Khi Ấn Độ “hướng về phía Đông”

09/02/2012 10:36 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Trong mấy tuần gần đây, Ấn Độ đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng trên lĩnh vực quân sự, gồm việc mua hơn một trăm chiếc máy bay Pháp, nhận tàu ngầm nguyên tử từ Nga và chuẩn bị đón chiếc tàu sân bay đầu tiên.

Các diễn biến này đã thu hút sự chú ý lớn của giới quan sát, những người tin rằng Ấn Độ đang gấp rút hiện đại hóa quân đội để cân bằng sức mạnh trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Mối đe dọa từ phía Đông

Ấn Độ và Trung Quốc có một quan hệ không được nồng ấm kéo dài, bắt nguồn từ cuộc chiến biên giới 1962. Mấy năm gần đây, New Delhi đã không khỏi bồn chồn lo lắng khi Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương.

Trung Quốc đã đổ tiền của để phát triển các cảng biển ở Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar, qua đó "bao vây ảo" Ấn Độ. Bắc Kinh gần đây còn được quyền sử dụng các cơ sở hạ tầng quân sự ở quần đảo Seychelles và việc này đã khiến New Delhi phải vội vã làm mới quan hệ với quốc đảo ở Ấn Độ Dương, vốn nằm ngay ngoài bờ biển phía Tây của Ấn Độ.

Xe tăng T72 tham gia một cuộc diễn tập đổ bộ ở bang Ahmadabad của Ấn Độ

Trên bộ, vấn đề biên giới giữa hai nước vẫn chưa có sự phân định rõ ràng, dù đôi bên đã có tới 15 cuộc đàm phán về chủ đề này. Hãng tin AP nói rằng lực lượng tuần tra đôi bên vẫn thường có các cuộc đụng độ nhỏ lẻ với nhau. Giới phân tích, dù bác bỏ khả năng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ có chiến tranh quy mô lớn với nhau, đã không loại trừ các kịch bản xung đột hạn chế quanh biên giới hoặc ở các vùng cao đang tranh chấp trên dãy Himalaya.

"Mấy năm qua, Trung Quốc đã hoạt động ngày càng tích cực và gây ảnh hưởng mạnh trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao và quân sự" - tướng về hưu Gurmeet Kanwal, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến tranh trên bộ ở New Delhi đánh giá.

Ông chỉ ra rằng giới lãnh đạo và chuyên gia quốc phòng Ấn Độ đã theo dõi rất sát việc Trung Quốc hiện đại hóa và mở rộng quy mô quân đội.

Và lần đầu tiên trong thời gian qua, đã có những người ở Ấn Độ coi việc chống lại ảnh hưởng từ Trung Quốc nằm ở vị trí cao hơn đối thủ lâu năm Pakistan. "Nói một cách khách quan, trong Ấn Độ đã có những người nhận ra rằng Trung Quốc mới là mối đe dọa thật sự trong tương lai" - Kanwal đánh giá.

Mạnh tay mua sắm vũ khí

Để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, Ấn Độ bắt đầu tiến trình hiện đại hóa quân đội, nhằm thay thế các trang bị, vũ khí lỗi thời, đã có từ thời Liên Xô.

Nước này đã liên tục đặt mua máy bay chiến đấu, tàu khu trục, máy bay trực thăng vũ trang và các loại vũ khí đạn dược. Hoạt động mua sắm quân sự nhiều tới mức Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm nói rằng Ấn Độ hiệm chiếm tới 9% tổng số hoạt động nhập khẩu vũ khí thế giới trong năm 2010.

Tuần trước, Ấn Độ tiếp tục gây chú ý khi đặt mua 126 chiếc máy bay chiến đấu  Dassault Rafale của Pháp, sau thời gian đàm phán kéo dài với nhiều nhà thầu. Chi phí ban đầu của số máy bay này ước tính vào khoảng 11 tỷ USD. Nhưng vũ khí lắp trên máy bay, việc chuyển giao công nghệ, bảo dưỡng, bảo hành và các phí tổn khác có thể khiến con số chi phí ban đầu tăng gấp đôi.

Một chiếc Rafale giống loại máy bay mà Ấn Độ vừa đặt mua
từ Pháp trong thương vụ trị giá 11 tỷ USD

Cũng trong tuần trước, hải quân Ấn Độ đã nhận quyền chỉ huy tàu ngầm nguyên tử Nerpa của Nga tại cảng Vladivostok và đặt lại tên nó là INS Chakra-II. Điều này đã giúp Ấn Độ gia nhập hàng ngũ số ít các nước nắm quyền điều khiển tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân, gồm Anh, Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc.

Tàu Chakra-II được Ấn Độ thuê từ Nga trong 10 năm với giá gần 1 tỷ USD. Tàu này sẽ được trang bị cho hải quân trong tháng 3. Cuối năm nay, Ấn Độ còn nhận một chiếc tàu sân bay của Nga được tân trang.

Ngoài ra, Ấn độ cũng đang lên kế hoạch đóng 6 chiếc tàu ngầm  Scorpene theo giấy phép sản xuất của Pháp, trong thương vụ trị giá 5 tỷ USD. Dự kiến chúng sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2015, chậm khoảng 3 năm so với dự định ban đầu. Việc chậm tiến độ này là do Ấn Độ thiếu hụt lao động lành nghề và các công nghệ cần thiết để chế tạo. Các nhà phê bình cũng chỉ trích thói quan liêu giấy tờ ở Ấn Độ đã gây nên trì hoãn.

Khi Ấn Độ “hướng Đông”

Bên cạnh việc tăng cường lực lượng quân sự, New Delhi đã triển khai nhiều biện pháp khác như ngoại giao, để tạo thế cân bằng với Bắc Kinh. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã rất tích cực theo đuổi chính sách "hướng Đông", thường xuyên giữ quan hệ với lãnh đạo các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan, cùng các nước khác.

Chính sách này dẫn tới việc có rất nhiều phái đoàn cao cấp đã tới thăm Ấn Độ, qua đó không những tăng cường quan hệ quốc phòng mà còn cả thương mại và hợp tác kinh tế. Có thể nói không ở đâu, sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Ấn Độ lại diễn ra rõ hơn ở Myanmar, nơi Bắc Kinh và New Delhi đang cố giành quyền được khai thác nguồn khí tự nhiên ở đây.

Cuộc đua

Ấn Độ còn thường xuyên diễn tập quân sự cùng các nước châu Á. Trong tuần này, Ấn Độ dự định sẽ tập trận chung với hải quân 14 nước châu Á, dĩ nhiên là không có đại diện của Trung Quốc và Pakistan.

Nhưng trong khi Ấn Độ đang tăng cường khả năng phòng vệ, Trung Quốc cũng làm điều tương tự, với tốc độ nhanh hơn, khiến Ấn Độ khó có thể đuổi kịp. Nguyên nhân do ngân sách quân sự của Trung Quốc hiện lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Trong cuộc đua không cân sức ấy, Ấn Độ vẫn cố gắng tạo lợi thế riêng cho mình. Nước này mới bổ sung thêm 2 sư đoàn lính chuyên chiến đấu trên núi vào lực lượng quân sự trực chiến ở độ cao lớn đã có. Khoảng 36.000 người lính và sĩ quan thuộc 2 sư đoàn này được điều tới vùng Đông Bắc hẻo lánh.

Ngoài ra, Ấn Độ còn đề xuất thành lập một quân đoàn tấn công trên núi, một lữ đoàn cơ giới chuyên chiến đấu trên núi và các đề xuất này đang chờ để phê duyệt.

Theo Kanwal, Ấn Độ hy vọng sự ra đời của các lực lượng này sẽ cho thấy họ có khả năng tấn công sâu vào trong biên giới của đối phương và qua đó sẽ mang tới các thông điệp răn đe hiệu quả.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm