Thế giới trong tuần: Hạnh phúc là gì?

01/04/2012 07:58 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Bất chấp những khó khăn kinh tế, chiến tranh, xung đột vũ trang và các thảm họa thiên nhiên, thế giới đã hạnh phúc hơn vào năm nay so với bốn năm trước và Indonesia, Ấn Độ cùng Mexico, những nước đông dân và còn nhiều khó khăn nhất thế giới, là nơi có nhiều người hài lòng với cuộc sống nhất trên hành tinh.

Hạnh phúc với hiện tại

Theo một cuộc thăm dò dư luận toàn cầu của Ipsos Global, hơn ba phần tư người được hỏi khắp năm châu lục nói họ hạnh phúc với cuộc đời hiện tại và gần một phần tư trong số đó cho rằng họ rất hạnh phúc. “Thế giới hạnh phúc hơn và chúng ta có thể đo đếm được vì chúng tôi đã theo dõi điều đó”, John Wright, phó chủ tịch cấp cao của Ipsos Global, tổ chức đã theo dõi chỉ tiêu hạnh phúc của hơn 18.000 người ở 24 quốc gia từ năm 2007, cho biết.

Bé Aghella Torres, bốn tuổi, hôn mẹ, Livni Schroeder trong một sân chơi ở Mexico City. Mexico là một trong những quốc gia người dân hạnh phúc nhất thế giới

Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong tốp năm nước hạnh phúc nhất, trong khi Hungary, Hàn Quốc, Nga, Tây Ban Nha và Ý có ít người hài lòng với cuộc sống nhất. Có thể, chỉ có thể thôi, các bằng chứng cho thấy tiền bạc không nhất thiết mang lại hạnh phúc khi những siêu cường kinh tế như Mỹ, Canada hay Anh chỉ đứng ở giữa bảng xếp hạng. Việt Nam không có trong điều tra của Ipos, nhưng một nghiên cứu tổng quát hơn của Happy Planet Index (Chỉ số hành tinh hạnh phúc) năm 2009 đánh giá mức độ hạnh phúc của Việt Nam cao chót vót: hạng năm trên 143 nước và vùng lãnh thổ, thứ nhất châu Á và vượt xa hầu hết các nước phát triển và hiện đại nhất.

“Có rất nhiều nhân tố ngoài kinh tế khiến người ta thấy hạnh phúc”, Wright nói. “Đôi khi hạnh phúc lớn nhất là một bữa ăn ngon hoặc một mái nhà che đầu. Các mối quan hệ với gia đình được xếp hạng nhất trong yếu tố đánh giá hạnh phúc, theo điều tra của chúng tôi”. Tính theo vùng miền, Mỹ Latin có số người hạnh phúc nhiều nhất, tiếp theo là Bắc Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Phi. Tệ nhất là châu Âu, nơi chỉ có 15 người dân nói họ rất hạnh phúc.

Cụ thể hơn, những cặp vợ chồng thường có khuynh hướng hạnh phúc hơn so với người độc thân. Giáo dục và tuổi tác cũng có ảnh hưởng khi nhiều người dưới 35 tuổi nói họ hạnh phúc hơn so với những người ở độ tuổi 35-49. Giáo dục cao thường cũng mang lại hạnh phúc nhiều hơn.

Sức khỏe

Trung Quốc chỉ có 19% người được hỏi trả lời là hạnh phúc trong thăm dò của Ipsos. Số liệu đó trùng với một thống kê khác cũng được công bố trong tuần trước trên tạp chí y khoa The Lancet: cứ tám gia đình Trung Quốc thì có một hộ phải chi phí quá nhiều cho y tế vào năm 2011. The Lancet cho rằng quốc gia 1,4 tỉ dân này phải tiến hành các cải cách phúc lợi y tế theo hướng quân bình hơn và đặc biệt chú ý đến những căn bệnh mãn tính khi người dân ăn nhiều hơn và sống lâu hơn nhờ kinh tế phát triển.

Nhiều người lớn tuổi đơn thân ở Hàn Quốc đang phải đối mặt với cuộc sống khó khăn và không thể có hạnh phúc

Tiểu đường được coi là một vấn nạn đặc biệt, hiện đang ảnh hưởng tới 10% số người trưởng thành ở Trung Quốc, tương đương với ở Mỹ, tăng 1% so với năm 1980. “Trong 20 năm qua, tiểu đường đã tăng mạnh, nhưng giờ mới bắt đầu được thống kê đến”, bác sĩ Đồng Tiểu Lâm, Phó giám đốc Bệnh viện y học dân tộc Quảng An Môn ở Bắc Kinh, mỗi ngày phải khám cho hàng chục bệnh nhân tiểu đường, nói.

Chi tiêu để điều trị bệnh tiểu đường đã lên tới 17 tỉ USD ở Trung Quốc trong năm 2011, chiếm 5 tổng chi tiêu cho y tế ở nước này và có thể tăng lên mức 13 trong vài năm tới. Hiện có 92 triệu bệnh nhân tiểu đường ở Trung Quốc, gần tương đương với dân số cả nước Philippines. Sự gia tăng nhanh chóng các ca bệnh khiến bệnh nhân chuyển sang giai đoạn hai mà không hay biết, làm chi phí điều trị đội lên rất nhiều.

Bà Lưu thường phải đi 5 tiếng đồng hồ tới Bắc Kinh mỗi tháng để gặp bác sĩ Đồng và chi 30.000 nhân dân tệ (4.700 USD) vào tiền thuốc men mỗi năm. Trong đó riêng tiền thuốc tây là 12.000 tệ và được bảo hiểm thanh toán 80%. “Nếu trong nhà không có bác sĩ, tôi đã không thể nào biết được. Chúng tôi không có kiến thức gì về bệnh này”, bà Lưu, 64 tuổi, nói. Thậm chí ngay cả nhiều bác sĩ, đặc biệt là ở vùng nông thông Trung Quốc cũng không biết cách chẩn đoán bệnh này.

Một chiến dịch vận động người dân phải kiểm tra sức khỏe toàn diện đã diễn ra trên cả nước, bắt đầu từ ba năm trước. Chi phí chữa trị cho giai đoạn một vẫn là khá rẻ ở Trung Quốc, khoảng 2.000 tệ (320 USD) mỗi năm, nhưng nếu để bệnh tiến triển sang các giai đoạn sau, chi phí có thể lên tới 18.000 tệ mỗi năm, tương đương với mức thu nhập trung bình của một người sống ở thành thị.

Ipsos bắt đầu theo dõi hạnh phúc ở 24 nước kể từ năm 2007 với hai cuộc thăm dò mỗi năm cho tới tháng 3/2010 với các cuộc thăm dò hàng tháng, nhằm trả lời câu hỏi: từ tháng 4/2007 tới tháng 10/2011, liệu con người trên toàn thế giới có hạnh phúc hơn không? Cuộc thăm dò được tiến hành với tổng cộng 18.687 người trưởng thành ở nhiều độ tuổi thuộc 24 nước.

Trước những thách thức đó, ngoài việc khuyến khích người dân kiểm tra sức khỏe thường xuyên, nhà chức trách Trung Quốc cũng đang thúc đẩy việc sử dụng đông y, một biện pháp chống bệnh tiểu đường hiệu quả, tăng cường năng lực cho đội ngũ thầy thuốc và kiến thức y tế cho người dân, nhưng các bác sĩ cho rằng khoản tiền 175 tỉ USD mà chính quyền dành ra cho phúc lợi xã hội từ giờ tới năm 2015 sẽ mới chỉ là bắt đầu của một cuộc chiến dài hơi.

Gia đình và tiền bạc

Hàn Quốc, dù là một trong những quốc gia đang giàu lên nhanh nhất châu Á, xếp hạng 23/24 trong cuộc thăm dò của Ipos với chỉ 7% những người được hỏi cho rằng mình đang có một cuộc sống hạnh phúc. Cùng lúc, các nhà xã hội học ở nước này lên tiếng cảnh báo trong tuần trước rằng số gia đình đơn thân và độc thân, với duy nhất một người, đã tăng lên gần một nửa tổng số gia đình của cả nước.

Dễ hiểu là tình trạng ly dị và cuộc sống đơn độc đã khiến nhiều người không cảm thấy hạnh phúc. Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, hơn 48% hộ gia đình ở nước này chỉ có một thành viên hoặc một bố hoặc mẹ và con trong năm 2010, tăng tới 29,6% so với năm 1995. Số người trung bình trong một hộ gia đình cũng đã giảm từ 3,4 xuống còn 2,7 trong cùng kỳ. “Sự gia tăng nhanh chóng các hộ gia đình đơn thân là do các ông bố mẹ ly dị và trì hoãn việc có con”, Cục Thống kê bình luận.

Hàng dài những bệnh nhân tiểu đường đang đợi đến lượt khám ở Bệnh viện Quảng An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc

Thêm vào đó, số người già sống một mình cũng đã tăng khiến các gia đình có hơn ba thành viên giảm từ 81,8% xuống 51,8% trong 15 năm. Cục thống kê nói điều đáng lo ngại là xu hướng này vẫn tiếp tục ở quốc gia vốn giàu truyền thống Á Đông này. Hiện giờ, số người trên 65 tuổi phải sống một mình đã là 1,02 triệu người, tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước. Con số này dự kiến là 2,34 triệu vào năm 2030, chiếm hơn 11% các hộ gia đình Hàn Quốc.

“Những thay đổi đó cho thấy sự tan rã nhanh chóng của các gia đình truyền thống khi ly dị trở thành một căn bệnh xã hội trầm kha”, Cục Thống kê bức xúc. Việc sống một mình khiến người ta trở nên kém hạnh phúc bởi vì nó còn ảnh hưởng trực tiếp lên túi tiền. Viện phát triển Hàn Quốc (KDI), một cơ quan nghiên cứu của chính phủ, cho biết một nửa các hộ gia đình sống dưới mức nghèo ở Hàn Quốc là những gia đình đơn thân.

“Sự dễ tổn thương về tài chính ngày càng gia tăng với những người lớn tuổi sống một mình hoặc xa các con. Cần phải cấu trúc lại hệ thống phúc lợi của đất nước, hiện đang được thiết kế cho những gia đình ba-bốn thành viên khi cấu trúc gia đình đang thay đổi”, kinh tế gia của KDI Kim Yeong Cheol nói. “Nhiều người già cả sống một mình hoặc chỉ với vợ chồng, họ không có việc làm và ít nhận được hỗ trợ tài chính từ con cái”.

Tỉ lệ sinh giảm mạnh là một vấn đề khác. “Việc kết hôn ở Hàn Quốc vẫn đòi hỏi cao về môn đăng hộ đối”, Kim bình luận. Kết quả là độ tuổi kết hôn ngày càng gia tăng, sinh con ngày càng muộn. Cộng thêm kinh tế cải thiện khiến tuổi thọ tăng lên, Hàn Quốc hiện đang thuộc nhóm các nước giàu có người già sống trong nghèo khổ cao nhất, 45,1%, hơn gấp ba lần so với số trung bình của nhóm OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế), 13,3%.

Hạnh phúc khó nắm bắt cũng khiến tỉ lệ tự sát ở người từ 65 tới 74 tuổi ở Hàn Quốc trong năm 2010 là 81,8/100.000, cao hơn nhiều so với 17,9 ở Nhật hay 14,1 ở Mỹ.

Hải Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm