Thế giới trong tuần: Công ăn việc làm

30/06/2012 07:50 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Nghi thức tuyển dụng ở Nhật Bản, khủng hoảng dẫn tới sa thải hàng loạt ở Nokia và những người xuất khẩu lao động tại Qatar, hình ảnh người làm công ăn lương trên toàn thế giới đang thay đổi cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Khi tuyển dụng là một nghi lễ

Cứ vào tháng 4 hàng năm, hàng trăm sinh viên mới tốt nghiệp ở Nhật lại nộp đơn xin tuyển dụng vào các công ty, tất cả diễn ra trong cùng một ngày, tất cả mặc bộ quần áo công sở tiêu chuẩn, vét đen, sơ mi trắng, cà vạt đen và tất cả sẵn sàng trở thành những người trung thành với một công ty đến hết cuộc đời.

Trên khắp đất nước này, các công ty lựa chọn những nhân viên mới theo một công thức đã kéo dài hàng thập kỷ và gần như trở thành một nghi lễ đặt nặng lòng trung thành, sự chăm chỉ và chuẩn mực, chứ không phải tư duy sáng tạo. Kết quả là một nền văn hóa kinh doanh “made in Japan” khiến ngay cả những nhà điều hành doanh nghiệp nổi tiếng thế giới cũng không hòa nhập nổi. Howard Stringer, từ xứ Wales, có 6 năm lãnh đạo Sony và Michael Woodford, người Anh, từng ở vị trí Giám đốc Olympus, đều đã bị sa thải và thay bằng những người Nhật kỳ cựu trong công ty.

Những sinh viên mới ra trường mặc đồng phục như nhau cho ngày tuyển dụng ở Nhật Bản

Thiếu những lãnh đạo có tư duy đột phá và chấp nhận mạo hiểm, các công ty Nhật Bản đang mất dần thế mạnh. Toyota Motor, một thời là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, đang để mất ngày càng nhiều thị phần vào tay General Motors, Volkswagen và đã bị Hyundai của Hàn Quốc qua mặt. Những người khổng lồ khác, Sony, Panasonic và Sharp, đều thua lỗ nặng, tổng cộng 20 tỷ USD trong năm tài khóa vừa rồi, trước sức cạnh tranh của các đối thủ Hàn Quốc, LG và Samsung Electronics.

Nghi thức tuyển dụng nói trên có từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, khi các công ty sẵn sàng tuyển dụng hàng loạt, huấn luyện nhân viên mới trong nhiều tháng rồi đảm bảo lòng trung thành bằng một công việc cam kết cả đời. Theo một thỏa thuận tự nguyện, 840 công ty hàng đầu Nhật Bản cùng tuyển dụng nhân viên vào khoảng tháng 5 với mức lương cơ bản gần như giống nhau, 200.000 yen (gần 2.500 USD) mỗi tháng. “Kỹ năng không mấy quan trọng”, Shunsaku

Funaki, một sinh viên học ngành chính trị 21 tuổi ở Đại học Kokushikan, Tokyo, nhận xét. “Các công ty muốn huấn luyện sinh viên lại từ đầu. Tôi muốn nền văn hóa xin việc đồng phục này phải chấm dứt và các công ty nên để cho sinh viên quyền lựa chọn đa dạng”.

Nokia trong khủng hoảng

Những công nhân ở Salo nghĩ rằng nhà máy của họ, nhà máy lớn cuối cùng của Nokia tại châu Âu, sẽ sống sót sau chuyến thăm của Giám đốc điều hành Stephen Elop vào tháng 2, nhưng rốt cuộc, tuần trước Elop đã tuyên bố đóng cửa cả nhà máy này. Chương cuối cùng trong lời tiễn biệt ray rứt và dai dẳng của Nokia với công nghiệp chế tạo ở Phần Lan sẽ khiến 850 người mất việc, chưa kể 1.000 người đã thất nghiệp đầu năm nay, đồng thời cướp đi của thị trấn nhỏ bé này 90% thu ngân sách từ thuế.

Từng một thời là nhà sản xuất điện thoại di động thống trị thế giới, Nokia đã thua trong cuộc chiến tranh điện thoại thông minh (smartphone) với Apple và Samsung.

Nhà máy Salo một thời là đại bản doanh của Nokia giờ vắng lặng như tờ

Nokia cũng mất cả thị phần ở mảng điện thoại thông thường. Chiến thuật của hãng, từ bỏ phần mềm cho điện thoại thông minh tự chế Symbian để chuyển sang phần mềm chưa được thử thách Microsoft, do người tiền nhiệm của Elop triển khai, đã đi từ thất bại này tới thất bại khác. Mới tuần rồi, Microsoft bồi thêm một đòn nữa khi tiết lộ phần mềm mới của họ sẽ không tương thích với phiên bản điện thoại thông minh chủ lực của Nokia lúc này, Lumia.

Những đối thủ lớn giờ đều đổ xô sang châu Á, và các nhà phân tích cho rằng Nokia phải làm tương tự, nhưng các công nhân ở Phần Lan, nơi phát tích của hãng, vẫn tin rằng họ là một ngoại lệ. “Chúng tôi được cam kết là hãng sẽ tiếp tục”, Anne Malm, cửa hàng trưởng ở nhà máy Salo, được thành lập từ những năm 1970 và là hình mẫu cho các nhà máy Nokia trên toàn thế giới, nói. “Salo là nơi bắt đầu, là cột mốc. Nếu có đám cháy bốc lên ở các nhà máy khác, Salo là nơi chúng tôi cử đội cứu hỏa của mình đi”, Malm so sánh một cách hình tượng.

Một số vẫn còn bấu víu vào hy vọng mong manh là chính quyền sẽ can thiệp. “Chính phủ đã hứa sẽ làm mọi cách giúp chúng tôi”, Antti Rantakokko, thị trưởng của thị trấn hơn 50.000 dân, tin tưởng. Ở thời đỉnh cao của mình, Nokia chiếm 4% GDP của toàn bộ Phần Lan và hoạt động đa ngành trong những lĩnh vực công nghệ đi đầu trong một nền kinh tế vốn trước kia tập trung vào lâm nghiệp và kim loại nặng. Giờ thì đóng góp của họ chỉ còn không tới 1% GDP.

Ở Salo, tỷ lệ thất nghiệp là 11%, cao hơn mức bình quân cả nước là 8%, có thể sẽ tăng lên 20% sau khi nhà máy Nokia đóng cửa. Chính quyền trung ương hứa tăng tốc một chương trình 350 triệu euro miễn giảm thuế và tài trợ nghiên cứu phát triển từ nay tới 2015. Đó gần như là tất cả những gì Thủ tướng Jyrki Katainen có thể cam kết khi ông thăm Salo ngày thứ Tư vừa rồi. Katainen đã hoãn một hội nghị Liên Hiệp Quốc ở Brazil để đến Salo và Oulu, một thị trấn khác cũng mắc kẹt vì các đợt sa thải nhân công của Nokia. Nhưng ông từ chối các đề xuất dùng tiền ngân sách mua lại cổ phiếu của Nokia, đã rớt giá hơn 50% từ đầu năm nay.

World Cup - ngày hội bóng đá hay bi kịch người lao động?

Ở Doha, thủ đô một trong những nước giàu nhất thế giới, các công nhân xây dựng đang tất bật với các công trình nhà cao tầng và trung tâm mua sắm sắp hoàn thành. Còn ở ngoại ô thành phố, khu lán trại của các công nhân này với điều kiện sống tối thiểu, nhà bếp gỉ sét, những căn phòng một giường ngủ chật chội và không khí đầy mùi xú uế. Bhanu, một lao động xuất khẩu từ Nepal, cho biết anh chấp nhận sống như vậy vì ở đây lương cao hơn ở quê nhà. Nhưng khi Qatar đang chuẩn bị làm chủ nhà cho World Cup 2022 và đổ hàng tỷ USD vào các dự án hạ tầng đòi hỏi nhân công lớn từ nước ngoài, việc đối xử với lao động nhập cư của quốc gia này đang gây ra nhiều lo ngại từ các tổ chức quốc tế.

Những công nhân xây dựng nằm nghỉ trưa ngay trên sàn đất ở một công trường tại Doha, Qatar

Quốc gia vùng Vịnh có thu nhập bình quân đầu người 100.000USD mỗi năm, vào loại cao nhất thế giới này không quy định mức lương tối thiểu, nên những người như Bhanu chỉ có thu nhập 8-11USD, đôi khi chỉ 6-7USD mỗi ngày. Điều kiện sống của lao động nhập cư hoàn toàn đối lập với những cư dân giàu có bản địa, chỉ vào khoảng 250.000 người ở quốc gia đang có dân số 1,7 triệu người. Tháng 9 năm ngoái, chính quyền đã nâng lương cơ bản và phúc lợi xã hội cho người làm công ở lĩnh vực nhà nước thêm 60%, nhưng không đếm xỉa gì tới lao động nhập cư.

Hầu hết những lao động nhập cư đến từ Ấn Độ, Nepal và Bangladesh đã mắc nợ sau khi chạy tiền để sang được Doha và nhận đồng lương chết đói. Chính quyền dường như không đếm xỉa tới thực tế này bởi họ còn bận chạy đua với thời gian trong những dự án xây dựng cho World Cup trị giá tới 95 tỷ USD từ giờ cho đến năm 2016. Nếu như những kỳ World Cup trước đó đã mang tới cơ hội lớn cho người dân bản địa, thì Qatar đang đứng trước áp lực lớn để không biến ngày hội bóng đá trở thành bi kịch với các lao động nhập cư.

Việt Nam có Đại sứ môi trường

Công ty Bayer Việt Nam vừa phong danh Đại sứ môi trường Bayer 2012 cho 8 sinh viên được lựa chọn từ cuộc thi của sinh viên 65 trường cao đẳng và đại học trên toàn quốc với đề tài Ý tưởng khắc phục một hiện trạng môi trường bị xâm hại trong cộng đồng và đưa ra kế hoạch triển khai cụ thể nhất và khả thi nhất để thực hiện ý tưởng đó. Ngay sau khi nhận danh hiệu, các tân đại sứ môi trường sẽ triển khai những dự án của họ trong thực tế. 2 đại sứ xuất sắc nhất sẽ đại diện Việt Nam tham dự chuyến du khảo sinh thái kéo dài một tuần tại Đức trong tháng 11/2012. Chương trình Đại sứ môi trường Bayer hợp tác giữa tập đoàn Bayer và Ủy ban Môi trường thuộc Liên Hiệp Quốc, hướng đến việc nâng cao kiến thức và ý thức bảo vệ môi trường cũng như việc triển khai các chương trình hành động để cải thiện tình trạng môi trường tại cộng đồng của mình trong giới trẻ. Chương trình đã được tổ chức tại 19 nước.


Hải Minh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm