01/10/2011 11:49 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Đến hẹn lại lên, trước thời điểm công bố danh sách người trúng giải Nobel lại diễn ra lễ trao giải IgNobel. Đây là giải thưởng dành cho các công trình nghiên cứu, phát minh kỳ quặc, gây ngạc nhiên hoặc chứa đựng tính hài hước.
Ig Nobel là giải thưởng được tạp chí Annals of Improbable Research (tạm dịch Biên niên sử về các nghiên cứu vớ vẩn) trao tặng hàng năm, với 10 hạng mục khác nhau.
Đoạt giải nhờ nghiên cứu thở dài và "giải quyết nỗi buồn"
Mang tiêu chí "đầu tiên làm con người cười, sau đó khiến họ suy nghĩ", tất cả các giải IgNobel được trao năm nay, dù hơi kỳ quái nhưng đều rất thú vị. Cụ thể, giải IgNobel Sinh học, thường là trung tâm gây cười trong mỗi lần trao giải trước đây, đã được trao cho các nhà nghiên cứu Darryl Gwynne (Canada) và David Rentz (Australia).
Darryl Gwynne (trái) được trao giải vì công trình nghiên cứu
bọ cánh cứu giao phối với chai bia
Công lao của họ là tìm ra một phát minh chấn động: một số con bọ cánh cứng với tên khoa học Julodimorpha bakewelli ở Nam Australia chỉ thích giao phối với những chai bia có màu nâu. Chúng thậm chí bỏ mạng vì cái nóng, chứ không chịu buông tha những chai bia. Các nhà khoa học ở trên cho rằng nguyên nhân do chai bia có màu nâu đẹp và lấp lánh hơn các con bọ cái, vốn có màu nâu tự nhiên nên không "xinh" bằng!
Nhiều giải IgNobel đã được trao cho các nghiên cứu liên quan tới phản ứng và hoạt động của con người. Ví dụ như giải IgNobel Y học được trao cho một đội nghiên cứu tới từ Hà Lan, Bỉ và Australia, vì các nghiên cứu công phu vào việc... đi tiểu của con người. Nhóm nghiên cứu đã phân tích xem vì sao con người ta luôn ra quyết định sáng suốt và tối ưu về một việc gì đó khi họ ở trong trạng thái bình thường. Nhưng khi họ muốn "giải quyết nỗi buồn", khả năng ra quyết định về cùng một công việc lại trở nên kém hẳn". Các nhà nghiên cứu nói rằng ở trạng thái mót tiểu, khả năng tập trung và ra quyết định của cá nhân sẽ giảm xuống thấp bằng với một người không ngủ suốt 24 giờ hoặc đang "phê phê" vì đã uống chút rượu.
Giải IgNobel Tâm lý thuộc về giáo sư Karl Halvor Teigen ở Đại học Oslo, Na Uy. Ông nghiên cứu việc vì sao người ta luôn thở dài trong cuộc sống. "Mọi người luôn nghĩ ai đó thở dài là thể hiện nỗi buồn. Nhưng khi họ thở dài thì thường để biểu lộ thái độ bỏ cuộc. Chúng tôi nghiên cứu khía cạnh bỏ cuộc bằng cách yêu cầu ai đó giải quyết một câu đố mà họ không thể giải được. Kết quả là họ luôn thở dài. Chúng tôi cho rằng họ thở dài vì phải từ bỏ một ý tưởng, một nỗ lực" - Karl nói. Có lẽ giải thưởng trao cho ông là đúng với tinh thần của IgNobel nhất: vô thưởng vô phạt. Bản thân Karl thừa nhận nghiên cứu của ông không có giá trị áp dụng thực tiễn và ông nghiên cứu về thở dài bởi chẳng có ai làm điều tương tự.
Giải Hòa bình cho… vũ lực
Thị trưởng Thủ đô Vilnius của Lithuania, ông Arturas Zuokas, đã giành giải Ig Nobel Hoà bình vì chính sách mạnh tay chống những kẻ xem thường quy định đậu xe của thành phó. Ông đã lái một chiếc xe bọc thép và nghiền nát xe của kẻ vi phạm. "Tôi quyết định rằng đã tới lúc để dạy cho những kẻ côn đồ, vốn không tôn trọng quyền của những người khác, một bài học nhớ đời" - ông nói trong một bức thư điện tử.
Zuokas trở nên nổi tiếng khi một đoạn video xuất hiện trên mạng YouTube cho thấy ông cưỡi xe bọc thép nghiền nát một chiếc Mercedes-Benz đỗ sai tại khu Phố cổ ở Vilnius. Khi được hỏi đây có phải là một chiêu gây sốc để "dằn mặt" những kẻ vi phạm hay không, Zuokas không trả lời, nhưng cho biết nỗ lực của ông đã có tác dụng. Thành phố hiện đã trở lại các phương pháp thông thường để xử lý việc đỗ xe sai, nhưng Zuokas cảnh báo rằng ông vẫn đang giám sát những kẻ vi phạm và có thể dùng tới xe bọc thép vào bất kỳ lúc nào.
Người cưỡi xe bọc thép nghiền nát ô tô đỗ sai đường đã giành giải IgNobel Hòa bình
Đề cao những tư duy khác người
Giải Hoá học được trao cho các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát minh ra một loại thiết bị báo cháy toả mùi wasabi, loại mù tạt màu xanh có vị cay đặc biệt thường dùng với sushi và hải sản. "Hơi wasabi rất hữu dụng để trở thành thiết bị báo cháy dành riêng cho những người bị khiếm thính, trong trường hợp họ không thể tỉnh dậy giữa giấc ngủ bằng các biện pháp báo cháy thông thường như âm thanh, ánh đèn flash hoặc rung động" - Makoto Imai, một giáo sư ở Đại học Shiga và là thành viên nhóm nghiên cứu nói. Yếu tố đóng vai trò trung tâm trong thiết bị báo cháy này là allyl isothiocyanate, một hợp chất đã tạo nên mùi đặc trưng của washabi và nó mạnh tới nỗi có thể khiến ai đó thực dậy ngay cả khi họ đang ngủ rất say. Nhóm đã chọn wasabi cho thiết bị báo cháy đặc biệt kể trên, sau khi thử hơn 100 mùi khác nhau, gồm cả mùi trứng thối.
Một số giải IgNobel khác cũng rất đáng chú ý. Ví dụ như giải Vật lý được trao cho một nhóm các nhà khoa học Pháp - Hà Lan, vì đã xác định được nguyên nhân vì sao những vận động viên ném đĩa lại bị hoa mắt chóng mặt, trong khi những người chơi môn ném búa lại không bị vậy.
Giải An toàn Công cộng thuộc về John Senders ở Đại học Toronto, Canada, vì đã nghiên cứu khả năng điều khiển xe của một người trên đường cao tốc, khi vành mũ liên tục sụp xuống mặt và khiến anh ta không thể nhìn thấy đường.
Anna Wilkinson, một nhà nghiên cứu của Đại học Lincoln tại Mỹ, cùng một số đồng nghiệp nhận giải Ig Nobel Sinh lý học nhờ chứng minh rằng ngáp không phải là hành vi dễ lây ở loài rùa chân đỏ.
Trong khi đó, 6 con người tới từ Mỹ, Hàn Quốc và Uganda từng dự đoán về ngày tận thế, nổi tiếng nhất là Harold Camping, đã được trao giải IgNobel Toán học. Mặc dù các dự đoán của những cá nhân này đều được chứng minh là... sai bét, nhưng họ vẫn được trao giải vì đã có công giúp người khác hiểu rằng chúng ta phải cẩn thận khi đưa ra các giả thuyết và tính toán mang tính toán học.
Cũng khó y như giải Nobe
Dù giải IgNobel xem ra có vẻ ngớ ngẩn, các nhà tổ chức nói rằng tiến trình lựa chọn của họ thực tế rất công phu. "Một phần lý do khiến những người đoạt giải được lựa chọn vì nghiên cứu của họ rất bất ngờ và gây ngạc nhiên" - sáng lập viên giải IgNobel Marcus Abrahams cho trang tin FoxNews.com biết - "Năm nào chúng tôi cũng nhận được các đề cử và khoảng 7.000 đề cử như vậy. Nếu bạn muốn giành giải IgNobel, nó cũng khó y như giải Nobel vậy".
Tuy nhiên điều quan trọng với Abrahams là ông đã tạo nên được một sân chơi lớn để vừa tôn vinh sự hài hước, vừa đề cao những tư duy đặc biệt khác người. "Sau rốt chúng tôi được rất nhiều người chú ý và đã tạo nên rất nhiều nụ cười" - Abrahams tâm sự - "Thật tuyệt vời khi khiến người ta quan tâm tới những thứ mà chính cá nhân họ có lẽ chẳng bao giờ buồn để ý tới".
Tường Linh (theo AP)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất