Tunisia: Vợ Tổng thống bị cáo buộc ôm vàng bỏ trốn

19/01/2011 11:20 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Khi chồng còn nắm quyền, bà Leila Trabelsi, phu nhân Tổng thống mới bị lật đổ của Tunisia, đã bị ví là “Imelda Marcos của thế giới Arab” vì cho rằng bà có tính tham lam. Vừa qua, bà tiếp tục gây phẫn nộ do bị cáo buộc đã mang theo trái phép số vàng trị giá 60 triệu USD của Tunisia khi ra nước ngoài. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương của nước này đã bác bỏ điều đó.

Chương cuối trong màn kịch dài nói về gia đình nhà vợ cựu Tổng thống Tunisia Zine el-Abidine Ben Ali đã khép lại bằng những cáo buộc về màn “trấn lột” trắng trợn nửa tấn vàng của quốc gia Bắc Phi, do đích thân bà Leila Trabelsi “đạo diễn”.

Cướp vàng: Pháp bảo có, Tunisia nói không

Thông tin chi tiết về vụ cướp vàng này được cơ quan mật vụ Pháp đưa ra đầu tiên, sau khi Bộ trưởng Tài chính Christine Lagarde thông báo hoạt động chuyển tiền ra khỏi cựu thuộc địa của nước này đã bị giám sát.

Sự tham nhũng và lạm quyền của bà Leila Trabelsi cùng thân nhân được xem là nguyên nhân lớn khiến ông Ben Ali mất quyền

Không thể cãi lệnh người lãnh đạo cao nhất nước, viên thống đốc phải nghe theo. Vàng được bí mật chuyển tới một chiếc máy bay và cả hai vợ chồng ông Ben Ali đã leo lên nó rời khỏi đất nước. Chiếc máy bay ban đầu bay tới Pháp nhưng rồi lại chuyển hướng tới Arab Saudi do Tổng thống Nicolas Sarkozy từ chối không cho nó hạ cánh.

Tin tức của Pháp đã khiến người dân Tunisia phẫn nộ. Trong vài giờ kể từ khi các cáo buộc cướp vàng xuất hiện, đường phố ở thủ đô Tunis đã xuất hiện các khẩu hiệu như: “Hãy treo cổ chúng lên, nhưng phải mang vàng của chúng ta về trước”.

Tuy nhiên thông tin này bị Ngân hàng Trung ương Tunisia bác bỏ. Họ nói rằng cựu đệ nhất phu nhân chưa từng đặt chân tới ngân hàng. Phát ngôn viên ngân hàng Zied Mouhli nói rằng quan chức phụ trách các giao dịch của ngân hàng cũng “chưa từng nhận được mệnh lệnh bằng miệng hoặc văn bản để đưa tiền hoặc vàng” ra khỏi ngân hàng. “Lượng vàng dự trữ không suy chuyển trong nhiều năm qua” - ông Mouhli tuyên bố.

Trả thù đại gia đình vợ Tổng thống

Leila Trabelsi sinh năm 1957 và là người con thứ 5 trong gia đình có 11 con của một người bán hoa quả khô. Bà từng hành nghề làm đầu thời trang và đã kết hôn với ông Ben Ali vào năm 1992, khi chấm dứt cuộc hôn nhân ngắn với chồng đầu.

Cuộc hôn nhân đã đưa gia tộc Trabelsi từ chỗ “làng nhàng” lên hàng ảnh hưởng lớn nhất nước. Gia tộc này cũng bị những cáo buộc về tham nhũng và lạm quyền, với ông anh cả Belhassen đóng vai trò “trùm sò”, điều khiển nhiều hoạt động làm ăn theo kiểu mafia của gia đình. Hãng tin AFP nói rằng Leila và các anh em của bà đã tống tiền các chủ cửa hàng, yêu cầu chia phần trong các hoạt động kinh doanh lớn và nhỏ ở trong nước.

Các thành viên gia đình Trabelsi được cho là đã nắm cổ phần trong nhiều ngân hàng và hãng hàng không của Tunisia. Họ cũng sở hữu các cửa hàng bán xe, nhà cung cấp internet, đài phát thanh, truyền hình, các trung tâm bán lẻ lớn và nhiều ngành công nghiệp khác.

Khi chính quyền Ben Ali sụp đổ, người dân đã hướng sự phẫn nộ nhằm vào gia đình bà Leila, nhiều hơn là vào Ben Ali và chế độ chuyên quyền của ông. “Chúng (nhà Trabelsi) là những tên kẻ cắp, lừa đảo và thậm chí là giết người” - cư dân Tunis Mantasser Ben Mabrouk không giấu nổi sự phẫn nộ - “Mục tiêu duy nhất của chúng là kiếm tiền bằng mọi cách”.

Sự trả thù diễn ra nhanh gọn. Chỉ 1 ngày kể từ khi Ben Ali rời đi, nhiều biệt thự sang trọng và các công ty thuộc về gia đình Trabelsi đã bị cướp phá, bị thiêu cháy. Imed Trabelsi, đứa cháu nổi tiếng ăn chơi của Leila bị phát hiện khi đang lảng vảng ở sân bay Tunis, với ý định tẩu thoát khỏi đất nước, chỉ vài giờ sau khi chế độ sụp đổ. Đám đông giận dữ đã xông vào tấn công Imed. Anh ta bị đâm một nhát dao chí mạng và chết tại bệnh viện quân sự Tunis. Những thân nhân khác của nhà Trabelsi bị bắt và tống giam. 2 đứa con gái của bà Leila phải chạy nạn sang Pháp nhưng cũng không được chào đón. Khối tài sản trị giá hơn 4 tỉ USD của họ ở đây có nguy cơ bị đóng băng. Cả một gia đình hùng mạnh sụp đổ trong chớp mắt.

Mất quyền, lỗi tại nhà vợ?

Những gì xảy ra ở Tunisia không phải là trường hợp đầu tiên người dân hướng sự giận dữ của họ vào các bà vợ bị cho là tham lam của những nhà độc tài, các nhân vật chuyên quyền. Trong những năm 1980, công chúng đã phẫn nộ trước thói tiêu hoang của đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos, người mê mẩn các thương hiệu giày thời trang, hơn là người chồng Ferdinand Marcos. Cuộc hôn nhân của nhà độc tài Haiti Jean-Claude “Baby Doc” Duvalier với người vợ Michelle Pasquet tiêu tiền như rác đã khiến ông mất sự ủng hộ và bị phế truất vào năm 1987.

Khi quan sát sự sụp đổ của chính quyền Tunisia, đồng tác giả một cuốn sách viết về Leila đã nói rằng bà và gia đình Trabelsi đóng vai trò trung tâm trong sự sụp đổ của chế độ này. “Người Tunisia hoàn toàn biết được họ (nhà Trabelsi) đang thèm muốn những gì và rồi sẽ tới lúc họ cảm thấy mệt mỏi, chán nản với các hành vi ấy” - tác giả Catherine Graciet đánh giá. Tuy nhiên, bà vẫn cho rằng nhân vật phải chịu trách nhiệm cao nhất chính là Ben Ali, bởi nếu không có sự dung túng của ông, Leila và gia đình bà sẽ không thể có cơ hội làm như vậy.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm