Giám đốc IMF bị bắt: Vỡ mộng Tổng thống vì bê bối tình dục

16/05/2011 11:04 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Lãnh đạo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss - Kahn vừa bị cảnh sát New York bắt giữ vì các cáo buộc âm mưu hiếp dâm, phạm tội tình dục và giam giữ người trái phép. Đây là rắc rối mới nhất tìm tới người đàn ông vốn đã không lạ gì với bê bối này, nhân vật đang được xem là ứng viên tiềm năng kế tiếp sẽ ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Pháp.

Paul J. Browne, phát ngôn viên Sở cảnh sát New York (NYPD), nói rằng Dominique Strauss-Kahn, còn được gọi là DSK, bị bắt hôm 14/5 khi đang ngồi trong khoang hạng nhất của một chiếc máy bay thuộc Hãng hàng không Air France ở Sân bay Quốc tế Kennedy.

Bị cáo buộc vì có hành vi của “yêu râu xanh”

Ông bị tố cáo đã cưỡng ép một người phụ nữ 32 tuổi làm nghề lau dọn phòng tại khách sạn hạng sang Sofitel quan hệ tình dục với mình. Người lau dọn kể lại rằng cô đi vào căn phòng hạng sang có giá 3.000 USD/đêm của DSK vào lúc 1 giờ chiều ngày 14/4 để dọn dẹp.

Bất ngờ DSK từ phòng tắm đi ra trong tình trạng khỏa thân hoàn toàn. Ông đuổi theo nữ nhân viên lau dọn rồi kéo cô vào phòng ngủ và tấn công tình dục cô. Nạn nhân kể lại rằng cô đã vất vả chống lại DSK và bị lôi vào phòng tắm, nơi ông ta tiếp tục lạm dụng và tìm cách cởi đồ lót của cô.

Đã nhiều lần dính bê bối tình ái nhưng DSK vẫn chứng nào tật nấy

Cuối cùng người phụ nữ đã vùng chạy được khỏi vòng tay DSK để báo với ban quản lý khách sạn về chuyện đã xảy ra. Khách sạn lập tức báo với cảnh sát, nhưng khi người ta tới hiện trường, DSK đã biến mất, để lại phía sau toàn bộ tư trang, gồm cả chiếc điện thoại di động. “Giống như ông ấy rời đi một cách rất vội vã vậy” - Browne nhận xét.

NYPD phát hiện rằng DSK đã tới sân bay nên liên lạc với các quan chức an ninh sân bay và ông này phải tra tay vào còng.

Các điều tra viên từ Đội Nạn nhân Đặc biệt Manhattan, nơi chuyên xử lý các cáo buộc tấn công tình dục, hiện đang thẩm vấn DSK. Căn phòng của ông nằm trên tầng 28 của khách sạn Sofitel cũng bị niêm phong tạm thời để phục vụ việc điều tra.

Được biết đây không phải là lần đầu tiên DSK vướng phải những rắc rối liên quan tới tình ái, tình dục. Năm 2008, IMF đã phải mở cuộc điều tra vì cáo buộc ông ngoại tình với nữ nhân viên Piroska Nagy dưới quyền. Tuy cuộc điều tra sau đó kết luận mối quan hệ này là “đồng thuận”, DSK vẫn phải lên tiếng xin lỗi vì đã gây ra nhiều rắc rối.

Ngoài ra, hồi năm 2002, nhà báo và nhà văn Pháp Tristane Banon cáo buộc DSK liên tục tìm cách tấn công tình dục, khi cô đến phỏng vấn ông để viết sách. Vì nhiều lý do, Banon đã quyết định không làm lớn chuyện như nữ nhân viên lau dọn ở khách sạn Sofitel.

Có thể kết thúc tham vọng Tổng thống

Bê bối mới diễn ra đúng lúc cử tri Pháp đang dành cho DSK nhiều cảm tình nhất và ông được xem là nhân vật sáng giá có thể hạ bệ đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy. Trong khoảng gần một chục ứng cử viên nặng ký dự kiến sẽ tranh giành chiếc vé tranh cử của đảng Xã hội, DSK đã bứt lên xa so với các đối thủ. Một cuộc thăm dò của báo Parisien diễn ra hôm 15/5 cho thấy ông nhận được sự ủng hộ của 41% cử tri trong đảng Xã hội, cách khá xa so với Chủ tịch đảng Francois Hollande. Và với việc tỉ lệ ủng hộ của Sarkozy đang ở mức thấp kỷ lục, DSK rõ ràng càng có lý do để mơ về chiếc chìa khóa vào điện Elysee.

Khách sạn Sofitel, nơi xảy ra cáo buộc hiếp dâm nhằm vào ngài giám đốc IMF

Gần đây, bạn bè và người ủng hộ đã cảnh báo DSK rằng cuộc đua vào ghế Tổng thống Pháp có thể sẽ chứng kiến những màn chơi bẩn khó chịu. Tuần trước, chính ông đã lên tiếng nói rằng mình là nạn nhân của một chiến dịch bôi nhọ do ông Sarkozy đạo diễn nhằm làm tổn hại hình ảnh cá nhân. Tuyên bố được đưa ra, sau khi các thông tin về đời sống xa hoa của DSK bị tung lên mặt báo. Các tấm ảnh chụp DSK đang leo lên một chiếc Porsche mới coóng trị giá 139.000 USD bên ngoài tư dinh trị giá 5,6 triệu USD ở Paris đã làm dấy lên những câu hỏi về gia sản của ông. Ngoài ra, DSK còn đang kiện tờ France Soir vì đưa tin rằng ông đã tiêu tới 35.000 USD để mua các bộ trang phục cao cấp, trong cảnh toàn dân Pháp đang bóp bụng chi tiêu.

Chết vì “nỗi ám ảnh đàn bà”

Những người ủng hộ DSK nói rằng các bê bối chỉ là chiêu ném bùn của đối thủ. Nhưng về khoản tình ái, rõ ràng ông đã tự tạo nên không ít tai tiếng. Thói háo sắc của DSK nổi tiếng tới mức hồi năm 2009, bình luận viên cây hài Stephane Guillon của kênh phát thanh France-Inter đã dành nguyên chương trình hài buổi sáng của ông để chế giễu cái gọi là “nỗi ám ảnh đàn bà” của DSK. “Để đảm bảo sự an toàn cá nhân, các nữ nhân viên sẽ phải mặc quần áo dài, tối màu, kín đáo để không khêu gợi nhục cảm. Giày cao gót, quần da và những đồ nội y khêu gợi phải bị cấm tiệt” - Guillon tếu táo.

Agnes Poirier, một phóng viên Pháp đang sống ở London nói trên tờ Guardian rằng các vụ bê bối tình ái của DSK không chỉ do ông say mê phụ nữ mà còn vì ông cũng rất quyến rũ trong con mắt phái đẹp, là nhân vật thông minh, có sức mê hoặc và thu hút người khác. “Dù tốt hay xấu, hành vi của ông ấy là một phần văn hóa chúng tôi” - Poirier nói.

Thực tế chuyện lăng nhăng tình ái không phải là hiếm trong giới chính trị Pháp. Cựu Tổng thống Francois Mitterrand được cho là đã từng yêu và có con với một cô gái quê. Tương tự là người kế nhiệm Jacques Chirac, nhân vật bị tay tài xế riêng Jean-Claude Laumont tố là kẻ trăng hoa. Song các đồn đoán về những mối quan hệ “ngoài luồng” không ngăn cản cả hai ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Tương tự, bê bối tình ái hồi năm 2008 không khiến DSK phải rời khỏi ghế lãnh đạo IMF.

Nhưng một số nhà phân tích nói rằng việc DSK bị bắt vì nghi phạm tội hiếp dâm là câu chuyện khác và có thể mang lại những hậu quả xấu với tương lai chính trị của ông. Jacques Attali, cựu cố vấn cho Tổng thống Mitterrand, nhận xét trên Đài phát thanh Pháp rằng hy vọng tranh cử tổng thống của DSK coi như đã chấm dứt. “Ông ấy sẽ tuyên bố không có tội và khi mọi chuyện kết thúc, có thể người ta cũng kết luận rằng ông ấy chẳng phạm tội” - Attali đánh giá - “Nhưng ông ấy sẽ không thể trở thành một ứng cử viên Tổng thống”.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm