Từ “Nghi án cúm A”, Moskva vào cuộc

30/11/2009 13:12 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - “Nghi án cúm A” - một số chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bị tố giác là đã câu kết với các công ty dược để “kích cầu” Tamiflu nhằm trục lợi, vừa có thêm tình tiết mới: Nga dọa rút khỏi WHO nếu vụ “áp-phe thế kỷ” được chứng minh là có thật.

Nga phản ứng dữ dội

Theo hãng tin RIA Novosti, Igor Barinov, Ủy viên Ủy ban Duma Quốc gia Nga về chống tham nhũng, nêu rõ rằng những thông tin trên báo chí phương Tây về việc WHO câu kết với các công ty dược để trục lợi cần được kiểm tra. Nếu đây là sự thật thì Nga có thể rút khỏi WHO.

Như ta đã biết, WHO rất nhanh chóng tuyên bố cúm A là đại dịch toàn cầu và ngay ở giai đoạn đầu đã kiên quyết khuyến nghị tất cả các nước trên thế giới sử dụng thuốc Tamiflu do Thụy Sĩ sản xuất để chống cúm. Điều này khiến Nga lo ngại vì Tamiflu có thể gây ra các hiệu ứng phụ. Thậm chí Moskva còn chỉ trích gay gắt Bộ Y tế Ukraina vì đã mua một lượng lớn Tamiflu quá mức cần thiết.


Ông lgor Barinov

Barinov tuyên bố với báo chí: “WHO bị nghi tham nhũng. Chúng ta cần điều tra toàn diện và tỉ mỉ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Nếu quả đúng như vậy thì cần đặt ra câu hỏi về việc Nga có nên tham gia hoạt động của WHO hay không, thậm chí thôi không làm thành viên của tổ chức này”. Ông kêu gọi tiến hành cuộc điều tra tại WHO thông qua đại diện của Nga. Theo ông, không ai nghi ngờ công lao của WHO trong việc chống bệnh sốt rét, đậu mùa, HIV/AIDS ở thế kỷ 20, nhưng bây giờ đã đến lúc phải làm rõ bản thân WHO có bị nhiễm “virus tham nhũng” hay không và những khuyến cáo của tổ chức này có cơ sở đến đâu, nên tin hay đừng.

Tại hội nghị liên ngành do Viện Kiểm sát Tối cao Nga tổ chức bàn về việc lưu hành thuốc, ông Gennadi Onishenko, bác sĩ chịu trách nhiệm chính về vệ sinh dịch tễ, Giám đốc Cơ quan Giám sát Tiêu dùng Nga, khẳng định: “Tổ chức quốc tế đáng kính ngay từ đầu đã chọn đường hướng tiếp thị cho một loại thuốc và không cho phép các nhà sản xuất của Nga xuất hiện trên thị trường tân dược. Nga không cho phép các loại thuốc nước ngoài được hưởng độc quyền”.

Mặc dù các bác sĩ khẳng định hiện tại Tamiflu là loại thuốc duy nhất trên thế giới có thể kháng virus cúm A. Tuy nhiên, WHO cũng khẳng định đã có 39 trường  hợp nhiễm virus cúm nhờn với Tamiflu.

Tính đến giữa tháng 11, theo con số chính thức trên thế giới đã có 525.000 người nhiễm cúm A/H1N1, trong đó có 6.750 trường hợp tử vong. Con số thực tế còn cao hơn nhiều.


Ngành dược thu được 7 tỷ euro nhờ cúm A

Phát súng đầu tiên

Các nhà báo Đan Mạch nổ phát súng đầu tiên công phá uy tín của WHO. Tờ Information dẫn lời của các chuyên gia cho biết thế giới phản ứng quá mức cần thiết đối với loại cúm A không đến mức nguy hiểm như người ta nói ban đầu. Đây là kết quả của chiến dịch PR khéo léo do các chuyên viên của WHO tiến hành. Trong số đó có những người đã phục vụ lợi ích của các nhà sản xuất Tamiflu theo đúng nghĩa đen.

Giáo sư về Dịch tễ Tom Jefersson ở trung tâm nghiên cứu Cochrane Center (Italia) tuyên bố với báo chí: “Đáng lo là nhiều nhà khoa học đứng đầu các ủy ban trong WHO vốn tự nhận là chuyên viên độc lập, đã giấu nhẹm việc nhận tiền của các công ty dược”.

WHO tuyên bố cúm A là đại dịch toàn cầu dưới áp lực của nhóm cố vấn do bác sĩ Hà Lan Albert Ostenhaus đứng đầu. Vị này có biệt danh “Bác sĩ flu” (từ tên thuốc Tamiflu) bởi vì ông ta tích cực tuyên truyền trong WHO và các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây về tác dụng của việc tiêm vacxin cúm A cho toàn dân. Bây giờ Chính phủ Hà Lan đang khẩn cấp điều tra xem “Bác sĩ flu” có nhận lương của một số công ty sản xuất vacxin ngừa cúm A hay không. Nhiều vị cố vấn khác của WHO cũng “vừa đá bóng vừa thổi còi” như vậy - họ lớn tiếng đòi coi cúm A là đại dịch. Dĩ nhiên chẳng đời nào họ khoe ra việc nhận tiền của các đại gia ngành dược như Roche, RW Johnson, SmithKline và Beecham Glaxo Wellcome - các công ty này đã được đặt hàng sản xuất vacxin ngừa cúm A với số lượng cực lớn. Nghị quyết ngày 7/7/2009 của WHO đã mở đầu cho chiến dịch tiêm vacxin phòng cúm lớn chưa từng thấy trong lịch sử.

Giáo sư Tom Jefersson nhận xét: “WHO ít ra là đã đưa ra những khuyến nghị lạ lùng. Các biện pháp vệ sinh bình thường đem lại hiệu quả nhiều hơn các loại vacxin lạ hoắc, vậy mà WHO chỉ hai lần nhắc về việc đeo khẩu trang và rửa kỹ tay như là biện pháp chống cúm trong các văn kiện của mình . Trong khi đó có tới 42 lần WHO nhắc đến vacxin và các loại thuốc chống cúm!”.

Theo số liệu của ngân hàng đầu tư quốc tế JP Morgan, ngành dược thế giới năm nay đã kiếm được hơn 7 tỷ euro nhờ bán vacxin phòng cúm A/H1N1. Các nước giàu ở phương Tây đã đặt mua vacxin đủ dùng cho toàn dân (như Australia) hoặc 1/3 số dân (như Đức và nhiều nước EU). Người dân lên cơn sốt còn các nhà máy sản xuất thuốc Tamiflu và vacxin mỗi ngày đêm làm tới 4 ca cũng không hết việc và không hề “ngán” cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua cơn hoảng loạn về đại dịch đã phá bỏ hàng rào bảo vệ của EU. Vacxin phòng cúm A được liệt vào trường hợp ngoại lệ, được cho phép sử dụng mà không cần tiến hành thử nghiệm lâm sàng và trong phòng thí nghiệm đủ mức độ.

Theo các chuyên gia y tế, sự lo ngại của nhân loại về cúm A đã bị thổi phồng. Mới có khoảng 7.000 người chết vì cúm A trong khi hàng năm số ca tử vong trung bình do các loại cúm thường đã là nửa triệu.

Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm