Thế giới trong tuần: Cuộc sống khó khăn

21/04/2012 07:00 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Mốt ở Brazil bây giờ là xe hơi chống đạn, người Mỹ phải tự trị bệnh ở nhà ngày càng nhiều và những hy vọng không được thỏa mãn của thanh niên Pháp ngay trước kỳ bầu cử tổng thống. Suy thoái kinh tế vẫn chưa thôi ám ảnh cuộc sống thường nhật trên toàn thế giới.

Trào lưu xe chống đạn

Liệu bạn có lắp kính chống đạn cho một chiếc xe hơi Kia? Ở Brazil, câu trả lời rất có thể là có, để chống lại nạn trộm cướp ở những điểm đậu xe tại Sao Paulo và trong giờ kẹt xe ở Brasilia, hai trong số những thành phố lớn nhất Brazil.

Xe chống đạn giờ không còn dành riêng cho dân quý tộc khi kinh tế khó khăn làm bùng phát nạn bắt cóc, giết người và cướp giật. DuPont, một hãng hóa chất hàng đầu, đã giới thiệu bộ sản phẩm Armura bao gồm kính SentryGlas và mui xe Kevlar chống đạn có thể trang bị cho những mẫu xe trung lưu như Chevrolet, Honda hay thậm chí rẻ tiền như Kia.

Một thợ cơ khí đang lắp các tấm ghép chống đạn bên trong một chiếc xe Honda

Giờ hãng còn nhắm cả đến các xe taxi sẽ đưa đón du khách trong các sự kiện World Cup 2014 và Thế vận hội Rio de Janeiro 2016. “Chúng tôi mang đến giải pháp cho những gia đình cần được bảo vệ nhưng không có đủ tiền cho những chiếc xe hơi chống đạn đắt giá”, Carlos Benatto, giám đốc kinh doanh của thương hiệu Armura, nói.

Sản phẩm này của DuPont chỉ bán duy nhất ở Brazil và có doanh số lên tới hàng chục triệu USD mỗi năm và đã tăng 70% trong quý đầu năm nay so với năm 2011. Toàn bộ chống đạn có giả khoảng 12.000 USD, nặng khoảng 90 kg và mất 15 ngày lắp đặt, rất nhẹ nên không ảnh hưởng đến tiêu thụ nhiên liệu và rẻ hơn nhiều so với các giải pháp khác, theo quảng cáo của DuPont.

Alexandre Sarafian, một người bán lẻ đồ thể thao 25 tuổi ở Sao Paulo, quyết định mua mui chống đạn cho chiếc Kia Sportage của mẹ anh, dù anh muốn để dành tiền mua một chiếc xe khác, vì Sportage có thể trang bị Armura dễ dàng. “Đây là cách để tránh những vụ bạo lực thường ngày… Lẽ ra chính quyền phải chấm dứt tình trạng này, nhưng đã không như thế”, Sarafina nói. “Lắp mui chống đạn có thể đắt đỏ và thường khi bán xe bạn không thu lại được số tiền đó, nên giải pháp phải rẻ tiền”.

Tỉ lệ tội phạm và các tội vặt ở Brazil rất cao là lý do chính làm tăng cầu các sản phẩm và dịch vụ này. Tại Salvador, thành phố lớn thứ ba đất nước, tỉ lệ các vụ giết người đã tăng gấp đôi trong năm qua, một phần vì cuộc đình công của cảnh sát. Người Brazil cũng chi ra tám tỉ USD mỗi năm cho các dịch vụ an ninh tư nhân, theo liên đoàn lao động của các bảo vệ lớn nhất nước. Con số trên bằng với số tiền chính phủ Mỹ chi ra cho các nhà thầu tư nhân an ninh trong 4 năm đầu của họ ở cuộc chiến Iraq.

Chữa bệnh ở nhà

Trong bối cảnh chi phí y tế ngày càng đắt đỏ mà kinh tế thì vẫn còn xa mới có dấu hiệu hồi phục, người Mỹ đang đổ xô đi tìm những giải pháp tiết kiệm để chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.

Marilyn Yeats, 79 tuổi, bị cao huyết áp và sống một mình, đang sử dụng một máy chăm sóc sức khỏe tại nhà, Guide, do hãng bảo hiểm y tế Humana Corp cung cấp, nhưng bà gọi nó là Cô y tá nhỏ của tôi. Nó giúp bà kiểm tra huyết áp, cân nặng, nhiệt độ và nhắc bà uống thuốc đúng giờ. “Nó đánh thức tôi mỗi buổi sáng lúc 10 giờ và tôi tự đo lấy các chỉ số của mình, giống như là có một y tá đến nhà bạn mỗi ngày”, bà Yeats nói.


Một nhóm bác sĩ ủng hộ dự luật bảo hiểm y tế mới của Tổng thống Mỹ Barack Obama tụ tập bày tỏ quan điểm trước trụ sở Tòa án tối cao

Những chương trình như Guide đi kèm với hy vọng cắt giảm hàng tỉ USD trong ngân sách y tế hiện lên tới 2,6 nghìn tỉ USD ở Mỹ, với việc giữ những người cao tuổi ở nhà, thay vì để họ tới các bệnh viện hay nhà dưỡng lão đắt đỏ. Mỹ hiện chi 17,9% GDP cho y tế, vượt xa mức trung bình của các nước OECD, chỉ là 9,5%, nhưng kết quả y tế ở nước này chỉ được đánh giá ngang với Mexico hay Hungary, những nước nghèo hơn nhiều.

Cắt giảm chi phí y tế trở thành sống còn trong việc giảm bớt khoản nợ công đã lên tới 15 nghìn tỉ USD. Medicare, chương trình y tế cho người già, hiện tiêu tốn 15% ngân sách Mỹ, chỉ kém ngân sách quốc phòng và quỹ lương hưu. Con số này dự kiến ngày càng tăng do sẽ có thêm 79 triệu người Mỹ, tương đương dân số Đức, về hưu trong 20 năm tới.

Các nghiên cứu ban đầu về máy tính chăm sóc sức khỏe tại nhà của Humana, công ty bảo hiểm y tế lớn nhất Mỹ, đã diễn ra với 1.000 bệnh nhân tại 34 bang, bao gồm các y tá tại nhà như với bà Yeats và một số thử nghiệm khác. Trung tâm kiểm soát bệnh Hoa Kỳ cho biết trong một nghiên cứ năm ngoái rằng nếu dân Mỹ ít phải nhập viện khẩn cấp hơn, ngành y tế sẽ tiết kiệm được 7 tỉ USD mỗi năm. Một ngày chăm sóc đặc biệt có thể tiêu tốn 10.000 USD, ở một nhà dưỡng lão là 200 USD trong khi tại nhà chỉ là 10 USD.

Những nghiên cứu của OECD và Viện McKinsey toàn cầu cho thấy 30% các chi phí y tế ở Mỹ là không cần thiết. Sự lãng phí đó khó mà chấp nhận được trong thời buổi khó khăn như hiện nay.

Nỗi thất vọng của người trẻ

Boualem Ben Moussa đã làm nghề giao bánh pizza, thợ hồ, rửa bát đĩa ở một nhà hàng, rồi quay lại giao bánh pizza. Trường học là thứ xa xỉ với anh. Giờ đã 28 tuổi, anh bỏ học từ năm 16 và từ đó đến nay chuyển hết từ hợp đồng ngắn hạn này sang hợp đồng ngắn hạn khác.

Ophelie Latil đã 28 tuổi và thích đi học. Cô có hai bằng thạc sĩ luật và quản lý, chuyên ngành sở hữu trí tuệ. Nhưng dù học cao, cô chưa bao giờ có được một hợp đồng chính thức, thường xuyên chuyển đổi giữa tình trạng thất nghiệp và những công việc ngắn hạn không liên quan gì tới kỹ năng cô được đào tạo.

Học sinh tham dự kỳ thi tuyển vào đại học thường niên ở trường Clemenceau Lycee tại Nantes

Ben Moussa và Latil là đại diện tiêu biểu cho một thế hệ những người trẻ tuổi đang rất thất vọng ở Pháp. Khoảng 150.000 học sinh rời bỏ hệ thống giáo dục tuyển chọn rất gắt gao của Pháp mà không có bất cứ thứ bằng cấp gì. Nhiều thanh thiếu niên trong số đó kết thúc cuộc đời ở những khu ngoại ô bất ổn ở các thành phố lớn, nơi tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên và tỉ lệ tội phạm cao ngang nhau.

“Những ai không thể đi học bị bỏ lại phía sau. Không ai quan tâm tới bạn cả”, Ben Moussa nói. Những người có bằng cấp thì đối mặt với một rào cản thị trường lao động hết sức cứng nhắc bảo vệ một cách kỳ quặc những người lão làng và chỉ cho người trẻ hàng loạt các hợp đồng thời vụ, buộc họ phải trì hoãn việc mua nhà hay kết hôn trong nhiều năm.

Trong một cuộc bầu cử tổng thống với các chủ đề chính là thuế má, nhập cư và nợ công, thanh niên và giáo dục không được đề cập nhiều, nhưng thanh niên Pháp đang tìm cách nói lên tiếng nói của họ. Năm nay, khi các cuộc bầu cử sắp diễn ra, một thanh niên Hồi giáo đã giết 7 người ở thành phố miền nam Toulouse.

Các cơ quan mật vụ bị chỉ trích vì không bắt được kẻ giết người, nhưng những nhà xã hội học nói trách nhiệm đầu tiên là của hệ thống giáo dục. Hung thủ, Mohamed Merah, một người gốc Algeria 23 tuổi, bỏ học từ năm 16 tuổi, làm thợ học việc ở một xưởng xe hơi, nhưng không được nhận, xa đà vào những tội lặt vặt, bị bắt giam và chính trong tù, Merah tiếp xúc với các quan điểm Hồi giáo cực đoan.

Pháp còn có một truyền thống giáo dục tuyển chọn gắt gao suốt từ những năm 1880. Trẻ nhỏ phải thi cử suốt từ tiểu học và chỉ những em làm bài thi tốt nhất mới được học ở các trường chuyên lớp chọn danh tiếng như Henri-IV hay Louis-le-Grand Lycees ở Paris, rồi tiếp tục học lên các trường đại học lớn, như Ecole Nationale d’Administration (Học viện hành chính quốc gia), chỉ nhận 100 sinh viên mỗi năm và những người này được đào tạo thành bộ trưởng hoặc giám đốc điều hành các công ty lớn.

“Theo một cách nào đó, trường học ở Pháp là tiếp nối của thời Trung cổ khi bằng cấp thay thế cho danh hiệu quý tộc”, Olivier Galland, một trong bốn tác giả của cuốn sách Cỗ máy phân loại viết về hệ thống giáo dục Pháp, bình luận.

Trần Trọng (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm