Ô nhiễm ánh sáng: Câu chuyện của đô thị

10/06/2012 07:07 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Nói đơn giản, “ô nhiễm ánh sáng” là hiện tượng có quá nhiều nguồn ánh sáng nhân tạo phát tán trên diện rộng và làm nguy hại đến môi trường bình thường của ban đêm. Và thực tế thì lâu nay người ta chỉ nghĩ đến ô nhiễm rác thải hay nước bẩn còn thì ô nhiễm ánh sáng là chuyện xa vời. Nhưng chính vì xa vời như thế nên ít ai biết vì sao nhịp độ của cơ thể cứ bị thất thường, uể oải liên tục, thiếu tập trung, suy nhược cơ thể và dễ cáu gắt là do đâu…

Bản đồ ô nhiễm ánh sáng trên trái đất được chụp từ vũ trụ

Ban đêm trái đất “sáng rực”!

Tại đài quan sát thiên văn trên đỉnh Pic du Midi (Pháp) ở độ cao 2.877 mét so với mực nước biển, các nhà thiên văn không chỉ quan sát và nghiên cứu các vì sao mà còn gánh thêm trách nhiệm mới là “xăm soi” ánh đèn thành phố để tìm cách đối phó. Một chuyên gia của đài này nói: “Vào ban đêm, tại đây chúng tôi nhìn thấy rất rõ ở phía xa kia những vầng sáng từ Toulouse và Barcelona”. Năm 2001, nhà thiên văn người Ý Cinzano đã tái tạo chi tiết bản đồ trái đất nhìn vào ban đêm, trong đó 20% diện tích bề mặt địa cầu, nhất là tại Bắc bán cầu, đã bị ảnh hưởng từ nguồn ô nhiễm ánh sáng và diện tích này đã lan rộng ra thêm 5% mỗi năm tại châu Âu.

Đài quan sát thiên văn Mont- Megantic vào ban đêm với hai bức hình trước và sau hiện tượng ô nhiễm ánh sáng.

Từ rất nhiều ảnh chụp trái đất từ vệ tinh vào ban đêm, các chuyên gia đã có thể xác định 4 nguồn phát chủ yếu gây ô nhiễm ánh sáng trên trái đất: Đô thị của các nước có nền kinh tế phát triển cao; các tuyến đường giao thông huyết mạch như tại lưu vực sông Nil (châu Phi), sông Hoàng Hà (Trung Quốc) hay tuyến đường sắt xuyên Siberia (Nga); lửa đốt rừng, cháy rừng; tháp đuốc trên các giàn khoan dùng để đốt bỏ lượng khí không thể khai thác.

- Một bóng đèn cao áp trong không gian thẫm tối có thể được trông thấy rất rõ từ khoảng cách vài chục km.

- Tại các thành phố lớn, ánh sáng của hàng ngàn bóng đèn được thắp lên đồng loạt vào ban đêm sẽ được cảm nhận từ vài ngàn, thậm chí vài chục ngàn km.

- Theo quan sát của Woodruff Sullivan thuộc Đại học Washington (Mỹ)- người đã thực hiện tấm bản đồ trái đất đầu tiên vào ban đêm từ các ảnh vệ tinh- thì người Mỹ sử dụng điện cao gấp 75 lần so với người Ấn Độ; 30 lần so với người Nhật và gấp 2 lần người Trung Quốc.

Đối với thiên nhiên, ánh sáng nhân tạo vào ban đêm quá mạnh và quá lâu sẽ làm cây cối bị thoái hóa, làm nhiều loài chim di trú bị mất phương hướng, làm côn trùng có ích bị tiêu diệt hàng loạt (do bị hút, bị mất ngủ nếu nguồn phát sáng nhấp nháy và chiếu thẳng vào phòng). Các chuyên gia tại Đại học Toronto (Canada) đã điều tra và kết luận rằng, hiện nay mỗi người trung bình bị “phơi bày” ra trước các nguồn sáng ban đêm 7 giờ/ngày, và nếu vượt quá thời lượng trên, thói quen sinh hoạt của con người sẽ bị ảnh hưởng, sức khỏe bị giảm sút do dưới tác động của tia sáng nhân tạo, tuyến tùng nằm trong não sẽ giảm tiết chất melatonin, là một hormone tạo nên giấc ngủ ngon, chống lão hóa, ngăn khối u phát triển, điều hòa huyết áp và duy trì năng lực tình dục.

Để chống lại nguy cơ nhãn tiền là môi trường sống bình thường của sinh vật trên hành tinh vào ban đêm bị xáo trộn, bị hủy hoại dần, giới thiên văn đã có dự tính lấy đỉnh núi Midi làm biểu tượng tuyên truyền và thành lập “Khu bảo tồn quốc tế để cứu bầu trời đêm”.

Làm gì để “thắp sáng lại dải Ngân hà”?

Các biện pháp mới và táo bạo để hạn chế việc tiêu thụ điện năng dành cho thắp sáng công cộng tại các khu nội thị và các khu cơ sở hạ tầng không trực tiếp sản xuất đã được một ủy ban chuyên môn của 27 nước thành viên của Cộng đồng châu Âu thông qua. Các quy định cụ thể sắp tới đây sẽ được Nghị viện châu Âu xem xét. Theo đó, việc tiêu thụ điện năng trong khu vực không trực tiếp sản xuất và chiếu sáng công cộng sẽ phải được giảm xuống theo một lịch trình 2 giai đoạn (1 năm và 3 năm trong trường hợp bình thường), cộng với việc áp dụng các công nghệ chiếu sáng hiện đại hơn.

Thành phố Los Angeles (California, Hoa Kỳ) sáng lòa vào ban đêm (ảnh chụp năm 2002)

Năm 2005, tính tổng cộng trên toàn châu Âu có 1,6 tỷ điểm chiếu sáng với mức tiêu hao điện năng hàng năm là 200 TWh, và sắp tới đây, lộ trình cắt giảm điện này dự tính sẽ giảm khoảng 38 TWh cho đến năm 2020, cũng như giảm hàm lượng thủy ngân trong các bóng đèn cao áp. Bộ trưởng môi trường của Pháp Jean- Louis Borloo đã tuyên bố: “Chúng ta phải đẩy nhanh thời kỳ quá độ về năng lượng, phải áp dụng ngay các biện pháp hạn chế tiêu thụ điện năng và giảm thải các chất khí gây hiệu ứng nhà kính”.

Nếu tất cả các biện pháp tỏ ra hiệu quả, thì mỗi một người dân sống tại thành thị, vốn từ vài chục năm nay đã không thể “ngắm sao đêm”, không thể mơ về những nền văn minh xa xưa hay suy ngẫm về những giai thoại thi vị từ chiếc áo nhung của màn đêm đang lấp lánh những dãy kim tuyến, hy vọng trong một tương lai không xa, sẽ tìm lại được cho mình những điều đã mất khi màn đêm buông xuống.

Tại Mont- Mégantic (Québec, Canada), các vì sao đêm đã chiếu sáng trở lại như cách đây 30 năm.

Đài thiên văn trên núi Mont- Mégantic (viết tắt là OMM) thuộc Trung tâm nghiên cứu vật lý thiên văn Québec (CRAQ, Canada) là nơi có chiếc kính viễn vọng lớn nhất khu vực phía đông Bắc Mỹ. Đài này đã từng phải chịu ảnh hưởng lớn từ hiện tượng ô nhiễm ánh sáng và nguy cơ phải hủy bỏ một vài công trình nghiên cứu còn đang dang dở. Đến nỗi giám đốc Pierre Bastien phải dóng lên hồi chuông báo động vào năm 1997 và quyết định gửi cảnh báo đến các hội đồng địa phương trong khu vực và cả lên chính phủ Canada. OMM đề nghị chính phủ triển khai hành động ngay bằng cách tuyên truyền ý thức của người dân trong vùng, kể cả các khách du lịch đến thăm công viên quốc gia Mont- Mégantic, là nơi đặt đài thiên văn này.

10 năm sau, đến năm 2006, tình hình đã rất khả quan khi các ngôi làng lân cận và thành phố Sherbrooke cách đó không xa đã tiết chế được lượng ánh sáng phát ra môi trường chung quanh vào ban đêm, do đã áp dụng thành công kế hoạch thay thế các 2.500 trụ đèn chiếu sáng công cộng tại các tuyến đường chính và tại các khu vực nhạy cảm. Mặc dù giá thành để thay các bóng đèn thủy ngân bằng bóng đèn natri còn khá cao, nhưng số tiền đầu tư này đươc đánh giá là sinh lợi, với hóa đơn tiền điện “nhẹ” đi rất nhiều. Các hộ tư nhân cũng đã được nhà nước hỗ trợ tài chính để đánh giá lại nhu cầu thực tế về việc thắp sáng của mình và thay đổi thiết kế nếu cần. Song song đó, một lệnh “tắt đèn” đã bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải tắt hết những nguồn sáng nào được đánh giá là “không cần thiết vào ban đêm”.

Tất cả những biện pháp hiệu quả đó đã giúp làm giảm đi lượng ánh sáng phát ra vào ban đêm xuống hơn 25%. Bầu trời đêm chung quanh đài quan sát thiên văn Mont- Mégantic đã được “hồi sinh”, trở về nguyên trạng như 30 năm về trước.

Tường Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm