Hàng chục nghìn gia đình Mông Cổ có nguy cơ chết đói

07/04/2010 11:03 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ở Mông Cổ, thay cho nạn hạn hán năm ngoái là một mùa Đông khắc nghiệt kéo dài đến giữa tháng Năm tới đây. Chính quyền thừa nhận đất nước đang đứng bên bờ vực của thảm họa: Hạn hán từng làm cháy khô các bãi chăn thả bò, ngựa và bây giờ thời tiết đại hàn lại quật ngã 4,5 triệu gia súc (chiếm khoảng 10% tổng số gia súc của Mông Cổ). Hàng chục nghìn gia đình ở nước này có nguy cơ chết đói. 12 trong số 21 tỉnh của Mông Cổ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Mùa Đông khắc nghiệt như mấy tháng vừa qua, khi nhiệt độ có khi tụt xuống - 40oC và những cơn gió lạnh thì gầm rú suốt ngày đêm trên thảo nguyên, được người Mông Cổ gọi là dzud. Suốt hàng chục năm trước đó, ở nước này chưa từng có một đợt dzud nào như thế. Những người cao niên thường kể về mùa Đông lạnh giá của các năm 1944 và 1968. Nhưng họ cho biết rằng vào những năm đó, nhiều điều được cảm nhận khác với bây giờ vì con người chưa đến mức tham lam như hiện nay.


Thảo nguyên khô cháy vì nạn hạn hán năm ngoái
Sau khi Mông Cổ bắt đầu các cuộc cải cách theo hướng thị trường vào thập niên 1990 thì ngành chăn nuôi gia súc tại đây phát triển nhanh chóng, đem lại 19% GDP và bảo đảm việc làm cho 35% dân số. Lượng gia súc của nước này tăng gấp đôi và đạt 44 triệu con. Ngay lúc đó các chuyên gia đã lên tiếng cảnh tỉnh: Thảo nguyên Mông Cổ dù bao la đến đâu cũng không thể nuôi nổi đàn gia súc đông đúc như vậy. Đó là chưa kể đến việc nhiều cơ sở chăn nuôi đã được “dê hóa” hoàn toàn để đáp ứng nhu cầu cao về lông dê. Chính lợi nhuận cao của một bộ phận dân chúng đã làm hại cho các bãi chăn thả bởi vì khác với cừu, loài dê thường lôi bật cả bộ rễ của bụi cỏ lên mà nhai.

Thời tiết khô hạn của mùa Hè năm ngoái cũng khiến cho đàn gia súc bị thiếu thức ăn trầm trọng. Song thảm họa thực sự diễn ra trong những tháng mùa Đông đầu năm nay, khi hàng triệu bò, ngựa, dê, cừu chết vì lạnh. Các tỉnh miền Tây của Mông Cổ - gồm vùng Altai và các khu vực lân cận - chịu thiệt hại nặng nhất.

Chính quyền đã cố xoay xở để giúp đỡ những người đói nhưng không ít trong số đó lại nhường chút lương thực hiếm hoi cho gia súc. Điều này cũng dễ hiểu vì đàn gia súc là nguồn thu nhập duy nhất của những người làm nghề chăn nuôi ở Mông Cổ. Tuy nhiên, rõ ràng là chính phủ nước này chưa sẵn sàng đối phó với cả tình trạng hạn hán lẫn mùa Đông quá lạnh giá. Dọc hai bên đường, xác bò và ngựa nằm rải rác, còn trong các bãi chăn thả thì đầy xác cừu và dê.


Gia súc chết vì thời tiết giá lạnh năm nay
Theo tờ Newizv, người dân Mông Cổ đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, họ vẫn mua chịu lương thực - thực phẩm để đến mùa Xuân thì thanh toán bằng lông cừu, dê. Nhưng bây giờ thì hàng nghìn gia đình đã mất gần như cả đàn gia súc. Các bệnh viện ở nông thôn chật ních bệnh nhân bị cảm, bỏng lạnh và cả suy nhược thần kinh vì lo lắng, buồn phiền.

Người Mông Cổ hy vọng nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp của đất nước láng giềng với Mông Cổ này rất thích đến vùng thảo nguyên để khai thác mỏ vàng, bạc, sắt, đồng và uranium. Tuy nhiên, một phần ba số dân Mông Cổ, chủ yếu là ở nông thôn, chẳng được hưởng lợi từ sự đầu tư của nước ngoài vào ngành công nghiệp và vẫn sống nghèo khổ.

Lợi ích vật chất từ tiềm năng kinh tế của Mông Cổ không đến được với họ. Sự giúp đỡ quốc tế cũng lâm vào cảnh tương tự. Liên hiệp quốc (trong đó có Quỹ Nhi đồng - UNICEF), Hội Chữ thập đỏ quốc tế và tổ chức từ thiện Save The Children của Thụy Điển đã bắt đầu gửi viện trợ đến Mông Cổ nhưng nhiều tỉnh miền Tây của nước này đang bị cô lập do tuyết tan gây lũ lụt.

Mùa Xuân theo lịch biểu chẳng mang lại cho người chăn nuôi Mông Cổ chút may mắn nào. Trên thực tế thì từ giữa tháng Năm, thời tiết ở nước này mới ấm lên. Còn tháng Tư là giai đoạn khó khăn nhất khi lương thực dành cho người và kho thức ăn dự trữ cho gia súc đều cạn kiệt.

Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm