Không thể chìm vào quên lãng

11/05/2009 10:04 GMT+7 | Thế giới

Đặng Văn Thảo - Cựu chiến binh C1, D7, E209 - lính mũ sắt Hà Nội

Tôi là một người lính thuộc đơn vị C1, tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, tức C1, K4. Tôi cùng đơn vị trực tiếp tham gia trận đánh cao điểm 995 thuộc dãy Chư tan Kra, lúc đó có mật danh là M2. Khi đọc bài báo “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra” trên báo TT&VH của tác giả Việt Thường, tôi cùng anh em đồng đội C1 thuở xưa, nay đã là những “ông già” ngoài 60, nghẹn ngào xúc động. Những ký ức của 41 năm xưa lại dồn dập dâng trào khiến dòng nước mắt không cầm lại được.

Thượng tướng Nguyễn Thế Trị trao đổi với Tổng biên tập báo TT&VH Ngô Hà Thái.

Chúng tôi lúc bấy giờ ở độ tuổi 18, 19 là lính của Trung đoàn mũ sắt, đây là Trung đoàn bộ binh duy nhất của quân đội nhân dân Việt Nam được trang bị mũ sắt cùng với các vũ khí, khí tài hiện đại như súng B40, B41, súng phun lửa, đại liên kiểu mới nhất, mặt nạ phòng độc hoá học… và được huấn luyện kỹ chiến thuật hiện đại. Chúng tôi hùng dũng hành quân bằng xe cơ giới từ Hoà Bình đổ bộ vào mặt trận Tây Nguyên. Sau này, Trung tướng Lê Hữu Đức, lúc đó là Sư đoàn phó Sư đoàn 1, người được mệnh danh là “con hùm xám Tây Nguyên” kể lại: “Mình đi trinh sát về thấy các cậu mà cứ ngỡ là lính Mỹ”. Trung đoàn mũ sắt Tây Nguyên ra quân với khí thế hào hùng, đa số là trai Hà Nội “xịn”. Vừa đặt chân đến đất Kon Tum là chúng tôi nhận ngay nhiệm vụ đánh sân bay Kleng nằm ở phía đông dãy núi Chư tan Kra. Thời điểm đó, khí thế tấn công Mậu Thân đang sôi sục, quân Mỹ được tăng cường đổ vào mặt trận Tây Nguyên. Đơn vị chúng tôi chưa kịp đánh sân bay Kleng thì Mỹ đã đổ một đại đội xuống cao điểm 995 thuộc Chư tan Kra để đóng chốt, khống chế quân ta và chắn giữ mặt Tây Bắc căn cứ Kleng.

Tình hình chiến sự thay đổi, cấp trên điều động tiểu đoàn 7 (tức K4) vào đánh địch ở cao điểm 995 Chư tan Kra. Khi trinh sát ta điều nghiên M2 để lập phương án tác chiến thì bất ngờ địch lại đổ thêm quân, nâng quân số lên tương đương một tiểu đoàn. Chúng củng cố công sự vững chắc: lô cốt bê tông, các loại rào kẽm gai có đặt máy dò tiếng động, gài mìn các loại để phòng thủ, và trên đỉnh còn có cả trận địa pháo. Như vậy, lực lượng ta và địch ngang nhau về quân số nhưng Mỹ vẫn hơn hẳn ta vì ở trên cao, có công sự, không quân – gồm trực thăng tác chiến, máy bay ném bom, C130, pháo bầy từ các cứ điểm khác… yểm trợ.

Và rồi khoảng 2h sáng ngày 26/3/1968, tiểu đoàn trưởng Trương Ân bắn pháo hiệu ngay sau lưng tôi, phát lệnh tấn công. Lập tức tiếng kèn xung trận vang lên. Bộc phá mở tung hàng rào. Các chiến sĩ bộ binh Hà Nội nhất loạt lớp lớp xung phong trong tiếng đạn, tiếng pháo vang trời. Pháo sáng của địch sáng trưng cả đỉnh đồi. Cùng với anh em, tôi ôm súng tiểu liêu xông lên xiết cò, băng qua hàng rào. Bỗng một tiếng nổ ầm trước mặt, mắt tối sầm, tôi ngã xuống, khi tỉnh lại đã thấy mình được đưa ra khỏi trận địa.

Sau nhiều năm chiến đấu ở các đơn vị và các chiến trường khác nhau, tôi vẫn không quên được trận đánh Mỹ đầu tiên của các chiến binh Hà Nội. Trong trận đó, đại đội 1 của tôi, đại đội chủ công đã thương vong 2/3 quân số. Đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm, người anh cả hiền hậu – một danh ca bài chòi quê gốc Quảng Nam đã hy sinh khi chỉ huy trận đánh. Đại đội phó Hoàng Nhạc đẹp trai, dáng thư sinh, bị thương ở vùng ổ bụng và đã hy sinh ở trạm phẫu thuật tiền phương. Hơn 200 chiến sĩ thanh niên Hà Nội đã nằm lại trên đỉnh Chư tan Kra. Các anh nằm đó, lặng lẽ bên bạn bè đồng đội, hơn 40 năm qua vẫn đợi chúng tôi vào. Tôi rất xúc động khi biết ngày 26/3 năm nay, mấy anh em của đại đội 5 (đại đội hỏa lực của tiểu đoàn 7 gồm đại liên, B41 và cối 82) và cả đại đội 3 bộ binh đã lặn lội lại chiến trường xưa, tìm được cao điểm 995 Chư tan Kra, thắp nén nhang thơm để mát mẻ vong hồn đồng đội.

Sau khi TT&VH đăng tải loạt bài “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị và một số Cựu chiến binh Trung đoàn Hà Nội đã đến tòa soạn bày tỏ lòng cảm ơn. Tướng Trị cho biết, trong tuần này ông sẽ tiếp xúc với các cơ quan chức năng của Hà Nội và gửi đơn kiến nghị về vấn đề xây dựng khu tưởng niệm cho các liệt sĩ Hà Nội đã nằm xuống tại dãy núi Chư tan Kra của Kon Tum.

Mặc dù đã trải qua nhiều đơn vị trong suốt 7 năm chiến đấu, nhưng đại đội 1, tiểu đoàn 7, trung đoàn 209 vẫn là cái gốc của tôi. Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, anh em chúng tôi tìm nhau, quần tụ trong một hội cựu chiến binh để cùng các gia đình liệt sĩ C1 nhớ về một trận M2 máu lửa.

Mỗi lần tiếp xúc với các gia đình thân nhân liệt sĩ M2 Chư tan Kra, chúng tôi thực sự lúng túng khi nói rằng đơn vị không làm được đầy đủ công tác thương binh tử sĩ. Bởi lẽ trận đánh giằng co đến gần sáng, ta thương vong lớn, hết đạn hỏa lực, không tiêu diệt được hết quân địch nên phải rút ra, cùng lúc Mỹ cho pháo bầy, máy bay ném bom bắn phá hủy diệt. Mỹ đổ tiếp quân để tái chiếm trận địa. Các đồng chí trinh sát cho biết chiều hôm 26/3/1968 đó, lính Mỹ đã đem toàn bộ thi hài bộ đội ta chôn lấp tập thể. Đây là một việc rất đau lòng trong chiến tranh và cũng là điều day dứt của anh em bộ đội còn sống. Qua báo TT&VH, tôi cũng mong thân nhân các gia đình liệt sĩ hãy hiểu cho hoàn cảnh lúc bấy giờ và thông cảm cho anh em chúng tôi.

Nhớ lại những ngày hào hùng và nhiều mất mát ấy, tôi càng thêm kính trọng, tri ân những đồng chí anh dũng của tôi đã ngã xuống trên đỉnh Chư tan Kra. Tâm nguyện tha thiết nhất của tôi, cũng là của anh em đồng đội tiểu đoàn 7, là mong các cơ quan chức năng Nhà nước tiến hành việc tìm hài cốt các chiến sĩ Hà Nội trận vong M2 1968 và dựng bia tưởng niệm ghi công, để tôn vinh những anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc.

(Còn nữa)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm