Vụ đứa trẻ bị ô tô chẹt: Trung Quốc nhìn lại đạo đức xã hội

19/10/2011 10:30 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 18/10, thêm hàng loạt tình tiết mới đã xuất hiện trong vụ bé Yue Yue, 2 tuổi, bị người lớn lái xe chẹt phải và bỏ mặc không cứu khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ. Sự kiện, ngoài việc khiến người dân quốc gia đông nhất thế giới băn khoăn tự vấn về đạo đức và tình người, còn làm dấy lên những lời kêu gọi về việc phải triển khai một đạo luật đủ hiệu quả để người ta sẵn sàng “làm ơn” mà không bị “mắc oán”.

Vụ tai nạn xảy ra ngày 13/10 ở thành phố Foshan, Quảng Đông, tỉnh giàu có nhất ở Trung Quốc hiện nay. Theo đó trong lúc đi chơi, Yue Yue đã bị hai chiếc xe tải lần lượt chẹt phải và đã có 18 người lớn đi qua hiện trường nhưng không ai ra tay cứu giúp bé gái đáng thương này. Sự việc được một camera an ninh ghi lại, được phát lên sóng Đài Truyền hình Phương Nam, Quảng Đông, trước khi chuyển tới mạng chia sẻ video Youku của Trung Quốc, thu hút 2 triệu lượt người xem chỉ trong vòng có mấy giờ đồng hồ.

Vì mạng người chỉ phải đền 20.000 NDT

Hôm 18/10, Trung Hoa Nhật báo nói rằng, viên tài xế đầu tiên chẹt qua người Yue Yue có họ Hu đã ra đầu thú với cảnh sát và kể tường tận quá trình xảy ra vụ tai nạn. Hu khai rằng anh mới chia tay với bạn gái và đang gọi điện thoại di động với tâm trạng “rối như tơ vò” khi đâm phải Yue Yue. Hu nói rằng anh ta rất ăn năn, hối hận vì đã lỡ gây hại cho đứa trẻ.

Có tin Hu đã định chạy trốn tới Tân Cương và định gửi tiền đền cho cha đẻ Yue Yue. “Anh thấy đứa nhỏ trong đoạn video đó chứ. Nó còn không biết mình đang chạy đi đâu. Anh biết đấy, tôi đang nghe điện thoại khi tai nạn xảy ra, tôi không cố ý” - Hu nói qua điện thoại với một phóng viên Trung Quốc trước khi tới trình diện cơ quan công an - “Khi nhận ra mình đã đâm trúng con bé, tôi định dừng xe để xem xét tình hình. Nhưng rồi khi thấy con bé đã chảy máu, tôi quyết định nhấn ga và chạy trốn vì nghĩ rằng không ai ở quanh nhìn thấy vụ tai nạn. Nếu con bé qua đời, tôi chỉ phải đền chừng 20.000 NDT (3.125 USD). Nhưng nếu nó bị thương, số tiền có thể lên đến hàng trăm ngàn NDT”.

Mẹ của Yue Yue đã xuất hiện trên mạng xã hội Sina Weibo cho biết tin tức con chị qua đời là không chính xác. Dù vẫn chưa thể tự thở, tình trạng của bé đã ổn định và bác sĩ nói rằng cơ hội phục hồi của bé đã khá hơn trước đây

Những người qua đường nói gì?

Sau khi Hu bỏ đi, đã có cả thảy 18 người đi ngang qua chỗ Yue Yue gặp nạn. Trong đoạn video có cảnh một người đàn ông đi xe đạp điện phóng qua chỗ Yue Yue nằm, thậm chí còn ngoái lại để nhìn cho rõ trước khi bỏ đi. Người đàn ông này mang họ Zhang có cho tờ Quảng Đông Nhật báo biết rằng anh ta không hề biết Yue Yue gặp nạn bởi khu vực đó hơi tối. 

Khoảng một phút sau một phụ nữ dắt tay một đứa trẻ đi ngang qua Yue Yue và đã rảo bước thật nhanh để rời khỏi hiện trường. Người phụ nữ họ Lin này nói với báo chí rằng có thấy Yue Yue chảy máu ở mồm, tai và hơi khóc. “Tôi sợ quá và con gái tôi thì khóc khi thấy máu nên tôi đã vội rời đi” - bà Lin thú nhận.

7 phút sau vụ tai nạn, Yue Yue mới được cứu nhờ sự can thiệp của bà lao công Chen Xianmei. “Tôi đang nhặt rác ở chợ khi thấy một đứa trẻ nằm dưới đường, miệng rên khe khẽ” - bà Chen kể lại - “Tôi bế con bé lên và thấy một mắt đang nhắm và nước mắt dàn dụa. Ngoài ra con bé còn chảy máu từ miệng, mũi và phía sau đầu. Tôi muốn bế bé lên, nhưng người nó đã mềm oặt và đổ sụp xuống. Tôi sợ quá nên đã kéo cháu vào lề đường và hét lên kêu cứu. Nhưng chẳng ai xuất hiện”.

Chen cho tờ Yangcheng Evening News biết rằng bà đã phải đi hỏi từng người bán hàng gần đó để xem đứa trẻ bị thương là ai. Kết quả bà chỉ nhận được những câu trả lời ráo hoảnh: “Tôi chả biết đâu”. Rất may mẹ của Yue Yue, trong lúc đi tìm con, đã nghe thấy tiếng kêu của bà Chen và vội vàng chạy tới đưa đứa trẻ đi viện.

Cha mẹ Yue Yue quỳ lạy để cảm ơn bà Chen vì đã cứu con mình

Khi xã hội thiếu vắng tình người

Sự vô cảm của 18 người qua đường và láng giềng của Yue Yue đã khiến dư luận Trung Quốc bị sốc. “Mạnh Tử từng nói rằng “con người cần có trái tim nhân ái”. Vậy điều gì đã khiến chúng ta trở nên quá thờ ơ với nhau? Thiếu cảm thông là một thảm hoạ đang chờ đón tất cả chúng ta. Hãy để chúng ta tự hỏi mình rằng nếu có đi qua hiện trường vụ tai nạn ấy, liệu sẽ có bao nhiêu người ngừng lại giúp đỡ cô bé?” - tờ Trùng Khánh thời báo viết trong một bài bình luận đăng trên trang nhất.

Tờ báo lý giải sự việc xảy ra do Trung Quốc thiếu một cơ chế hoàn chỉnh để khuyến khích người ta làm điều tốt. “Hệ thống hiện tại của chúng ta hiển nhiên đang ở trong một trạng thái ngăn cản người ta làm việc tốt: tham nhũng hoành hành, người không tốt được hưởng đặc quyền, bê bối diễn ra ngay cả trong các tổ chức từ thiện như Hội Chữ thập đỏ... Tất cả những điều này làm lung lay niềm tin của những con người nhân hậu” - tờ báo viết.

Tuy nhiên trong bài bình luận về sự kiện, tờ Thời đại Thông tin nói rằng sẽ không công bằng nếu đổ trách nhiệm cho việc thiếu quy định và luật pháp. “Ai cũng có thể thấy rõ rằng đứa trẻ bị xe tải cán phải. Không người đi đường bình thường nào có thể sợ mình sẽ bị ăn vạ. Nhưng người ta đã chẳng làm gì, ngay cả việc gọi điện thoại cấp cứu cũng không. Chúng tôi tin rằng tất cả những ai xem qua đoạn video đều đã lập tức đưa ra phán quyết về những người đi đường thờ ơ với đồng loại ấy. Điều này cho thấy chúng ta phải củng cố các giá trị đạo đức của mình” - tờ báo viết.

Thanh niên Trung Quốc Nhật báo cũng bình luận, sợ bị liên lụy không phải là lời biện minh hợp lý cho việc từ chối giúp đỡ người hoạn nạn. Vụ việc chỉ cho thấy sự suy thoái về tình thương đồng loại trong xã hội Trung Quốc. Rất đáng tiếc, vụ việc ở Foshan không phải là bằng chứng duy nhất cho thấy thực tế này.

Hồi tháng 9 năm nay, một người đàn ông 88 tuổi bất ngờ bị đột quỵ ở Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, mặt ông đập thẳng xuống vỉa hè. Nhưng không ai buồn tới cứu và người đàn ông đáng thương đã phải nằm trên con phố đông người qua lại suốt 90 phút liền, trước khi chết vì máu chảy từ mũi đã chẹn đường thở.

Tờ Asia Times cho biết một sự kiện khác mới xảy ra tại một ngôi trường ở Changchun, phía Đông Bắc Trung Quốc, khi các học sinh đánh nhau trong lúc chơi bóng rổ. Một cậu học sinh đã gọi cho cha mẹ nhờ giúp đỡ. Các phụ huynh này, vốn là những doanh nhân giàu có trong vùng, đã vội phóng tới hiện trường cùng vài tay anh chị mang theo dao và mã tấu. Xe vừa dừng, bà mẹ hét to với đàn em: “Tẩn chúng nó đi, đứa nào vào viện tao trả tiền”. Hậu quả là một học sinh bị đâm hơn một chục nhát và chết trong bệnh viện sau đó.

Cư dân mạng hiện đang kêu gọi nhà chức trách Trung Quốc triển khai một đạo luật hiệu quả giúp bảo vệ những người tốt sẵn lòng ra tay giúp người khác mà không bị rắc rối. Nhưng nếu nhìn nhận kỹ thì luật pháp là không đủ. Chỉ riêng luật pháp không thể mang tới giải pháp cho những sự kiện như vụ đâm người ở Changchun.

Giới phân tích chỉ ra rằng để thu được các kết quả ý nghĩa hơn, cả xã hội Trung Quốc phải thẳng thắn nhìn nhận vào việc tình trạng tôn thờ đồng tiền đã lan rộng tới đâu sau 3 thập kỷ phát triển kinh tế vừa qua, bởi chính tiền bạc là yếu tố gây xói mòn mạnh sự cảm thông giữa những con người và khiến xã hội Trung Quốc suy thoái nhanh về mặt đạo đức.

Tường Linh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm