Ấn Độ: Hoãn hành quyết vì thiếu đao phủ

02/06/2011 11:02 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Giới chức Ấn Độ hôm 1/6 cho biết các cuộc thi hành án tử hình đầu tiên ở nước này sau 7 năm có khả năng sẽ bị trì hoãn vì một lý do đơn giản: người ta không thể tìm ra một đao phủ có đủ trình độ để “tặng” cho phạm nhân một cái chết nhanh chóng, ít đau đớn.

Tuần trước, Tổng thống Pratibha Patil đã bác đơn xin ân xá từ hai tử tù, qua đó mở đường để đưa họ ra đoạn đầu đài. Nhưng các cuộc hành quyết lần đầu kể từ năm 2004 này đã khiến giới chức nhà tù lúng túng vì họ thiếu những đao phủ chuyên nghiệp.

Thiếu đao phủ chuyên nghiệp

1 trong 2 phạm nhân sắp bị thi hành án là Mahendra Nath Das, người đã chờ chết từ năm 1997. Mahendra Das khiến cả bang Assam kinh sợ vào tháng 4/1996, khi ông ta cầm mã tấu chặt đầu đối thủ Hara Kunta và xách chiếc thủ cấp vấy máu này tới đồn cảnh sát đầu thú. Tòa án nói rằng do vụ phạm tội quá dã man nên Das phải bị hành quyết. Das cũng sẽ là tử tù đầu tiên ở bang Assam phải ra pháp trường kể từ năm 1990. Nhân vật thứ 2 là Devinder Pal Singh Bhullar, một chiến binh người Sikh đã gây ra vụ đánh bom Delhi hồi năm 1993 làm 9 người thiệt mạng.


Mẹ đẻ tử tù Mahendra Nath Das bật khóc khi cầu xin Chính phủ
rủ lòng thương với đứa con trai tội lỗi của bà


Giới chức nhà tù đã đề nghị các bang ở Ấn Độ cung cấp cho họ đao phủ. Nhưng tới nay đề nghị này vẫn chưa có câu trả lời. “Cho tới khi chúng tôi chưa thể tìm thấy đao phủ, việc hành quyết sẽ tiếp tục bị trì hoãn” - giám đốc nhà tù Jorhat, ông Paresh Chandra Koch tuyên bố.

Việc tìm kiếm đao phủ đạt tiêu chuẩn vô cùng khó khăn vì trong vòng 15 năm qua, Ấn Độ mới hành quyết có 2 người. Cuộc hành quyết gần đây nhất diễn ra hồi năm 2004, khi một nhân viên bảo vệ bị treo cổ vì tội cưỡng hiếp và giết chết một bé gái vị thành niên. Vụ trước đó diễn ra tận năm 1995.

Cuộc hành quyết hồi năm 2004 do đao phủ nổi tiếng nhất Ấn Độ là Nata Mullick thực hiện. Khi đó Mullick đã về hưu, nhưng chấp nhận trở lại nghề cũ thêm một lần nữa để giúp đỡ Chính phủ.

Đưa hành quyết thành nghệ thuật

Sẽ không ngoa khi nói Mullick là đao phủ giỏi nhất Ấn Độ. Cá nhân ông đã tròng dây vào cổ 25 trong số 55 người bị tuyên án tử hình kể từ khi Ấn Độ giành được độc lập. Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin IPS hồi năm 2007, Nata Mullick từng tâm sự về công việc của ông với một sự bình thản pha chút tự hào không che giấu. “Nghề treo cổ người khác chảy trong máu tôi. Cha tôi, Shiblal Mullick, là một đao phủ dưới thời nước Anh còn đô hộ Ấn Độ, khi đó người ta vẫn thường treo cổ những chiến binh vì tự do”.

Mullick nói rằng treo cổ là một nghệ thuật và các kỹ năng của đao phủ phải liên tục được rèn giũa để trở nên hoàn hảo. “Tôi tham gia nghề này khi mới 15 hay 16 tuổi gì đó. Cha tôi có hai trợ lý khi thi hành án và những người này chế giễu rằng tôi sẽ không bao giờ trở thành đao phủ được. Cáu tiết, tôi đã quyết định theo nghiệp của cha. Tử tù đầu tiên bị tôi thi hành án là một người đàn ông. Tôi đã trói tay anh ta ra đằng sau lưng và bằng việc hành quyết nhân vật này, tôi đã chứng minh mình không mang trái tim thỏ đế. Đó mới chỉ là khởi điểm của mọi chuyện” - Mullick kể lại - “Cha tôi đã sửng sốt trước quyết định của tôi. Rồi ông cho phép tôi làm trợ lý của ông trong mọi cuộc hành quyết. Những ngày đó, người ta bị treo cổ khắp nơi ở Ấn Độ và tôi đã đi cùng ông tới khắp nơi. Chúng tôi thường được trả 16 rupee cho một vụ hành quyết, một khoản tiền lớn khi đó”.

Đao phủ nổi tiếng Nata Mullick, người đã qua đời hồi năm 2009


Theo Mullick, cha ông từng là đao phủ giỏi nhất Ấn Độ và đã truyền dạy tất cả các bí kíp nghề nghiệp cho ông. Theo đó, một trong những yếu tố quan trọng nhất là việc bện thừng treo cổ. “Có những thành phần nhất định cần phải bôi vào đoạn thừng như xà phòng, bơ loãng. Khi đoạn thừng đã được buộc vào giá treo cổ, chúng tôi sẽ bôi thêm một quả chuối nát lên nó” - Mullick nói và cho biết các “phụ gia” này khiến dây treo cổ trở nên trơn tru.

Yếu tố tiếp theo quan trọng không kém là thắt thòng lọng và tính cân nặng của tử tù. “Thòng lọng thường phải thắt 5 nút. Việc chuẩn bị thòng lọng rất quan trọng. Tử tù sẽ ít cảm thấy đau đớn nếu anh buộc thòng lọng đúng cách. Nếu tử tù nặng cân, anh sẽ buộc ít nút hơn. Nếu tử tù nhẹ cân, anh phải buộc nhiều điểm nút hơn. Khi hành quyết, nếu buộc sai thòng lọng và tạo lực kéo quá mạnh, tử tù có thể bị đứt đầu hoặc chảy máu từ miệng, mũi. Vì thế phải buộc làm sao để tạo lực kéo đủ để đoạt mạng tử tù ngay lập tức và không gây đau đớn”, Mullick giải thích một cách bình thản.

Mullick cho biết trong một cuộc hành quyết thông thường, sau khi tử tù được đưa tới, hai trợ lý sẽ giúp ông trói chân tay, đồng thời giữ anh ta đứng thẳng. “Chúng tôi phải giúp tử tù vì họ thường ngất hoặc mềm nhũn chân tay vì quá sợ hãi trước cái chết. Rồi trong khoảng 1 phút, tôi sẽ che mặt tử tù, quấn thòng lọng quanh cổ anh ta và đặt tay tôi vào cần gạt. Khi giám đốc nhà tù ra hiệu, tôi sẽ giật cần gạt và kết liễu mạng sống của tử tù” - ông kể. Khi đao phủ lão luyện này đã qua đời vào năm 2009, ông ta đã để lại một khoảng trống lớn ở Ấn Độ.

Hoãn thi hành án cho tới khi tìm được đao phủ

Với việc nghề đao phủ không được xã hội trọng vọng và hiếm khi có người phải ra pháp trường ở Ấn Độ, không khó hiểu khi rất ít người mới thế chỗ Mullick. Báo chí địa phương nói rằng hiện chỉ có 2 đao phủ đủ tiêu chuẩn ở Ấn Độ, một trong số đó là con Mullick - Mahadeb.

Song Mahadeb từng nói với hãng tin BBC rằng anh có những đòi hòi nhất định về mặt thù lao và trợ cấp, trước khi nhận lời trở thành đao phủ. “Các đao phủ thường bị vứt bỏ sau khi làm xong công việc người ta cần. Họ bị sỉ nhục. Nhà chức trách sẽ phải xin lỗi vì những gì họ đã tuyên bố chống lại cha tôi. Sau khi cha tôi tiến hành cuộc xử tử cuối cùng, không một quan chức nào tìm tới nhà để xem chúng tôi sống ra sao. Người ta không thèm quan tâm” - Mahadeb phẫn nộ.

Nếu không một đao phủ chuyên nghiệp nào tình nguyện thi hành án với hai nhân vật kể trên, giới chức nhà tù có thể tìm kiếm một phạm nhân tình nguyện làm công việc này. Nhưng theo Brojen Das, một quản giáo ở nhà tù đang giam giữ Das, tới nay vẫn chưa ai tình nguyện đảm nhận công việc đặc biệt này.

Mặc dù vậy, giới chức nhà tù Ấn Độ nói họ sẽ nỗ lực tìm kiếm một đao phủ thực sự đạt đủ các tiêu chí, bởi nhân vật này sẽ còn phải hành quyết Mohammed Ajmal Kasab, tên khủng bố cùng 9 cộng sự đã tấn công Mumbai hồi năm 2008 làm 14 người thiệt mạng. “Vâng, việc tìm kiếm đao phủ có lẽ sẽ khó khăn” - ông Sunil Gupta, một quản giáo tại nhà tù Tihar nói - “Nhưng chắc chắn cuối cùng chúng tôi sẽ tìm được nhân vật phù hợp để thi hành án”.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm