Đi tìm Người Giao Chỉ

23/04/2008 17:24 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH)- Bạn nghe nói quá nhiều về người Giao Chỉ, nhưng đã bao giờ bạn nhìn thấy một bàn chân Giao Chỉ có hình dáng như thế nào chưa? *Gặp cụ bà Phạm Thị Nghi ở Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa sẽ cho chúng ta biết thế nào là bàn chân giao chỉ.

Theo quan niệm dân gian từ xưa đến nay, đặc trưng của người dân "thuần Việt" khi chưa bị phong kiến phương Bắc đô hộ chính là đôi chân Giao Chỉ. Những bàn chân có ngón cái xoè rộng đến dị thường, tới mức không thể đi vừa vào bất cứ đôi dép, đôi giầy nào. Lần tìm những thông tin về đôi chân Giao Chỉ, chúng tôi đã tìm đến làng Quảng Tiến, một làng chài ven biển của thị xã Sầm Sơn, Thanh Hoá, nơi người già chỉ có thể... đi chân đất!

Từ thành phố Thanh Hoá, đi khoảng 20 cây số về phía biển là đến Quảng Tiến. Ngôi làng không khác gì các làng chài ven biển xứ Thanh, đang mùa cá chính nên ban ngày đa số đàn ông đều đi khơi, trong làng chủ yếu chỉ còn lại người già, phụ nữ và em nhỏ. Nhưng đến đây chúng tôi mới thấy thực sự sửng sốt trước những đôi bàn chân mà người dân trong làng nói vui là "bàn chân Việt cổ còn sót lại". Nhiều người già trong làng mang đôi chân hình dáng Giao Chỉ ấy

Cao tuổi nhất là bà cụ Nguyễn Thị Lệnh ở xóm Thọ Xuân. Năm nay đã 95 tuổi, dù tai hơi khó nghe nhưng cụ nói chuyện vẫn còn minh mẫn lắm, da vẫn hồng, mắt vẫn tinh tường. Theo trí nhớ của cụ thì cha mẹ cụ là người gốc tích ở đây và đều có đôi chân Giao Chỉ như cụ bây giờ. Các ngón chân toẽ ra, đặc biệt là hai ngón chân cái quặp vào, chụm vào nhau trông như hai chiếc càng cua. Cả đời các cụ đi chân đất chứ không thể đi guốc mộc được. Ba người anh chị em của cụ


Sự khác nhau giữa bàn chân giao chỉ và người thường

Theo cụ thì ngày trước ở làng có nhiều người có chân Giao Chỉ như vậy lắm. Cha mẹ chân Giao Chỉ thì sinh ra con cái cũng chân Giao Chỉ. Nhưng dần dần, người làng hay đi làm ăn xa, lấy vợ lấy chồng ở xa, chỉ cần người cha hoặc người mẹ có đôi chân bình thường thì con cái cũng có... bàn chân bình thường trở lại. Và những người có đôi chân Giao Chỉ trong làng đang ít dần đi theo thời gian. Bây giờ chỉ còn có người già trong làng mới có đôi chân như vậy. Đem việc này ra trao đổi với ông Vũ Thăng Tâm, bí thư chi bộ thôn Khang Phú, xã Quảng Tiến, thôn có nhiều người chân Giao Chỉ nhất xã, ông hóm hỉnh: "

Thế hệ trước đây trong thôn nhiều người có chân Giao Chỉ, nhưng may là cái "gen Giao Chỉ" là cái gen lặn chứ không phải là gen trội. Nếu không các thế hệ sau sinh ra mà có bàn chân xoè ra như cái chổi thì xấu lắm!" Theo tìm hiểu và quá trình theo dõi của ông Tâm, nếu không phải trường hợp cả cha lẫn mẹ đều chân Giao Chỉ thì hiện tượng này không di truyền đến thế hệ sau . Từ người trung niên đến trẻ em trong làng không ai còn có hiện tượng này nữa.

Trước đây cả làng có đến vài chục người có chân Giao Chỉ và đều là các cụ già, nhưng do tuổi cao sức yếu nên dần mòn chỉ còn hơn chục người. Đặc biệt, những người có chân Giao Chỉ ở trong làng thường sống rất thọ, khoẻ mạnh và ít bị đau ốm bệnh tật hơn những người khác . Như cụ bà Lệnh 95 tuổi, cụ Thao 90 tuổi, cụ Thoả 89 tuổi, cụ Hào 86 tuổi... đến các "thế hệ sau" như cụ Lẫm 78 tuổi, cụ Nghi 76 tuổi. Các cụ đều là những người dân lao động lam lũ, ngoài phụ việc chài lưới còn làm ruộng và quanh năm đi chân đất. Khi tôi hỏi về đôi bàn chân của mình, điều đầu tiên là các cụ đều cười hỏi lại "Chú hỏi chân tui mần chi?", nhưng không một ai kêu ca mà đều vui vẻ chấp nhận bàn chân (mà có thể bây giờ ta coi là xấu xí) như một lẽ tất nhiên nó phải thế.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Chiến, phó GĐ Bảo tàng Thanh Hoá tỏ ra khá ngạc nhiên với những thông tin và hình ảnh chúng tôi cung cấp. Bà Chiến cho rằng, nên có một nghiên cứu về nhân chủng học và văn hoá cổ ở vùng này, biết đâu lại có thể tìm hiểu được bí ẩn nào đấy của quá khứ xa xưa từ thời Giao Chỉ. Một dấu hỏi lớn đang hoàn toàn để ngỏ.

Mạnh Cường thực hiện

BOX: Không có đề tài nào nghiên cứu về người Giao Chỉ

Theo ông Phan Quốc Bảo, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo - Bộ Y tế, trong 10 năm trở lại đây, không có đề tài nào nghiên cứu khoa học về đề tài nguời Giao Chỉ, nhưng có thể có những đơn vị, ngành khác nghiên cứu về vấn đề này.

Còn theo PGS Hà Văn Phùng, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, kiểu ngón chân có hình dạng kỳ lạ như càng cua này là do bệnh lý chứ không phải là đặc điểm đặc trưng của người Giao Chỉ. Không phải toàn bộ người Giao Chỉ đều có bàn chân như vậy, mà chỉ có một nhóm người. Thời gian qua nghìn năm cũng đã lai nhiều, chứ không phải còn nguyên gen của người Giao Chỉ. Cũng không thể dựa vào những điểm đặc biệt của ngón chân để nói lên đặc trưng của người Giao Chỉ.

Khánh Vân thực hiện

BOX: Hiện tượng “ngón chân Giao Chỉ” không phải là hiếm trên thế giới

Hiện tượng hai ngón chân cái trẹo ra ngoài để có tư thế giao nhau khi hai bàn chân đặt song song gần nhau được gặp không chỉ ở các dân tộc Đông Dương mà còn ở các dân tộc khác, như người Malaisia, Campuchia, Trung Quốc, Melanesia và một số tộc người thổ dân da đen, chỉ khác nhau ở mức độ. Theo các nhà khoa học, đây không phải là hiện tượng bệnh lý , mà có thể coi là một biến dị lại tổ (variation atavique) do xương mọc không thẳng như bình thường.

Nổi tiếng nhất trong số này là bộ lạc thổ dân Vadoma sống ở trên các ngọn núi ít người lui tới ở Zimbabwe. Người Vadoma còn được gọi là Wadoma hoặc Mudoma.Họ nói tiếng Chikunda (một dạng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ) và tiếng Kore Kore - thổ ngữ của bộ tộc Mkorekore, sống chủ yếu bằng nghề săn bắn, bẫy thú hoang, câu cá, nhặt quả rừng, kiếm mật ong...

Đa số người dân ở bộ tộc này bị một hiện tượng có tên ectrodactyly (càng cua), theo đó ba ngón chân ở giữa hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại ngón cái và ngón út phát triển tẽ ra thành hình chữ V. Vì lẽ đó bộ tộc này còn được gọi là "tộc hai ngón" hoặc "tộc người đà điểu".

Dị tật của thổ dân Vadoma - chỉ xuất hiện ở những người mang dòng máu thuần chủng của bộ tộc - được cho là xuất phát từ hiện tượng biến dạng nhiễm sắc thể số 7. Tồn tại hàng nghìn năm, chân 2 ngón vẫn di truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên đột biến này đã mang tới những lợi thế lớn, giúp người dân Vadoma dễ dàng leo trèo ở địa hình nhiều đồi núi.

Theo các nhà khoa học, hiện tượng càng cua không chỉ gây ra những biến dị ở chân mà còn có cả các biến dị khuyết ngón ở tay. Theo nhà nghiên cứu về danh họa Leonardo da Vinci, ông Ben Sweeney, nghệ sĩ lừng danh này có thể cũng mắc bệnh càng cua ở tay trái mặc dù đây là cánh tay ông thường dùng để tạo nên các tác phẩm để đời.

Ngày nay những biến dị dạng này đã được giải thích dưới góc độ khoa học và được xã hội chấp nhận như một chuyện bình thường. Nhưng nhiều thế kỷ trước, do thiếu hiểu biết nên những người bị bệnh càng cua ở thường phải che giấu dị tật hoặc tham gia các gánh xiếc lưu động và sử dụng biến dị của bản thân mình để tạo sự kinh hãi nơi khán giả. Vì lẽ đó, họ phải chịu rất nhiều sự phân biệt đối xử trong cuộc sống.


Võ Long
(Thực hiện)



 

 


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm