Nước Anh giã biệt máy bay Harrier

20/12/2010 11:17 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Tuần trước, Anh đã có cuộc chia tay chính thức với những chiếc chiến đấu cơ Harrier, vốn đã gắn bó với quân đội nước này trong hơn 4 thập niên.

16 chiếc Harrier đã tham gia chuyến bay cuối cùng ở Căn cứ không quân Hoàng gia Cottesmore ở Rutland. Một đám đông khoảng 1.500 khách được mời tới, nhiều người là cựu phi công máy bay Harrier. Nhiều người đã bồi hồi đếm số Harrier khi chúng cất cánh và lại đếm lần nữa khi tất cả trở lại sân bay, kết thúc 45 năm phục vụ đầy vẻ vang.

Buổi chia tay trang trọng

Những chiếc Harrier buộc phải “về hưu non” theo bản Đánh giá Chiến lược an ninh và Quốc phòng, một kế hoạch cắt giảm chi phí của liên minh cầm quyền. Việc đưa chúng ra khỏi trang bị sẽ giúp Anh tiết kiệm khoảng 1 tỉ bảng Anh (tương đương 1,55 tỉ USD). Quyết định đã gây tranh cãi bởi việc loại bỏ 130 chiếc Tornado có thể giúp tiết kiệm 7,4 tỉ bảng. Song cuối cùng 79 chiếc Harrier đã bị loại thay vì những chiếc Tornado.

Tại cuộc trình diễn cuối cùng, những chiếc máy bay đã cất cánh theo từng nhóm 4 chiếc một. Chúng bay qua 5 căn cứ của Không quân Hoàng gia Anh là Wyton, Cranwell, Waddington, Scampton và Coningsby, cũng như các thành phố Stamford, Lincoln và Oakham trong khoảng 90 phút, sau đó quay trở về Cottesmore.


16 chiếc Harrier tham gia chuyến bay cuối chia tay bầu trời nước Anh

Chúng gầm rú, gây nên những tiếng động đinh tai nhức óc khi bay cách mặt đất một quãng ngắn, rồi hạ cánh hoàn hảo. Trong những tiếng vỗ tay và hoan hô, chiếc Harrier cuối cùng chậm rãi nghiêng về đám đông, tiếp đó nó gầm rú, nâng dần độ cao và tăng tốc bay vào không trung, lẩn trốn trong những đám mây màu xám, trước khi đáp trở lại mặt đất.

Sau khi hạ cánh, các phi công cởi mũ rồi bước đi giữa hai hàng quân nhạc, đầu ngẩng cao và không nhìn lại. Trong tiếng kèn túi vang lên, những người đàn ông ôm lấy thân nhân, một số người bật khóc vì xúc động. Có mặt tại buổi lễ có chị Yvonne Waterfall, vơ cuả Phi đôi trươn g Gary Waterfall, ngươi điều khiển chiếc Harrier cuối cùng đã cất cánh và hạ cánh.

Chị Yvonne cho biết màn trình diễn cuối cùng diễn ra tuyệt vời và đây là một buổi lễ không thể hoàn hảo hơn dành cho một chiếc máy bay tuyệt vời như Harrier. “Tôi cảm thấy rất xúc động và tự hào. Những chiếc Harrier đã là một phần trong cuộc sống của chúng tôi trong hơn 20 năm qua. Thật buồn khi phải chia tay với nó”

Chiếc máy bay tinh xảo

Được giới thiệu vào Không quân Hoàng gia Anh (RAF) từ năm 1969, Harrier là một trong những chiếc máy bay tấn công mặt đất tinh xảo nhất. Nó được phát triển từ mẫu máy bay trước đó là Hawker Siddeley Harrier, một sản phẩm của nỗ lực hợp tác giữa các công ty McDonnell Douglas (Mỹ) và Hawker Siddeley (Anh).

Chi phí phát sinh quá lớn khi phát triển mẫu Harrier đầu tiên máy bay này đã dẫn đến việc Hawker rút khỏi dự án. Nhưng người Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành nghiên cứu mẫu máy bay mới do họ có mối quan tâm đặc biệt tới nó. Người Anh chỉ bắt đầu phát triển lại dự án này vào cuối thập niên 1970 và họ đã sản xuất phiên bản của riêng mình là Harrier II dựa vào thiết kế của Mỹ.


Các phi công rời khỏi máy bay, đầu không ngoảnh lại

Từ năm 1969 tới năm 2003 có cả thảy 824 chiếc Harrier được sản xuất và chuyển giao. Mặc dù việc sản xuất chiếc Harrier cuối cùng kết thúc vào năm 1997, chiếc máy bay Harrier II + cuối cùng lại chỉ được bàn giao vào tháng 12/2003, qua đó chính thức chấm dứt dây chuyền sản xuất mẫu máy bay này.

Harrier có chiều dài 14,12m, sải cánh 9,25m, chiều cao 3,55m, trọng lượng rỗng 6.745kg và trọng lượng khi cất cánh có trang bị đầy đủ khoảng 10.410kg. Máy bay có vận tốc cực đại: 0,89 Mach (1.085 km/h), tầm bay 2.200km, trần bay 15.240, vận tốc lên cao khoảng 4.485mét/phút.

Máy bay có 1 pháo GAU-12U “Equalizer” 25mm với 300 viên đạn. Nó cũng có giá treo 6 điểm mang được gần 6 tấn vũ khí nhiều loại như ụ phóng rocket LAU-5003 (4 ụ), tên lửa đối không tầm gần AIM-9 Sidewinder (4 quả) và tên lửa đối không tầm xa AIM- 120 AMRAAM (4). Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, Harrier cũng có thể mang 6 tên lửa đối đất AGM-65 Maverick hoặc 2 tên lửa AGM-84 Harpoon hoặc 2 tên lửa AGM-88 HARM. Nó cũng có thể dùng các loại bom chùm CBU-100, bom dẫn đường laser hoặc bom Napalm Mark 77.

Khép lại quá khứ oai hùng

Khi lần đầu được đưa vào trang bị của RAF vào năm 1969, Harrier đã trở nên nổi tiếng nhờ khả năng bay là là mặt đất giống máy bay trực thăng. Đây là tính năng đặc biệt giúp Harrier có thể nhanh chóng bay vào và ra khỏi các khu vực gần với chiến trường, điều những chiếc chiến đấu cơ như Tornado không thể làm.

Harrier là thứ vũ khí ghê gớm trong kho vũ khí của người Anh suốt 4 thập niên qua. Harrier đặc biệt hữu dụng trong cuộc chiến Falklands vào năm 1982. Các phi công Argentina đã kinh hoàng gọi Harrier là “Cái chết đen” do có tới 25 máy bay của họ bị bắn hạ trong các cuộc đối đầu trực tiếp. Phía Anh không bị rơi một chiếc nào. Khả năng cơ động tuyệt vời của Harrier được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong việc giúp Anh đánh bại quân Argentina. Nó cũng đã tham chiến trong các cuộc chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Bosnia, cuộc chiến Kosovo, Siera Leon và cả tại Afghanistan.

Tuy nhiên quá khứ oai hùng đó giờ chỉ còn là dĩ vàng. Theo kế hoạch, những chiếc Harrier sẽ được Anh thay thế bằng máy bay chiến đấu liên hợp JSF F-35 vào cuối thập niên này.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm