24/03/2012 07:17 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH Cuối tuần) - Kể từ khi biết tính đếm những vỏ sò vỏ ốc, tiền nong đã trở thành một nỗi ám ảnh với cả loài người. Tuần lễ vừa qua, trong khi ở Afghanistan người ta có thể trả tiền cho việc xả súng bắn chết người vô tội, thì tại Thụy Điển đang có phong trào vận động ngưng dùng tiền mặt vì muốn đưa tỷ lệ cướp bóc trên đường phố về số không.
Một mạng người giá bao nhiêu?
Cả nước Afghanistan đang phẫn nộ vì vụ trung sĩ Mỹ Robert Bales ngang nhiên xả súng bắn chết 16 thường dân rồi sau đó được đưa về Mỹ tạm giam và vẫn chưa bị truy tố bất chấp yêu cầu của người dân đòi đưa Bales ra xét xử tại Afghanistan.
Thì lại thêm những con số mới được tiết lộ càng khẳng định thêm rằng mạng người ở xứ sở Trung Á chiến tranh triền miên này rẻ rúng ra sao. Con số này, vừa được tổ chức phi chính phủ hoạt động vì nhân quyền CIVIC công bố, nếu như lực lượng NATO giết chết một người ở Afghanistan, thì riêng về chuyện tiền nong, sẽ tốt hơn nếu kẻ nổ súng là một người Đức, thay vì người Mỹ, Anh hay Úc. Các lực lượng Anh ở đây chỉ chi 210 USD cho một mạng thường dân, trong khi quân đội Đức trả tới 25.000 USD, theo CIVIC.
Một người cha ngồi thất thần bên xác con trai mình, một trong những
nạn nhân của vụ xả súng ngày 11/3
“Họ phải tự hỏi xem một mạng người giá bao nhiêu? Có thể định giá sinh mạng chúng tôi không?”, Rafi Nabi, 33 tuổi, vô nghề nghiệp, nói với hãng tin Reuters. “Nếu ai đó giết một người Mỹ và đề nghị trả tiền bồi thường, họ có chịu không?”. Tới giờ, vẫn chưa rõ Mỹ có định trả tiền bồi thường cho gia đình 16 thường dân đã bị bắn chết trong vụ Bales hay không. Tính bình quân, quân đội Mỹ sẽ trả 2.500 USD cho một mạng dân thường ở Afghanistan trong những chiến dịch chính thức như không kích.
“Những vụ bắn giết rõ ràng vi phạm luật chiến tranh, luật nhân quyền và quy chuẩn về công lý của quân đội Mỹ. Trong những tình huống như thế này, chúng tôi muốn trách nhiệm giải trình và công lý, chứ không chỉ những khoản bồi thường”, Trevor Keck, một điều tra viên của CIVIC, nói với Reuters.
Theo thống kê, quân đội Anh trả từ 210 USD tới 7.000 USD cho một mạng thường dân trong khi Đức đã trả 20.000 USD cộng thêm một chiếc xe giá 5.000 USD sau khi binh sĩ nước này bắn chết ba dân thường ở một điểm kiểm soát vào năm 2008. Năm 2009, Ý cũng đã chi 13.500 USD cho gia đình một bé gái 14 tuổi bị bắn chết, theo CIVIC.
Dựa trên những điều tra tại hiện trường, CIVIC cho biết không có một cơ chế tiêu chuẩn nào cho việc bồi thường nạn nhân tại Afghanistan. Luật lệ yêu cầu những người dân làng, không ít người mù chữ, phải trải qua một quy trình thủ tục giấy tờ phức tạp, bao gồm việc xác định đơn vị quân đội nào đã nổ súng vào người thân của họ, rồi phải tới căn cứ chính của quân đội nước đó, nhiều khi cách nơi họ ở hàng trăm km trên những con đường cực kỳ kém an ninh, để nhận tiền bồi thường.
Khi cuộc chiến sắp bước vào năm thứ 11, các lực lượng nước ngoài ở Afghanistan đã làm 410 dân thường thiệt mạng chỉ trong năm 2011. Năm ngoái, con số này là hơn 3.000 người.
Ngưng dùng tiền mặt
Bài hát Money, Money, Money của nhóm nhạc lừng danh thế giới đến từ Thụy Điển ABBA sẽ sớm trở nên lỗi thời ở chính nước này khi một thành viên của nhóm đang tham gia vào chiến dịch vận động hướng đến một xã hội hoàn toàn không dùng tiền mặt tại quốc gia Bắc Âu thịnh vượng này.
“Tôi không thấy có lý do gì chúng ta phải in các tờ giấy bạc nữa”, Bjoern Ulvaeus, cựu thành viên ABBA và là một người vận động nhiệt tình cho một thế giới không dùng tiền mặt, nói. Xã hội tưởng như chỉ có trong sách khoa học viễn tưởng đó đang được hình thành tại Thụy Điển.
Những quầy bán vé máy bay ở sân bay Stockholm-Skavsta không có người đứng bán.
Hành khách thanh toán bằng các máy thanh toán điện tử
Hiện ở hầu hết các thành phố nước này, xe buýt công cộng đã không chấp nhận tiền mặt. Vé được mua trước thông qua tin nhắn điện thoại di động. Dù còn ít, nhưng số lượng các cửa hàng chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ đang ngày càng tăng. Một số chi nhánh ngân hàng cũng đã ngừng tất cả giao dịch tiền mặt.
Tuy nhiên, hiện đại quá nhiều khi gây phiền toái. “Có những thị trấn bạn không thể tiêu tiền mặt được”, Curt Persson, Chủ tịch Tổ chức những người ăn lương hưu trí quốc gia Thụy Điển, phàn nàn. Ông cho rằng đó là một vấn nạn thật sự với những người lớn tuổi ở vùng nông thôn không có thẻ tín dụng hay không biết dùng thẻ để rút tiền như thế nào.
Sự thoái lui của tiền mặt thậm chí còn lan rộng ra cả những cơ sở tôn giáo, như nhà thờ Carl Gustaf ở Karlshamn, miền Nam Thụy Điển, nơi cha Johan Tyrberg thay vì dùng thùng quyên góp, thì nay lắp một máy quẹt thẻ để giáo dân quyên tiền cho nhà thờ.
Tiền giấy và tiền xu hiện chỉ chiếm khoảng 3% nền kinh tế Thụy Điển, so với mức trung bình 9% ở khu vực dùng đồng euro và 7% ở Mỹ, theo thống kê của Ngân hàng thanh toán quốc tế, một tổ chức hợp tác của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tuy nhiên, với những người như Ulvaeus, 3% vẫn là quá nhiều. Một xã hội không dùng tiền mặt nghe có vẻ lạ tai với một người đã làm giàu và nổi tiếng nhờ bài hát kinh điển Money, Money, Money (Tiền, tiền, tiền), nhưng với Ulvaeus, vấn đề an ninh quan trọng hơn.
Sau khi con trai ông bị cướp lần thứ ba, cựu ca sĩ này bắt đầu vận động ráo riết cho một xã hội thanh toán kỹ thuật số hoàn toàn. “Nếu chúng ta không có tiền, bọn cướp sẽ chẳng thể làm gì”, Ulvaeus, 66 tuổi, nói.
Hiệp hội ngân hàng Thụy Điển thậm chí còn có nguồn lực để làm một thống kê cho thấy việc ít dùng tiền mặt hơn thực sự có tác động với vấn đề tội phạm. Số các vụ cướp nhà băng ở Thụy Điển giảm từ 110 vào năm 2008 xuống còn 16 vào năm 2011, mức thấp nhất trong 30 năm qua. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là số vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng đang tăng lên. Theo Hội đồng quốc gia phòng chống tội phạm Thụy Điển, số vụ lừa đảo trên mạng đã tăng lên mức gần 20.000 vào năm 2011 so với chỉ 3.304 vào năm 2000.
Xài tiền cho sướng
Không quẫn bách như Afghanistan, nhưng cũng còn xa mới có thể nghĩ tới việc ngưng dùng tiền mặt, Indonesia đang chứng kiến sự xuất hiện của một thế hệ người giàu mới và khoảng cách thu nhập ngày càng nới rộng trong một làn sóng các đại gia giàu sổi ở quốc gia Đông Nam Á giàu tài nguyên này.
Với mức tăng trưởng 6% mỗi năm, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang sản sinh ra những triệu phú với tốc độ 16 người mỗi ngày, theo Công ty tư vấn Capegemini. Số triệu phú đô-la ở Indonesia sẽ tăng ba lần lên mức 99.000 người vào năm 2015, theo một ước đoán khác của Công ty quản lý tài sản Julius Baer, mức tăng nhanh nhất ở châu Á.
Các công nhân xây dựng ngồi bên ngoài một trung tâm mua sắm lớn ở Jakarta.
Khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng tại Indonesia
Điều này biến Indonesia, một quốc gia đang có tham vọng gia nhập nhóm những cường quốc mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, trở thành một thị trường phải có mặt với những công ty sản xuất đồ xa xỉ. “Tầng lớp trung lưu đang tích tụ sự giàu có để trở nên cực kỳ giàu có”, Jan Richards, giám đốc điều hành và tiếp thị ở Đông Nam Á của Ngân hàng J.P.Morgan, bình luận. Indonesia có nhiều người giàu hơn chủ yếu nhờ vào nhu cầu gia tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ với các hàng hóa của nước này. Giá một tấn dầu cọ, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Indonesia, đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2006. Giá vàng, vốn là mặt hàng thế mạnh của Indonesia, cũng tăng ba lần trong cùng kỳ.
8 trong số 10 người giàu nhất Indonesia trong danh sách thường niên của Forbes hiện là chủ nhân những ngành sản xuất, bao gồm ông trùm dầu cọ Eka Tjipta Widjaja và tỉ phú ngành than Low Tuck Kwong.
Sự giàu có nhanh chóng làm tăng chênh lệch mức sống ở một xã hội mà phúc lợi còn nhiều khó khăn và giao thông rất phức tạp do đất nước trải dài trên hàng chục nghìn hòn đảo. Trong khi những chiếc túi Hermes ở thủ đô Jakarta được bán với giá 50.000 USD và những người muốn mua xe Lamborghini trị giá 1 triệu USD phải đợi 6 tháng thì ở những vùng xa xôi như Papua hay Maluku, những dịch vụ cơ bản nhất còn chưa được đáp ứng.
Khoảng 100 triệu người Indonesia, tương đương 40% dân số, hiện sống với ít hơn 2 USD mỗi ngày, theo Ngân hàng Thế giới. Mức lương trung bình hiện là 113 USD mỗi tháng, bằng một phần ba của Trung Quốc. Trong khi đó, số gia đình kiếm được 7.000 USD mỗi tháng sẽ chỉ tăng từ 17 triệu gia đình hiện nay lên mức 25 triệu vào năm 2020, mức tăng không đủ để bù đắp cho sự nghèo khó khắp nơi.
Sự chênh lệch thể hiện ngay trong vùng địa lý, khi 6 trong 350 thành phố ở Indonesia đã tạo ra 30% GDP quốc gia. Thị trường đồ xa xỉ chủ yếu tập trung ở những thành phố này. Những hãng nổi tiếng như LV của Pháp hay Rolls Royce của Anh đều coi Indonesia là thị trường chiến lược ở châu Á sau khi đã “oanh tạc” Trung Quốc. Doanh số bán xe siêu sang ở đất nước này tăng 27% trong năm 2011, bất chấp tình trạng giao thông tồi tệ ở Jakarta và các thành phố lớn. Những gian trưng bày của Jaguar và Bentley đứng chen chúc cùng các cửa hàng Louis Vuitton và Bulgari ở trung tâm Jakarta, nhưng làm sao để chia sẻ sự giàu có đó vẫn là một vấn đề chưa giải quyết được với Indonesia.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất