Thủ tướng Nhật lên kế hoạch từ chức

03/06/2011 11:10 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã rất vất vả mới vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra hôm 1/6, sau khi ông thông báo sẽ từ chức một khi đất nước bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi sau thảm họa động đất, sóng thần. Như vậy ông Kan đã trở thành Thủ tướng thứ 5 tuyên bố sẽ từ chức, chỉ vài ngày trước khi cầm quyền tròn một năm.

“Một khi hoạt động xử lý thảm họa của tôi kết thúc ở mức độ nào đó và tôi đã hoàn thành vai trò của mình ở mức độ nào đó, tôi muốn sẽ để cho thế hệ trẻ hơn gánh lấy trọng trách” - ông Naoto Kan nói trong một cuộc họp với thành viên Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) của ông, chỉ vài giờ trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong Diet, tức Quốc hội.

Thủ tướng thứ 5 phải ra đi sau 1 năm cầm quyền?

Cam kết này của Kan đã giúp ông nhận được sự ủng hộ của vài nhân vật “nổi loạn” trong đảng, gồm cả người tiền nhiệm Yukio Hatoyama, và từ phía đối thủ chính trị Ichiro Ozawa. Quyết định bỏ phiếu bất tín nhiệm đã được đảng đối lập Dân chủ Tự do (LDP) đưa ra, song bị đánh bại với tỷ lệ 293 phiếu chống/152 ủng hộ.

“Theo tôi, Kan đã rất khôn ngoan khi nói rằng ông sẽ từ chức trong vài tháng tới. Bằng việc này, ông đã đạt được một sự thỏa hiệp nhất định với các đối thủ của mình” - Go Ito, một giáo sư về khoa học chính trị ở Đại học Meiji, Tokyo, cho tờ Telegraph biết - “Nếu ông không nhắc gì tới hai chữ từ chức thì chắc chắn ý kiến chung sẽ là buộc ông phải ra đi. Bằng cách này, ông đã tạo thêm thời gian cần thiết cho mình và có cơ hội được hưởng những lợi ích về mặt chính trị, một khi quá trình phục hồi ở Nhật bắt đầu diễn ra”.

Thủ tướng Naoto Kan đã tuyên bố sẽ ra đi
sau khi đất nước tiến vào giai đoạn phục hồi


Trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, chính quyền của ông Kan đã bị chỉ trích vì xử lý kém thảm họa kép diễn ra hôm 11/3 cũng như vụ rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện Fukushima Daiichi.

Giới phê bình nói rằng Chính phủ phản ứng quá chậm và không kịp thời cung cấp thông tin cho những người bị ảnh hưởng từ thảm họa. Chính phủ cũng không cung cấp đủ chỗ ở và các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ sinh hoạt cho những người ở vùng thảm họa.

Các thăm dò gần đây cho thấy trong khi công chúng xem Kan là một Thủ tướng yếu năng lực, họ không mong muốn có sự thay đổi lập tức về mặt lãnh đạo, khi đất nước vẫn đang phải chống chọi với hậu quả của thảm họa kép làm 20.000 người chết hoặc mất tích. Trong cuộc thăm dò do Nikkei tiến hành hôm 30/5, tỷ lệ ủng hộ nội các của ông Kan chỉ đứng ở mức 28%, với 74% nói rằng họ không đánh giá cao khả năng xử lý khủng hoảng rò rỉ phóng xạ của Chính phủ. Nhưng 49% cho rằng Kan chỉ nên từ chức một khi các biện pháp xử lý thảm họa đã được triển khai và cuộc khủng hoảng hạt nhân đã ổn định và chỉ 21% muốn ông từ chức ngay lập tức.

Chiếc ghế nóng kể từ sau Thủ tướng Koizumi

Tờ Telegraph đánh giá kể từ thời ông Junichiro Koizumi nắm ghế Thủ tướng, tới nay chiếc ghế cao nhất trong nền chính trị Nhật Bản vẫn chưa xuất hiện những nhân vật lãnh đạo vừa tài năng lại vừa được lòng cử tri.

Ông Koizumi được xem là hiện tượng đáng nể trong nền chính trị Nhật Bản khi có 5 năm 5 tháng cầm quyền, thành tích tốt nhất của một Thủ tướng kể từ năm 1987.

Bất chấp những nỗ lực của Kan, Chính phủ của ông vẫn bị chỉ trích
là xử lý không tốt thảm họa kép đã tàn phá vùng Đông Bắc nước Nhật


Nổi tiếng vì mái tóc chải ngược, bờm xờm đầy phong cách, ông được đánh giá là người có công trong cuộc cải cách kinh tế Nhật Bản, đã tập trung nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề nợ công. Ông còn nổi tiếng vì điều khiển đảng LDP một cách nhẹ nhàng và hiệu quả cho tới khi tự nguyện từ chức. Ông giao lại cây gậy quyền lực cho Shinzo Abe, người chỉ cầm quyền đúng 1 năm. Abe là nhà lãnh đạo thận trọng, thậm chí bị một số người gọi là chậm chạp. Ông đã không thể tạo cho mình vị thế riêng trong nền chính trị Nhật Bản.

Vì thế ông phải ra đi vào tháng 9/2007, để lại chiếc ghế nóng cho người kế nhiệm Yasuo Fukuda. Nhưng Fukuda nói rằng ông không thể phá thế bế tắc trong nền chính trị Nhật Bản, khi tuyên bố từ chức vào ngày 22/9/2008, khi chỉ còn chỉ vài ngày nữa là tròn một năm cầm quyền.

Nhân vật kế tiếp được đưa lên là ông Taro Aso, một thành viên cánh hữu trong LDP, người nổi tiếng vì tình yêu với truyện tranh và những câu nói “sảy miệng” gây nhiều tranh cãi. Đơn cử, có lần ông từng tuyên bố muốn thấy Nhật Bản trở thành quốc gia giàu có, nơi những “gã Do thái lắm tiền của” muốn tìm tới sống. Giống 2 người tiền nhiệm, Aso ra đi chỉ một năm sau khi cầm quyền. Không những thế, ông còn đi vào sử sách trong vai trò nhà lãnh đạo không tốt, khiến LDP mất đi quyền lãnh đạo gần như liên tục ở Nhật Bản suốt 60 năm qua.

Người lãnh đạo cuộc lật đổ thần kỳ giúp Đảng Dân chủ đối lập vượt qua LDP là ông Yukio Hatoyama. Cử tri Nhật đã hy vọng người đàn ông với biệt danh “người ngoài hành tinh” này có thể mang tới thay đổi và ổn định cho đất nước. Nhưng Hatoyama chỉ cho thấy mình là một chính trị gia tụt dốc không phanh. Khi mới nhậm chức Thủ tướng, ông nhận được 74% sự ủng hộ của cử tri. Trong vòng 10 tháng, tỷ lệ này tụt xuống chỉ còn 17%. Thời gian cầm quyền, ông và DPJ đã có những chính sách đáng chú ý trong việc cải cách và tái thiết đất nước. Nhưng tất cả các bước đi tích cực đều bị lu mờ trước việc ông tỏ ra lưỡng lự trong việc rời Căn cứ không quân Futenma của Hải quân Mỹ khỏi Okinawa.

Tiếp theo đó, ông Naoto Kan ngồi vào ghế Thủ tướng cho đến giờ.

Những nhiệm vụ chính trị khổng lồ

Giới phân tích nói rằng bất kỳ ai tiếp theo ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng Nhật sẽ phải đối diện với một công việc khổng lồ, gồm tái xây dựng DPJ, chống lại các đòn tấn công từ LDP, đưa nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo, tái thiết các khu vực bị tàn phá sau thảm họa kép hồi tháng 3 và đưa vụ rò rỉ hạt nhân tồi tệ nhất kể từ vụ Chernobyl vào tầm kiểm soát. Thực tế thì bất kỳ nhiệm vụ nào trong danh sách trên cũng đủ để khiến đại đa số những người đang mơ ngồi vào ghế Thủ tướng Nhật phải khiếp đảm chùn bước.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm