Bài 1: Chi sai nguyên tắc hàng tỷ đồng

24/04/2009 11:01 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Vụ việc bê bối tại Trường CĐ bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp (gọi tắt là CTIM) bị thanh tra TP.HCM phanh phui, nhưng đến nay vẫn chưa có xử lý gì, trong khi vụ tham nhũng tại Trường ĐH Quy Nhơn đã bị khởi tố hình sự đối với ông hiệu trưởng và những người liên quan.

Dư luận đang đặt câu hỏi, có phải đằng sau đã có người “chống lưng” cho những cán bộ làm sai trái?

Không góp vốn vẫn được chia lãi?

CTIM được Bộ GD-ĐT cấp phép thành lập vào tháng 7/1999, trực thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza), có chức năng đào tạo học viên hệ cao đẳng và trung học chuyên nghiệp (THCN), nhằm cung ứng lao động cho các KCX-KCN trên địa bàn TP.HCM. Lạm dụng chức năng này, trong nhiều năm liền, một số lãnh đạo CTIM đã gây hậu qủa nghiêm trọng đến uy tín, chức năng và tài chính của một tổ chức GD-ĐT.



Cụ thể, năm 2000, Trung tâm Đào tạo kỹ thuật cao (TTĐTKTC) trực thuộc CTIM, ông Trương Ngọc Thục - Hiệu trưởng CTIM kiêm giám đốc TTĐTKTC – đã sử dụng TTĐTKTC phục vụ cho lợi ích cá nhân. Theo xác minh của cơ quan chức năng, trong nhiều năm, hoạt động thu, chi tài chính của CTIM có nhiều sai phạm hết sức nghiêm trọng. Đơn cử việc thu, chi đã để xảy ra chênh lệch trên 6,5 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều khoản thu trong liên kết đào tạo, bị bỏ ra ngoài sổ sách kế toán, với số tiền hàng trăm triệu đồng. Một phần khoản tiền này dùng để tăng thu nhập cho một số cá nhân. Từ năm 1999 – tháng 12/2005, ông Thục lấy danh nghĩa trường CTIM ký 19 hợp đồng liên kết đào tạo với 15 đơn vị khác và cấp văn bằng chứng chỉ của CTIM cho các lớp học. Nhưng nguồn thu từ các hợp đồng này lại đưa về TTĐTKTC, để… làm gì đó có trời mà biết 558,2 triệu đồng.

Về chi tài chính, người ta phát hiện hàng loạt khoản chi cho nhiều cá nhân, trong khi khoản đóng góp cho ngân sách, trên phần vốn góp của Nhà nước, thì hoàn toàn bị… bỏ lửng! Ví dụ: Với 5 sáng lập viên ra trường đã nghỉ hưu, không còn làm việc, CTIM vẫn mạnh tay chi trả lương hơn 170,6 triệu đồng (80% tiền lương hưu, tính từ năm 2006 – tháng 8/2007). Và từ tháng 9/2007 – tháng 5/2008, chi thêm 168,7 triệu đồng (?!)…CTIM còn chi phụ cấp hàng tháng cho các thành viên HĐQT với số tiền kỷ lục 865,5 triệu đồng. Trong khi vốn góp ngân sách Nhà nước vào trường hoàn toàn không được tính lãi, thì lãnh đạo CTIM đã tích cực chi lãi cổ đông trước thuế, từ năm 2000 – tháng 8/2006, với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2003 – 2005, trường đã chi lãi trên vốn ưu đãi cho 17 người hơn 557,8 triệu đồng. Trên thực tế, 17 người này không hề có vốn góp, nhưng vẫn được HĐQT định vốn góp, để nhận lãi trên vốn góp khống. Trong số những người nhận lãi trên vốn góp khống nói trên có những cái tên rất quen thuộc như: Lê Công Giàu (15,9 triệu đồng), Nguyễn Hữu Tín (74,8 triệu đồng), Nguyễn Chơn Trung (12 triệu đồng), Trương Ngọc Thục (46,8 triệu đồng)… Trong khi CTIM phải trả lãi cố tức hàng năm từ 12 - 14%/năm cho các cổ đông góp vốn, thì lãnh đạo trường lại bạo tay xuất 1,1 tỷ đồng cho 11 cán bộ - nhân viên vay vốn không tính lãi, để mua nền đất. Hậu quả từ năm 2002 đến tháng 6/2008, lãi không có đồng nào, mà vốn gốc còn 235 triệu đồng chưa thu hồi được.

Chi hàng trăm triệu đồng sai nguyên tắc

Vào tháng 7/2003, dựa trên một quyết định của UBND TP.HCM về việc duyệt dự án đầu tư nhập máy móc, thiết bị, đồ dùng dạy học từ nguồn vốn nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 3 triệu USD (tương đương 48,5 tỷ đồng), lãnh đạo CTIM đã xuất khoản tiền chi phí cho dự án “nhập máy móc” này hơn 550,1 triệu đồng. Trong đó, chi phí lập dự án đầu tư hết 134 triệu đồng, chi phí Ban Quản lý dự án 50 triệu đồng, chi phí công tác và tiếp khách hết… 284,5 triệu đồng, chi mua vé máy bay khứ hồi từ Mỹ về VN cho một lãnh đạo trong trường hết 78,3 triệu đồng… và chi cho bà Nguyễn Thị Tuyết (kế toán) trên 2,8 triệu đồng để mua… 3,3 chỉ vàng làm quà tặng (?). Trớ trêu, dự án trên giữa đường không thực hiện, dẫn tới hơn nửa tỷ đồng tốn kém, mà cuối cùng, CTIM chẳng mang lại một kết quả gì. Chưa hết, ngày 7/7/2004, Bộ GD&ĐT có quyết định cử ông Trần Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng CTIM – đi học và nghiên cứu theo chương trình Tiến sĩ chuyên ngành kinh tế tại Mỹ. Vào tháng 5/2007, ông Hải hoàn thành chương trình Thạc sĩ, thì bất ngờ… ông xin ngừng học, với lý do rút ngắn chương trình học để về phục vụ công tác quản lý… (?). Bộ GD&ĐT đồng ý cho phép ông  trở về cơ quan công tác, nhưng ông Hải phải bồi thường kinh phí mà Nhà nước đã cấp cho ông Hải đi học, với tổng giá trị là 43.541 USD. Tính cho đến tháng 4/2008, sau khi từ Mỹ về nước, không biết ông Hải phục vụ cơ quan được bao lâu, thì đột ngột… ông gửi đơn xin nghỉ việc. Hàng chục ngàn USD tiền ngân sách Nhà nước bỏ ra cho ông Hải đi du học, cho đến thời điểm gần cuối năm 2008, ông Hải vẫn không hoàn trả lại Nhà nước khoản tiền này. CTIM còn bị mắc lợm khi chi hỗ trợ tiền vé máy bay lượt đi sang Mỹ hơn 11 triệu đồng; mặc dù, khoản tiền này, ông Hải đã được Bộ GD&ĐT thanh toán đầy đủ…
 
Cầm Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm