Đạo đức người Thầy – đôi lời nói thẳng

15/11/2009 11:02 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - “Học trò luôn coi thầy là “thần tượng”, họ “soi” vào người thầy để thấy mình; nếu là “tấm gương mờ”, nếu có lòng tự trọng, nên tự mình rút lui khỏi nghề làm thầy”. Xin giới thiệu những lời tâm huyết của một nhà giáo gửi TT&VH.

Niềm tự hào của người thầy

Ngày nay, vào bất kỳ một trường học nào, từ mẫu giáo đến THPT, ở chỗ trang trọng nhất đều treo một khẩu hiệu làm “kim chỉ nam” cho phương châm chỉ đạo, nhắc nhở cả thầy lẫn trò: “Tiên học Lễ, hậu học Văn”.


Sân trường (Ảnh minh họa)

Như vậy trò đến trường trước hết phải học “Lễ”, tức là học đạo đức, học đạo lý làm người để trở thành “con ngoan, trò giỏi”, xa hơn nữa khi trưởng thành sẽ là những nhân tài góp sức xây dựng đất nước ta “sánh vai các cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ dạy. Và đương nhiên, người thầy dù làm cán bộ quản lý hay trực tiếp đứng trên bục giảng, hoặc làm chủ nhiệm hay chỉ là giáo viên bộ môn dạy toán, văn, sử, địa, thể dục… đều phải biết dạy “Lễ” cho học trò. Để làm tròn trọng trách đó, người thầy phải nghiêm khắc, thường xuyên  rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong luôn “là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Nếu người thầy cái “tâm” không sáng, trò không “tâm phục, khẩu phục”, khó mà đứng lớp để dạy đạo đức cho trò. Đội ngũ các nhà giáo có quyền tự hào, lúc đất nước khó khăn, cam go nhất, thời thế đã tạo nên một “thế hệ vàng” các thầy cô giáo “sống mãi với thời gian”. Chỉ riêng Trường Đại học Sư phạm, “cái nôi” đào tạo các “kỹ sư tâm hồn”, ta có thể kể đến thầy Nguyễn Khánh Toàn, thầy Nguyễn Lân, thầy Lê Trí Viễn, thầy Nguyễn Lương Ngọc, cô Hoàng Xuân Sính, thầy Dương Trọng Bái, thầy Trương Chính…


Đất nước đổi mới, mở cửa, hội nhập, có nhiều thuận lợi  để con người thực hiện lẽ sống “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhiều thầy cô giáo tâm huyết với nghề “trồng người” đã biết vượt lên  chính mình. Không ít thầy cô giáo để lại sau lưng ánh đèn thành phố, chia tay tiện nghi, dám đối diện với muôn vàn khó khăn “cầm đàn lên đỉnh núi”, “cõng cái chữ” lên vùng sâu, vùng xa. Họ là người giáo viên nhân dân “trái tim đỏ như hoa phượng tím”, biết sống “mình vì mọi người”. Chính họ là niềm tự hào cho nghề dạy học của chúng tôi.

Những tật xấu của người thầy

Đã có một số thầy cô giáo “con sâu làm rầu nồi canh”, sống ngụy biện bằng thứ triết lý thực dụng để lừa gạt dư luận, lừa dối cả chính mình. Họ lập luận “thầy cô giáo cũng là người, cũng có gia đình, cũng cần nhiều tiền để phục vụ cho nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp…”. Vì thế họ cho phép mình kiếm tiền bằng mọi thủ đoạn, tự đánh mất mình, mất lòng tin của xã hội, xấu dần trong mắt trẻ thơ. Đạo đức của người thầy xuống cấp nghiêm trọng. Biểu hiện cụ thể là một số tật xấu sau đây, mong các thấy cô dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm khắc tự kiểm điểm, mặt mạnh thì phát huy, mặt yếu cần kiên quyết khắc phục, tự hoàn chỉnh bản thân thì mới làm tròn nhiệm vụ “vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Nhiều thầy cô giáo bằng lòng với kiến thức đã học trong các trường cao đẳng, đại học, không những vậy lại còn cho rằng “học mười chỉ dạy một, hai”. Họ là “nô lệ” của sách giáo khoa (SGK), tôn sùng SGK, khăng khăng bảo thủ cho rằng kiến thức trong SGK là duy nhất đúng, khi dạy chỉ lo truyền đạt đủ kiến thức cơ bản trong SGK. Phương pháp dạy khô cứng, đơn điệu, đọc SGK bắt học sinh chép hoặc chỉ tóm tắt SGK. Đó là cách dạy của người thầy thiếu cáí tâm, vô trách nhiệm, không sáng tạo, kiến thức của thầy lạc hậu, thui chột, chắc chắn không đảm bảo chất lượng chuyên môn của tiết dạy.

Nghề dạy học có đặc thù riêng, sản phẩm là con người trong mối tổng hòa xã hội. Thầy giáo, ngoài tiết dạy trên lớp phải quan tâm tới hoạt động ngoại khóa, bạn bè, cuộc sống ngoài xã hội của trò, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh, kịp thời nắm bắt diễn biến tình cảm, tư tưởng của bọn “nhất quỷ, nhì ma”, “sớm nắng, chiều mưa”, đến trường tỏ ra học sinh ngoan, về nhà bố mẹ khen nức nở, đến khi công an thông báo con em sa vào nghiện hút, lúc đó cha mẹ, thầy giáo chủ nhiệm mới tá hỏa lên thì đã muộn. Lỗi đó có phần thuộc về người thầy. Người thầy không chỉ quản lý học sinh trong giờ học, mà phải quản chặt học sinh do mình chủ nhiệm khi chúng về nhà và hành vi của các em ngoài xã hội. Tiếc rằng một tật xấu của thầy giáo, đặc biệt ở thành phố là lười nhác, vô cảm, không dành thì giờ đến với học sinh. Quan hệ giữa thầy và trò có cả một khoảng cách lạnh lùng, trò không hiểu thầy, thầy không hiểu trò. Đã không hiểu nhau thì cộng tác với nhau khó đem lại hiệu quả tốt.

Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Khánh Toàn, người đã đóng góp nhiều công sức xây dựng nền Giáo dục Việt Nam và nền Khoa học Xã hội Việt nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1982.

Chuyện dạy thêm để lại nhiều tai tiếng  bị dư luận xã hội lên án, đồng tiền làm  hoen ố nhân cách người thầy. Nhiều thầy dạy trên lớp, đồng nghiệp xếp loại trung bình, yếu, kém. Nếu ngành giáo dục nghiêm túc, phải loại những giáo viên “tay nghề” non ra khỏi ngành. Song chẳng hiểu vì sao họ cứ nghiễm nhiên làm thầy. Họ dạy kém, đương nhiên chẳng học sinh nào đến thụ giáo. Họ dở thủ đoạn “ép” đến lớp học thêm của mình, khi kiểm tra sẽ được điểm cao, nếu không thì thầy “trù” cho biết… lễ độ!


Quan hệ người thầy với cha mẹ học trò nhiều khi là những “liên minh” theo kiểu  “ông có chân giò, bà thò chai rượu”. Các ông bố bà mẹ quan niệm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, “mua” các thầy để chạy trường chuyên, lớp chọn, cuối năm học con đạt kết quả “ảo” vẫn đều đều lên lớp, dẫn đến việc học trò liên tục “ngồi nhầm lớp”. Thầy, cha mẹ hợp sức đánh lừa học sinh, một vết nhơ trong nhà trường phổ thông.

Không ít thầy cô giáo vi phạm pháp luật tham ô, hủ hóa, đánh đập, chà đạp nhân phẩm học trò bằng bạo lực. Thầy “đổi tình lấy điểm”, cưỡng hiếp nữ sinh, rồi có cả thầy trực tiếp mua dâm học trò, tham gia tổ chức đường dây mua bán dâm, nạn nhân là chính học sinh của mình.

Người thầy mang đủ thứ “bệnh” ngoài xã hội, một nguyên nhân quan trọng, đó là sự quản lý rất kém của hệ thống cán bộ quản lý, điều này được cô giáo, nhà văn Trần Thị Nhật Tân phản ánh rất chân thật trong cuốn tiểu thuyết “Vùng xoáy” đang được bạn đọc trân trọng đón nhận. Vừa qua Bộ GD&ĐT kiểm tra 18 trường đại học danh tiếng, không trường nào đạt “chuẩn”. Lỗi này thuộc các nhà quản lý. Nhiều thầy giáo dạy học lết bết, chủ nhiệm một lớp còn không nổi, lại được cử làm hiệu phó, hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục… Thật vô lý! Nhà đã dột từ nóc thì hậu quả khôn lường.

“Đã mang lấy nghiệp vào thân”

Nhiều người vào nghề dạy học, có thể là thầy chọn nghề, hay nghề chọn thầy, muốn hay không muốn thì “đã mang lấy nghiệp vào thân”, phải tìm hiểu, xác định đặc thù nghề nghiệp, sản phẩm làm ra là Con Người Mới, những công dân tốt, nhân tài của đất nước. Nếu ông thầy sa đọa về đạo đức, dốt nát về chuyên môn, không biết mình, biết người, bảo thủ đứng trên bục giảng chỉ làm hỏng các thế hệ học trò. Làm thầy phải biết hy sinh cho nghề nghiệp, “tử vì nghề”.

Ví dụ đơn giản: ở ngành khác, người ta có thể mặc quần bò, nhưng thầy giáo không thể diễn chiếc quần “cao bồi” mài bạc phếch đứng trước học sinh thao thao giảng về cái đẹp trong ăn mặc. Thầy không thể vừa hút thuốc, vừa giảng bài. Thầy phải biết giữ mình, tránh xa mọi cám dỗ tầm thường, giữ cho tâm hồn trong sáng, mọi hành vi phải nâng lên thành văn hóa trong đối nhân xử thế, từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất. Học trò luôn coi thầy là “thần tượng”, họ “soi” vào người thầy để thấy mình. Nếu là “tấm gương mờ”, nếu có lòng tự trọng, nên tự mình rút lui khỏi nghề làm thầy.

Nghề dạy học là nghề sáng tạo, đào tạo ra những con người sáng tạo. Nếu thầy không còn sức sáng tạo, lười nhác không tự học, không cải tiến phương pháp giảng dạy, chỉ loanh quanh kiến thức có trong SGK - mà SGK, không phải lúc nào cũng đúng, thì nên giải nghệ, đừng “cố đấm ăn xôi”, tra tấn học trò khi đứng lớp. Đó là người thầy nhẫn tâm, thiếu đạo đức nghề nghiệp, chắc chắn học trò không chấp nhận.

Ông cha ta đã dạy “không thầy đố mày làm nên”,  “thầy nào trò ấy” để thấy vai trò ông thầy tác động toàn diện đến học trò trong mối quan hệ “nhân quả”. Thầy “dạy tốt” mới có trò “học tốt”.

Lê Sĩ Tứ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm