Thế giới trong tuần: Nhất sĩ nhì nông…

28/04/2012 07:42 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) -  Trong bối cảnh thóc cao gạo kém trên toàn cầu, nghề nông lại trở thành một xu hướng thời thượng.

Trở về nông thôn

Thất vọng bởi những lời hứa không được thực hiện ở các đô thị và bị chèn ép giữa những biện pháp thắt lưng buộc bụng do suy thoái kinh tế, dân Bồ Đào Nha đang lựa chọn trở về với đất đai và nghề trồng trọt.

Jose Diogo, đã sống hai năm ở Lisbon làm cố vấn kỹ thuật cho một công ty sản xuất thịt, rời bỏ thành phố ngay từ khi cuộc khủng hoảng nợ Bồ Đào Nha bắt đầu năm 2009. Anh không hối tiếc. “Tôi đã sống ở Lisbon và quyết định trở về nhà để nắm lấy cơ hội khai phá đất đai mà cha tôi để lại”, Diogo nói ở mái hiên căn nhà nông trại bằng đá của ông, nhìn về phía vườn táo và bãi cỏ nơi đang thả 30 con bò.

Chán nản với cuộc sống thành thị, ngày càng nhiều người Bồ Đào Nha trở về với ruộng đồng

Chính quyền Bồ Đào Nha đang khuyến khích những người như Diogo. Tháng 2/2012, Lisbon, sau những cơn mê tài chính và tín dụng hóa ra chỉ toàn là bong bóng, đã quay lại lập bản đồ đất đai vô chủ để phân phối cho những người dân muốn làm nghề nông. Chính phủ lên một chương trình đổi đất cho phép các chủ đất tư nhân được miễn thuế nếu cho nông dân thuê đất. Khoảng 1,5 triệu hecta đất đã đăng ký tham gia chương trình.

“Trong thời buổi khó khăn, đây là cách để mọi người tạo ra thu nhập, cả cho những ai thuê đất và người canh tác”, Bộ trưởng nông nghiệp Assuncao Cristas nói. Một trong những mục tiêu chính của chương trình là dồn vùng đổi thửa và mở rộng các diện tích đất canh tác để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, lợi nhuận cao hơn, chi phí thấp hơn. “Bồ Đào Nha đang ở ngã rẽ trong mối quan hệ về đất đai”, Cristas nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Reuters. “Có nhiều người cam kết trở lại và đầu tư cho nông nghiệp”.

Đó là một cuộc quay về quá khứ. Sau khi Bồ Đào Nha gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 1985, nền kinh tế chuyển dần sang đeo đuổi công nghiệp và dịch vụ, nhất là ở hai thành phố lớn, Lisbon và Porto, khiến ngành lợi thế một thời của đất nước, nông nghiệp, bị bỏ bê. Chỉ có dân số 11 triệu người, nhưng Bồ Đào Nha vẫn là một nhà sản xuất chủ chốt một số mặt hàng quan trọng, đứng đầu thế giới về sản xuất nút chai và thứ bảy về xuất khẩu rượu. Nông nghiệp, bao gồm lâm nghiệp và cây ăn quả, chiếm 10% GDP.

Trang trại Whiteshire Hamroc chuyên nuôi lợn xuất khẩu sang Trung Quốc

Khủng hoảng đã khiến nguồn vốn quay lại lĩnh vực mà Bồ Đào Nha mạnh nhất. Xuất khẩu thực phẩm tăng 17% trong quý cuối năm 2011 lên mức 1,2 tỉ euro. Trở về nhà quê không chỉ là chuyện làm ăn. Tại vùng nghèo khó và xa xôi nhất Bồ Đào Nha, Tras-os-Montes, một nhóm cựu cư dân thành thị đang lên một kế hoạch đầy tham vọng. Frederico Lucas tới từ Lisbon và mới thành lập công ty tư vấn New Settlers để hỗ trợ các thị dân muốn chuyển về nông thôn.

Được chính quyền địa phương bỏ tiền đầu tư, công ty sẽ săn lùng những ứng viên muốn tái định cư, giúp đỡ các gia đình hòa nhập vào nền kinh tế địa phương và vượt qua các trở ngại giấy tờ. Lucas cho biết kể từ khi bắt đầu khai trương vào cuối năm ngoái, đơn xin của khách hàng đến tới tấp với tổng cộng 1.000 gia đình đã xin tham gia chương trình. Lucas cho rằng đó là điều dễ hiểu sau thời gian dài khủng hoảng vì nguồn vốn dồi dào từ EU không được chi tiêu cho các hoạt động sản xuất thực sự, mà phung phí vào những hạ tầng không thật sự cần thiết.

Cùng với quá trình di cư, Lisbon và Porto, hai thành phố lớn nhất nước, đang bắt đầu xuất hiện những khu bỏ hoang, ước tính 3-10% dân số đã rời bỏ hai đô thị này. “Thay vì phải mua đồ ăn, tôi có tất cả những gì mình cần ở đây”, Joao Fernandes, 72 tuổi, nói ông có thể dễ dàng tiết kiệm 150 euro mỗi tháng ra sao ở Quinta da Granja, một thiên đường xanh ở ngoại ô Lisbon. “Tôi trồng đậu, cà chua, cải bắp… Tự sản tự tiêu, tôi, vợ tôi và hai con trai”.

Muốn ăn thêm thịt

Ở một nông trại thắp sáng bằng đèn điện tại đông bắc Indiana (Mỹ), nơi không khí ngập mùi đất mới và bắp (ngô) vừa thu hoạch, tương lai của nguồn cung thực phẩm cho 1,3 tỉ người Trung Quốc đang được cân nhắc.

Tại nông trại Whiteshire Hamroc này, bắp được dùng để nuôi những con lợn béo tròn với một mục đích duy nhất: đưa chúng bay nửa vòng trái đất tới Trung Quốc. Tại một quốc gia mà thịt lợn là món chính trong hầu hết bữa ăn, nhu cầu đang tăng nhanh tới mức sản xuất trong nước không theo kịp. Trong khi người Mỹ đang cắt giảm tiêu thụ thịt xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua thì Trung Quốc giờ ăn thịt nhiều hơn 10% so với năm năm trước.


Giải pháp của hai phía là Mỹ nuôi lợn và bán sang cho Trung Quốc, thật giản dị. Tiến xa hơn, Trung Quốc mua cả các nông trại ở cường quốc số một hành tinh, để chuyển từ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ của họ sang sản xuất cơ giới, quy mô lớn chỉ sau một đêm. “Giống như điện thoại vậy”, Mike Lemmon, đồng chủ nhân của trang trại Whiteshire Hamroc so sánh. “Hầu hết Trung Quốc lục địa đi từ chỗ không có đường dây điện thoại đến ai cũng có một điện thoại di động. Ngành nông trại cũng vậy”.

Mỹ hài lòng với mối làm ăn này do họ có thể khai thác những lợi thế so sánh mạnh nhất của mình: công nghệ và nông nghiệp. Trên toàn thế giới, Mỹ xuất khẩu 664 triệu USD thịt gia súc và thực phẩm biến đổi gene các loại trong năm 2011, một con số không có đối thủ. Ở phía bên kia Thái Bình Dương, tại một quốc gia mà lạm phát do giá thực phẩm là một vấn đề đau đầu dai dẳng, người Trung Quốc đang bỏ 25% thu nhập hàng năm cho thực phẩm trong năm 2010, so với chỉ 10% của người Mỹ.

Trong khi các nước khác như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm trong năm ngoái, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của Mỹ: khoảng 14% tất cả các mặt hàng xuất khẩu động vật tươi sống của Mỹ là sang Trung Quốc trong năm 2011. Nhu cầu về lợn giống đặc biệt tăng mạnh sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm hai năm với thịt heo nhập khẩu mùa xuân vừa rồi. Trong hai tháng đầu năm 2012, Trung Quốc đã nhập khẩu 62% tổng số lợn giống xuất khẩu của Mỹ, chủ yếu giá trị ở nguồn gene, lớn nhanh, ít bệnh tật và mắn đẻ, để đáp ứng nhu cầu của 1,3 tỉ con người.

Tuy nhiên, cùng với chuyện làm ăn thuận lợi, người Mỹ đang lo ngại về việc đánh mất lợi thế công nghệ trong nông nghiệp của họ khi Trung Quốc có được những nguồn gene mới và đứng trước sức ép lớn phải sản xuất hiệu quả hơn đáp ứng nhu cầu trong nước. Ngân sách của Viện nghiên cứu thực phẩm và nông nghiệp quốc gia Hoa Kỳ gần như không đổi trong ba năm qua và giảm 9% trong năm 2012. Ngược lại, Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu công nghệ nông nghiệp, bao gồm việc mở trung tâm quốc gia đầu tiên về thực phẩm biến đổi gene, mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài.

Angelina Jolie cổ vũ cho nghề nông

Nữ diễn viên danh tiếng đã cùng ông chồng còn nổi tiếng hơn Brad Pitt đến Ecuador và Colombia trong tuần này, nhưng không phải để du lịch. Trong cương vị đại sứ đặc biệt của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), Jolie đã đến thăm một ngôi làng ở Barranca Bermeja dọc theo sông San Miguel.

Đặc sứ của UNHCR Angelina Jolie (giữa) hỏi chuyện một người nông dân ở làng Barranca Bermeja

Hầu hết cư dân trong số 50 gia đình ở đây là những người gốc Phi di cư từ Colombia tham gia một chương trình thử nghiệm có tính đột phá của UNHCR về nông nghiệp bền vững. Jolie cũng đã đeo ủng lội xuống bùn và đến thăm các khu trồng trọt của người dân, bỏ lại ông chồng Pitt và sáu đứa con trên quần đảo Galapagos.

Năm năm trước, các nhân viên của UNHCR đã gặp cộng đồng người Colombia gốc Phi này, những người sống trên triền sông San Miguel trong gần hai thập kỷ mà chính quyền Ecuador không hề hay biết. Trong nhiều năm liền, người dân ở đây thực hiện các biện pháp canh tác lạc hậu và sống như bên lề xã hội.

“Những quan chức đầu tiên đến đây chính là UNHCR”, một phụ nữ trong làng tên Maria nói. “Chúng tôi biết ơn vì những người này đến đây và chúng tôi được trợ giúp”. Trợ giúp bao gồm giáo viên do nhà nước chỉ định, các thùng để chứa nước sạch và chương trình phát triển lương thực cho cộng đồng giúp đời sống vốn rất khó khăn trở nên dễ thở hơn.

“Ngày trước tôi phải dùng rìu và rựa ở ngoài đồng, trồng yucca (một loại rau lấy rễ), ngô, chuối và gạo”, Alfredo Ordonez Rodrigo, 28 tuổi, nhớ lại. “Giờ đây thì đã có máy móc và bơm tưới nước, mọi việc dễ dàng hơn”.

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm