh Tân thì kể rằng, trong trận đối đầu giữa lính phòng không và HU1A “kính mầu xanh” này, ông là chính trị viên, Hoàng Văn Tạnh là đại đội trưởng (đã mất), cậu Chế chính trị viên phó, cậu Hoài hình như ở Bến Tre, cậu Phận hình như ở Quảng Nam, và cậu xạ thủ số 1 thì tên lại là Năm và cũng đã chết… Thời gian và căn bệnh nặng có lẽ đã khiến ông cũng không còn nhớ được tới từng chi tiết nhỏ.

Ông Tân mặc áo xanh cúc gài, nói chuyện đến lúc say sưa quá, ông co cả đầu gối lên ghế cười khà khà. Khi chúng tôi chụp ảnh, bà vợ vào nhà trong mang chiếc áo sĩ quan cao cấp thay cho ông, tháo giúp ông cái máy nghe tai điếc xuống. Cái cách bà mặc áo cho ông, đúng là âu yếm thật mà! Chiến tranh đã lùi xa, rất xa khỏi căn nhà ấm cúng đầy tiếng cười này.

Việt Thường – Phan Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm