Trao cho EU, giải Nobel Hòa bình gây tranh cãi

13/10/2012 07:13 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Ủy ban Nobel Hòa bình đã tiếp tục châm ngòi cho những tranh cãi, và thậm chí là cả sự chê cười, khi vừa quyết định trao giải cho Liên minh châu Âu (EU), tổ chức hiện đang ngập trong khủng hoảng và căng thẳng giữa các nước thành viên.

Ủy ban Nobel Hòa bình gồm có 5 người, với 2 nam, 3 nữ, tất cả đều mang quốc tịch Na Uy. Họ gồm cựu Thủ tướng Thorbjorn Jagland, 2 cựu nghị sĩ, một luật sư hàng đầu và một người từng là Giám mục Oslo. Trông họ hết sức nghiêm chỉnh và nếu nhìn họ, người ta sẽ tưởng họ là “ban giám đốc công ty sản xuất xi măng”, hoặc “lãnh đạo một công ty kiểm toán”. Nhưng Ủy ban đã thêm một lần nữa chứng minh rằng họ thực ra là các nghệ sĩ hài xuất sắc, khi trao giải cho Liên minh châu Âu (EU).

“Vở hài kịch”?

Hài kịch thành công hay không là do tính thời điểm quyết định. Và nếu muốn chọc cười dư luận, Ủy ban đã chọn thời điểm không thể hợp hơn. Giải Nobel Hòa bình được trao cho EU, dù chính ông Thorbjorn Jagland đã thừa nhận trong thông báo về người đoạt giải hôm 12/10 rằng "Châu Âu hiện đang trải qua các khó khăn kinh tế nghiêm trọng và các biến động đáng kể trong xã hội".

Ngay sau khi tin tức lan ra, dư luận đã hớn hở pha trò trên các mạng xã hội như Twitter. Một số người nói rằng người Đức có thể sẽ tới lãnh giải thưởng hơn 1 triệu USD và không muốn chia sẻ nó với người Hy Lạp!

Ông Thorbjorn Jagland, Chủ tịch Ủy ban Nobel Hòa bình trong buổi họp báo sau lễ công bố tên EU là tổ chức được trao giải Nobel Hòa bình

Thẳng thắn mà nói, chọn người trao giải Nobel năm nay không phải dễ. Ủy ban phải đánh vật với 231 ứng cử viên, gồm 188 cá nhân và 43 tổ chức, để chọn ra người xứng đáng nhất. Họ chọn EU với lý do "liên minh này và các tổ chức tiền nhiệm đã có 6 thập kỷ đóng góp cho sự tiến bộ của hòa bình và hàn gắn, của dân chủ và nhân quyền ở châu Âu".

Trong lễ công bố giải, Jagland đã mô tả lại vai trò của châu Âu trong việc giúp hàn gắn quan hệ Pháp và Đức sau Thế chiến thứ Hai.

"Trong những năm hậu chiến, Ủy ban Nobel Hòa bình Na Uy đã trao nhiều giải thưởng cho các cá nhân đã tìm cách hàn gắn quan hệ giữa Đức và Pháp. Kể từ năm 1945, sự hàn gắn đã trở thành thực tế. Những khổ đau ghê sợ trong Thế chiến thứ Hai đã cho thấy sự cần thiết của việc thành lập châu Âu mới. Trong 70 năm qua, Đức và Pháp đã có 3 cuộc chiến với nhau. Ngày hôm nay, chiến tranh giữa Đức và Pháp là điều không thể hình dung nổi" -Jagland nói.

Ông cũng nói rằng châu Âu đã giúp hàn gắn và mang dân chủ vượt qua “Bức màn Sắt” từng ngăn đôi châu Âu, cũng như vai trò to lớn của tổ chức này trong việc giúp đỡ vùng Balkan. “Vai trò tạo sự ổn định do EU đảm nhận đã giúp biến đổi phần lớn châu Âu từ một lục địa của chiến tranh thành lục địa của hòa bình" - ông đánh giá.

EU đang chia rẽ nặng nề

Nhưng điều gây buồn cười là những tuyên bố khá kêu của ông Jagland về Pháp và Đức diễn ra chỉ 1 ngày khi nhiều hãng tin châu Âu đã phát đi một cuộc đấu khẩu giữa cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde và giờ là lãnh đạo Quỹ tiền tệ Quốc tế, với Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble.

Lagarde cảnh báo rằng việc triển khai các chính sách thắt lưng buộc bụng quá mức có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề mà EU đang đối mặt. Schauble nổi cáu và phản ứng lại: "Khi anh muốn leo len một ngọn núi cao bằng việc leo xuống thì ngọn núi ấy chỉ ngày càng cao mãi mà thôi!". Cuộc tranh cãi giữa 2 nước lớn trong EU chỉ cho thấy phần nào sự chia rẽ đang diễn ra hiện nay trong khối.

Giải Nobel Hòa bình trao cho EU đã bị không ít người cho là không xứng đáng

Còn theo tờ Time, Liên minh châu Âu đã có vai trò tác động rất nhỏ trong các cuộc xung đột ở vùng Balkan như tại Croatia, Montenegro, Serbia. EU thậm chí không thể ngăn chặn chiến tranh ở Bosnia, một cuộc xung đột lớn ở khu vực kể từ khi EU được thành lập. EU cũng không có nhiều tác động tới kết cục của cuộc chiến.

Cách đây vài năm, đa số người châu Âu có thể sẽ đồng tình với giải Nobel Hòa bình trao cho EU. Nhưng các cuộc thăm dò hiện tại ở 27 nước thành viên cho thấy sự ủng hộ với EU đang tan vỡ dần. Trong cuộc thăm dò mới nhất diễn ra hồi tháng 9, chỉ 40% người châu Âu ủng hộ việc duy trì khối.

Song Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz đã vội ca tụng kết quả này, nói rằng nó "rất đáng khích lệ", bởi năm 2011 chỉ có 31% người châu Âu có quan điểm tương tự. Ông nói vậy, dù rằng chưa đầy một nửa "thần dân" của EU cảm thấy vui vẻ khi đứng chung trong khối. Được biết trong thời kỳ đỉnh cao, có tới 69% người châu Âu nói rằng họ lạc quan về tương lai của EU.

Liệu có xứng đáng?

“Như trò đùa ngày “Cá tháng Tư”

"Nếu Ủy ban Nobel muốn đùa vui nhân ngày Cá tháng Tư thì họ đã hơi trễ" - Martin Callanan, một thành thành viên Anh ở Nghị viện châu Âu nhận xét  - "Các chính sách của châu Âu đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng và dẫn tới những bất ổn xã hội mà chúng ta chưa từng chứng kiến trong cả một thế hệ".

Tờ New York Times nói rằng nhiều quan chức châu Âu hiện đã nêu ra vấn đề rằng ai sẽ nhân danh khối để nhận giải thưởng. Đây không phải là việc dễ dàng, nhất là trong bối cảnh các thành viên trong khối đang lục đục với nhau, bị chia rẽ bởi căng thẳng giữa các nước ở phía Bắc vốn nhiều ảnh hưởng hơn và các nước ở phía Nam đang gặp khó khăn. Châu Âu còn đang chia rẽ trên nhiều vấn đề liên quan tới tính cách các dân tộc, trước những câu hỏi khó như có nên kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào nhóm hay không...

Ngay tại trụ sở của EU ở Brussels, nhiều lãnh đạo quan trọng đã muốn được tới lễ trao giải, gồm cả Chủ tịch EU José Manuel Barroso và Herman VanRompuy, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu. Ngoài ra, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz cũng ra thông báo nói rằng tổ chức muốn ông góp mặt trong lễ trao giải. Sự cạnh tranh giữa họ đã làm người ta nhớ lại một câu nói đùa kinh điển của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry A. Kissinger: "Tôi sẽ phải gọi ai nếu muốn nói chuyện với châu Âu?"

Một số người châu Âu thậm chí đã đặt dấu hỏi rằng liệu có phù hợp để trao giải Nobel Hòa bình cho EU, khi tình trạng kinh tế và ổn định của khối đang tồi tệ như hiện nay.

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm