Những phát ngôn “thép” của một phụ nữ

08/03/2012 10:26 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Bộ phim The Iron Lady (Bà đầm thép) vừa gây chú ý khi giật 2 giải Oscar, bởi nó đề cập đến nhiều góc khuất trong cuộc đời của một chính trị gia nổi tiếng, cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

>> Chuyên đề: Ngày của quá nửa thế giới

Từ dân lao động thành Thủ tướng

Sinh năm 1925, Margaret Thatcher lớn lên trong một gia đình theo Đảng Bảo thủ. Khi theo học tại Đại học Oxford, bà gia nhập hiệp hội các sinh viên ủng hộ đảng này và được bầu làm chủ tịch.

Năm 24 tuổi, bà là ứng cử viên trẻ tuổi nhất trong tổng tuyển cử năm 1950. Trở thành Bộ trưởng Bộ giáo dục và Khoa học năm 1970, 5 năm sau bà trở thành lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Ngày 3/5/1979, bà trở thành Thủ tướng Anh.

Tuổi trẻ, sự thăng tiến và những năm tháng cầm quyền là bằng chứng sống động của nghị lực và tham vọng, đấu tranh để cuối cùng, Margaret - con gái người bán thực phẩm ở Grantham đã trở thành người phụ nữ duy nhất bước vào một thế giới vốn chỉ dành cho nam giới - ngôi nhà số 10 phố Downing.

Margaret chưa bao giờ chối bỏ sự xuất thân từ tầng lớp bình dân của mình. Bà thu hút sự ủng hộ khi đưa ra tuyên bố về các trách nhiệm chính trị ngay trong phiên họp đầu tiên của Đảng Bảo thủ địa phương: "Giống như mọi người đàn ông hay đàn bà lao động khác, tuần nào mà tôi phung phí thì tôi sẽ phải tiết kiệm trong tuần tiếp theo".

Một trong những hình ảnh “kinh điển” của bà đầm thép Magaret Thatcher

Bà lên nắm quyền khi nước Anh đang trong tình trạng sục sôi, với các cuộc biểu tình diễn ra liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp tăng, công nghiệp đình trệ, những người lao động chân chính bị mất nhà, các cắt giảm tài chính khiến suy thoái thêm trầm trọng. Các nhiệm kỳ liên tiếp ở vị trí người đứng đầu Chính phủ được đánh dấu bằng sự cắt giảm đáng kể vai trò của Nhà nước.

“Bà đầm thép” không khoan nhượng với các nghiệp đoàn cũng như những người đấu tranh đòi ly khai ở Bắc Ailen, luôn phản đối khái niệm liên minh châu Âu và chỉ chấp nhận không gian tự do mậu dịch.

Bên cạnh đó, bà cũng khiến người ta tranh cãi xung quanh mối quan hệ của bản thân với nhà độc tài Chilê Pinochet, bởi hai người từng có buổi uống trà nói chuyện vào năm 1999, khi nhà độc tài này bị giam lỏng tại Anh theo lệnh truy nã quốc tế của thẩm phán Tây Ban Nha Baltasar Garzon.

“Bà đầm thép” rời số 10 Downing năm 1990 sau 11 năm rưỡi nắm quyền và trở thành Thủ tướng Anh tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử chính trị của nước này. Từ khi rời chính trường, bà Thatcher sống trong cô độc, vật lộn với căn bệnh Alzheimer, gặm nhấm sự không hài lòng về việc con trai ít khi ghé thăm và tưởng nhớ tới "bóng ma" của người chồng quá cố, mất mát mà bà khó có thể chấp nhận.

Những phát ngôn “thép” 

“Trở nên mạnh mẽ cũng là một phần của phụ nữ. Nếu các ngài cần bàn tán về điều này thì chỉ vì các ngài không phải là phụ nữ” (Magaret Thatcher).

Trong suốt thời gian tại nhiệm, bà Thatcher đã có nhiều tuyên bố để đời, thể hiện quan điểm chính trị của bản thân.

“Không ai nhớ đến một người Samaria nhân từ nếu anh ta chỉ có các cử chỉ thiện chí. Họ được nhớ đến vì còn có tiền bạc” - bà trích dẫn một dụ ngôn trong Kinh Phúc âm Luca nhằm nhấn mạnh thiện ý chỉ đắc dụng khi người ta có phương tiện hành động. Quan điểm này được bà áp dụng ngay khi trở thành thủ tướng từ ngày 3/5/1979.

Năm 1979, bà Thatcher đã thể hiện ý muốn cắt giảm chi tiêu công và gây chú ý với câu nói đầy hình ảnh: “Những đồng xu không phải từ trên trời rơi xuống, chúng được cóp nhặt trên mặt đất này”. Bà muốn nhắc lại với giới chính trị gia xứ sở sương mù rằng các khoản thu của Nhà nước đến từ những khoản vay và tiền thuế.

Là người phụ nữ đầu tiên đảm trách vị trí Thủ tướng của nước Anh (và là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Đảng Bảo thủ), Thatcher luôn phủ nhận đây là một sự kiện đặc biệt. “Trở nên mạnh mẽ cũng là một phần của phụ nữ. Nếu các ngài cần bàn tán về điều này thì chỉ vì các ngài không phải là phụ nữ”.

Năm 1979, Margaret Thatcher muốn thương lượng lại khoản đóng góp  của nước Anh vào ngân sách châu Âu. Trong các cuộc đàm phán, “bà đầm thép” luôn cứng rắn với đòi hỏi nước Anh phải nhận lại từ châu Âu khoản tiền bằng với khoản tiền mà họ đã rót vào. "Điều mà chúng tôi cần, đó là lấy lại phần tiền của chúng tôi" - bà nói.

Margaret Thatcher thích được biết đến như một người phụ nữ mạnh mẽ, thông qua tuyên bố: “Nếu các bạn muốn điều gì được nói ra, hãy đề nghị một người đàn ông làm việc đó. Nếu bạn muốn điều gì đó được hoàn tất, hãy đề nghị một phụ nữ”.

Margaret Thatcher luôn hoài nghi về khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), và từ chối chấp nhận đồng tiền chung duy nhất này. "Nếu ai đó gợi ý rằng tôi nên đến trước Quốc hội để đề nghị bãi bỏ đồng bảng Anh, tôi sẽ trả lời là: Không!" - bà tuyên bố.

Margaret Thatcher rất nặng tư tưởng chủ nghĩa cá nhân cấp tiến, quan điểm này mạnh đến nỗi năm 1987, bà khẳng định trên Tạp chí Women's Own rằng: “Xã hội không tồn tại nếu không có những người đàn ông, những người đàn bà và các gia đình".

Trung thành với những niềm tin của Cơ đốc giáo, Margaret Thatcher thừa nhận việc làm giàu mang mục đích cá nhân, nhưng cũng cho rằng  sự giàu có có thể sẽ mang lại lợi ích, tùy theo cách người ta sử dụng cái sự giàu có đó. “Việc tạo ra sự giàu có không xấu xa, chỉ có tình yêu tiền mới xấu xa" - bà nói.

Nổi tiếng tôn thờ sở hữu tư nhân, Margaret Thatcher đã biến đây thành một trong những thành tố cấu thành chính sách bảo thủ của bà. "Nếu một người bảo thủ không tin rằng sở hữu là một trong những thành trì chính của tự do cá nhân thì tốt nhất ông ta nên trở thành người theo chủ nghĩa xã hội" - bà nói.

Bà cũng thể hiện tính thích lao động và ghét người lười biếng qua tuyên bố: "Tôi chưa từng quen ai đạt đến đỉnh cao danh vọng mà không cần phải làm việc cật lực. Đó là bí quyết thành công". Nhưng bà cũng nói thêm: "Tuy nhiên, không phải lúc nào làm việc cật lực cũng đưa bạn lên đỉnh cao mà thường là tới gần đỉnh cao ấy".

Không kém phần hài hước

Nổi tiếng là cứng rắn nhưng bà Magaret Thatcher không thiếu sự hài hước. Trong một bài diễn văn bầu cử, bà nhắc lại biệt danh “bà đầm thép” của mình: "Nếu bạn lãnh đạo một đất nước như nước Anh, bạn phải có một chút chất thép trong người".

Hay khi biết tin người ta muốn dựng tượng bản thân, bà đã nói: "Tôi rất thích một bức tượng dựng bằng thép, nhưng chất liệu đồng có lẽ thích hợp hơn, đơn giản là vì đồng ít bị rỉ hơn".

Đào Ngọc (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm