Những phát minh chinh phục thế giới

01/11/2012 06:28 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Tung cánh lên không trung như chim? Nhẹ nhàng tiếp đất từ tháp Eiffel? Lịch sử tiến bộ của nhân loại không hiếm những nhà phát minh với hoài bão chinh phục và cải tạo thế giới, ngay cả khi giá phải trả là tính mạng mình.

Bác thợ may có cánh

Nếu tin vào tờ Le Figaro vàng úa ra sạp cách đây một thế kỷ, chính xác là vào ngày 5/2/1912, thì Franz Reichelt mỉm cười đầy tự tin trong những giây cuối đời. Kể cũng khó tin, vì ông thợ may ấy đang cố giữ thăng bằng trên một chiếc ghế đẩu bập bênh bên rìa sân trời của tháp Eiffel, và dưới chân ông là mặt đất xa hun hút. Nhưng bác thợ may người Áo không phải loại người ưa chần chừ. Hôm nay, ông sẽ chứng tỏ cho nhân loại biết là người ta không việc gì phải sợ độ cao, vì phát minh động trời của ông sẽ làm cuộc sống bảo đảm hơn rất nhiều: một chiếc áo choàng như của siêu nhân, nó phồng lên trong khi bay và giúp cho người bay chầm chậm hạ cánh. Ít nhất thì theo lý thuyết đã chín dần trong đầu nhà phát minh. Và cũng không chỉ là ý tưởng mờ mịt viển vông: hai năm ròng, ông liên tục chỉnh sửa và cải tiến bộ áo siêu nhân, nhiều lần buộc hình nộm vào để thử nghiệm và chỉ một vài lần thất bại. Ngoài ra còn thêm khía cạnh tiền nong nữa, nếu thành công vụ này sẽ được thưởng 1 vạn franc.

Tất cả đều là lý thuyết trong giây phút này. Còn thực tế là độ cao như tòa nhà 20 tầng, và tiết Đông giá đã làm cho nền đất cứng như bê tông. Franz Reichelt lưỡng lự nhìn đám nhà báo và những người hiếu kỳ bên dưới. Chiếc máy quay phim bên cạnh đã bắt đầu chạy xè xè.

Franz Reichelt hít một hơi thật sâu rồi nhảy. 3 giây sau, hồn lìa khỏi xác, vết hằn trên nền đất đóng băng chỉ sâu có 15 phân.

Bác thợ may người Áo, Franz Reichelt cùng chiếc áo biết bay

Những người đồng cảnh

Franz Reichelt không phải vật tế thần duy nhất cho giấc mơ hàng nghìn năm tuổi của loài người - được cất cánh bay như chim. Ông tổ bất đắc dĩ của kỹ nghệ hàng không Otto Lilienthal cũng là nạn nhân cho chính phát minh của mình, mặc dù mọi chuyện đã có vẻ rất khả quan để bước đầu chinh phục khoảng không. Mùa Hè 1891, ông lượn được một quãng đường khá dài từ đỉnh đồi Windmuehlenberg với cỗ máy kỳ dị - cú cất cánh lên không đầu tiên của loài người. Sau đó Lilienthal liên tục cải tiến và hoàn thiện những chiếc tàu lượn khung gỗ bọc vải buồm, ngày càng đạt được khoảng cách lớn hơn.

5 năm sau chuyến bay lịch sử, số phận Lilienthal được định đoạt bởi chính đam mê của mình. Để bay được xa hơn, ông buộc phải giảm tốc độ xuống dưới mức an toàn. Có lẽ đó là lý do mà tàu lượn của ông hôm 9/8/1896 mất quán tính và sa vào vòng xoáy. Lilienthal rơi từ độ cao 15 mét và gãy đốt sống cổ. Người ta chuyển ông lên Berlin bằng tàu hỏa nhưng Lilienthal không tỉnh khỏi cơn hôn mê sâu và qua đời vào hôm sau.

Dù kết cục của Lilienthal và nhiều người đi theo tấm gương của ông có bi thảm đến mấy, tất cả họ đều ý thức được những nguy hiểm mà họ dấn chân vào. Duy chỉ ước mơ của họ là mạnh hơn nỗi sợ.

Otto Lilienthal cùng chiếc tàu lượn tự chế của mình
Số mệnh khắc nghiệt

Nhưng không ai lường hết được những ngã rẽ tình cờ của số mệnh. Như William Bullock. Năm 1863 ông đăng ký phát minh cỗ máy in xoay vòng với bộ tiếp giấy vô cấp - một đống sắt nặng hàng tạ với vô số bánh răng, trục ép và dây cua-roa, với tốc độ in kỷ lục ngày ấy. Nó sẽ là cuộc cách mạng cho ngành in báo, chính vì thế mà khách hàng đã ứng tiền đầu tiên là nhật báo Public Ledgerở Philadelphia.

Hôm 3/4/1867, nhà phát minh tự tay giám sát việc lắp ráp và chỉnh máy trong xưởng in của Public Ledger. Mọi chuyện dường như trôi chảy, cho đến khi một dây truyền lực trục trặc, không chịu bám vào bánh xe quay như dự định. Bullock sốt ruột dùng chân đạp dây cua-roa đó vào vị trí. Cỗ máy ma quỷ lôi chân ông vào đống bánh răng và trục in hỗn độn rồi nghiền nát nó. Vào cái thời chưa biết đến thuốc kháng sinh, vết thương của ông bị hoại tử do các bác sĩ không quyết định cưa ngay phần chân bị nát và William Bullock chết trên bàn mổ sau đó 9 ngày.

Dĩ nhiên ai cũng biết là tàu lượn và máy móc tự tạo nói chung luôn ẩn chứa những rủi ro khó lường. Nhưng sẽ là một nhầm lẫn lớn, khi ta tưởng rằng những ai không dính dáng đến cơ khí, chất độc, thuốc nổ, tốc độ... sẽ sống an toàn hơn.

Chết vì... luyện sức khỏe

James F.Fixx là một người như vậy. Ông tặng cho nhân loại một phát minh gia tăng tuổi thọ. Là một người béo phì với 110kg và hút hai bao thuốc mỗi ngày, ông đã chiến thắng chứng bệnh quá cân của mình bằng chạy dai sức. Năm 1977 Fixx cho ra một cuốn best-seller về môn thể thao đại chúng này. The Complete Book of Running biến thành cẩm nang sức khỏe cho cả nước Mỹ và từ đó lan ra toàn thế giới, cơn sốt Jogging đến hôm nay chưa bao giờ hạ. Ai thường xuyên chạy dai sức (jog), như Fixx tuyên bố trong sách và trên ti-vi, sẽ không chỉ tăng cường sức khỏe mà còn sống lâu hơn. Đặc biệt môn chạy dai sức kích thích sức đề kháng chống lại các bệnh tim mạch.

Riêng lý thuyết đó lại không đúng với bản thân nhà phát minh. Ngày 20/7/1984, trên đường về nhà sau một cuộc tập chạy, Fixx lăn ra ngất và không bao giờ tỉnh lại. Bác sĩ pháp y tìm ra động mạch vành tim Fixx hoàn toàn bị xơ vữa. Fixx chết ở tuổi 52.

Bất kể là người tiên phong của thể thao, kỹ sư hay phi công, họ tuy khác nhau nhưng có một điểm chung cơ bản. Đó là niềm tin sắt đá là sẽ và phải thành công - cho nhân loại hay chỉ cho chính bản thân. Thậm chí, công khai hay thầm kín, họ đều tin tưởng hoặc ít nhất là hy vọng, rằng phát minh của họ sẽ sống lâu hơn họ và làm họ trở nên bất tử?

Người ta truyền lại lời trăng trối cuối cùng của Otto Lilienthal: “Không thể không có những hy sinh nhỏ".

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm