23/04/2011 11:28 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Lâu nay quân nổi dậy của Libya vẫn lên tiếng kêu gọi các nước phương Tây hỗ trợ cho họ vũ khí, nhất là những loại hạng nặng, để có thể đánh thắng quân chính phủ. Nhưng đề nghị này tới nay vẫn chưa được đáp ứng vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
>> Chuyên đề: Xung đột ở Libya
Đầu tháng này, phóng viên tờ New York Times (NYT) đã làm một cuộc khảo sát nhanh về vũ khí đang được hàng trăm quân nổi dậy sử dụng tại phía Đông Libya và ở thành phố Misurata đang bị quân chính phủ bao vây. Kết quả cho thấy quân nổi dậy vô cùng thiếu trang bị để chiến đấu.
Thiếu súng thì dùng dao phay
Vũ khí của quân nổi dậy được tìm thấy trong cuộc khảo sát gồm một khẩu súng máy PKT, loại được thiết kế để lắp trên xe tăng Liên Xô và được bắn thông qua một hệ thống điều khiển điện. Vũ khí này không có cò súng bình thường, không thiết bị ngắm và không có báng. Nhưng bất chấp việc nó không thể khai hỏa, các tay súng nổi dậy vẫn gắn nó lên xe tải và lôi ra chiến trường.
Vũ khí của quân nổi dậy gồm nhiều hệ thống tự chế, như giàn phóng rốc két của máy bay được gắn trên chiếc xe tải này
Ba trường hợp trên là các hình ảnh điển hình về những người lính đang đứng trong hàng ngũ quân nổi dậy. Họ ra trận với tham vọng rất lớn: đánh bại quân đội chính phủ Libya được vũ trang đồng bộ và mạnh hơn rất nhiều. Nhưng vũ khí mạnh nhất mà họ có dường như chỉ là ý chí. Có thể thấy điều này trong tuyên bố của Fikry Iltajoury, 31 tuổi, một chiến binh nổi dậy đã xuất hiện trên chiến trường mấy ngày gần đây với chỉ một con dao làm bếp cỡ lớn. Iltajoury nói rằng anh từng có một chiếc xe gắn súng máy, cho tới khi cả xe và súng đều bị bắn hỏng. "Chúng tôi bị trúng đạn và nhiều bạn tôi đã chết" - Iltajoury nói - "Tôi mất vũ khí của mình nhưng giờ tôi có thứ này ".
Trường hợp của Iltajoury, với tinh thần chiến đấu cao nhưng thiếu hụt trang bị, vũ khí, không phải là chuyện hiếm trong phe nổi dậy. Họ có quá nhiều tình nguyện viên trong khi có quá ít súng. Giá súng trường Kalashnikov ở phía Đông Libya đã thể hiện rõ sự khan hiếm này. Một số chiến binh nói họ phải trả hơn 2.000 USD để có một khẩu AK, tức đắt hơn giá trị thực nhiều lần. Tại thành phố Misurata đang bị bao vây, nhiều lính chống chính phủ thậm chí còn không có vũ khí và phải chờ đồng đội chết trận để nhặt súng tham chiến.
Những người có vũ khí trong tay lại gồm nhiều loại khác nhau, sử dụng đạn không cùng kiểu và cần được huấn luyện sử dụng súng theo các cách thức khác nhau. Hoàn toàn không có gì lạ khi thấy quân nổi dậy ở Libya giờ đang sử dụng đủ loại súng đạn khác nhau như súng trường FN FAL theo tiêu chuẩn NATO, các loại súng AK, súng máy Degtyaryov có từ thời kỳ đầu của Liên Xô và thậm chí cả những khẩu súng trường kéo quy lát cổ lỗ như Carcano hay Lee-Enfield.
Nhưng súng vẫn chưa phải là vấn đề lớn nhất. Điều quan trọng là người ta không có đạn dược để dùng và thiếu phụ tùng sửa chữa súng, đặc biệt là ở vùng đang bị vây hãm như Misurata.
Một binh sĩ nổi dậy khoác trên vai khẩu tiểu liên Mp-38 cổ lỗ và không băng đạn
Trong khi quân nổi dậy thiếu vũ khí như vậy, các nước phương Tây lại chưa sẵn sàng cấp súng đạn cho họ. Nguyên nhân do hàng ngũ quân nổi dậy thiếu kỷ luật và kinh nghiệm. Họ sử dụng vũ khí mà không quan tâm tới các khía cạnh chiến thuật, kỹ thuật và họ thể hiện việc không quan tâm tới các công ước quốc tế khi tham chiến.
Nói một cách đơn giản, quân nổi dậy chẳng để ý tới việc làm sao để sử dụng vũ khí một cách hiệu quả nhất chống lại đối phương, trong khi giảm rủi ro cho những người khác. NYT cho biết quân nổi dậy đã tự tập hợp được nhiều hệ thống vũ khí mạnh nhưng không chính xác và dùng nó để bắn về phía các thị trấn Ajdabiya và Brega. Các vũ khí này gồm pháo phản lực 107 mm gắn trên xe tải, rốc két Grad 122mm và các ụ phóng rốc két đối đất 57mm tháo ra từ các trực thăng chiến đấu của ông Gaddafi.
Phóng viên phương Tây đã thấy những thiết bị này thường xuyên khai hỏa liên tiếp về phía đối phương trong khi những người điều khiển vũ khí không hề liên lạc với các đội trinh sát tiền tiêu để xem đạn đã đi tới đâu. Về mặt chiến thuật, đây thực chất là chuyện bắn phá bừa bãi, hành vi mà quân nổi dậy và một bộ phận dân thường đang cáo buộc quân của ông Gaddafi gây ra.
Thêm vào đó, quân nổi dậy sở hữu các vũ khí gây tranh cãi như mìn và dù sử dụng hay không, việc có chúng trong tay sẽ khiến nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế của họ gặp khó khăn. Mặc dù giới lãnh đạo quân nổi dậy ở Benghazi nói rằng họ không sử dụng mìn thu được từ kho quân chính phủ nhưng hôm 17/4 vừa qua, các phóng viên truyền hình của đài BBC vẫn quay được cảnh họ rải mìn dọc theo thành phố Ajdabiya.
Việc kiểm soát vũ khí cũng rất lỏng lẻo. NYT nói rằng sau khi chiếm các kho vũ khí của chính phủ, quân nổi dậy thường phân phối không kiểm soát những gì họ thu được, đặc biệt là các quả tên lửa đối không Manpad. Thứ vũ khí này ít giá trị sử dụng trong tình hình chiến sự hiện nay nhưng quân nổi dậy vẫn mang chúng theo ra chiến trường và không quản lý. Giới chức ở Algeria và Chad gần đây cảnh báo rằng kể từ khi các cuộc nổi dậy diễn ra nhiều hệ thống Manpad đã bị các điệp viên Al Qaeda ở châu Phi mua được.
Ngoài ra, quân nổi dậy thể hiện ít dấu hiệu đang chỉ huy và kiểm soát tình hình trong các địa bàn do mình kiểm soát. Họ cũng không có quy ước giao chiến rõ ràng và đây là các yếu tố có thể gây nên những hành vi mang tính tàn bạo với đối phương.
Đã có những tin tức cho biết quân nổi dậy đánh đập và cướp của nhiều người châu Phi xuất hiện trong lãnh thổ do họ quản lý, vì nghi ngờ những người này là lính đánh thuê cho ông Gaddafi. Hôm 9/4 vừa qua, 2 phóng viên phương Tây đã bị sốc khi chứng kiến quân nổi dậy bắt giữ và hành quyết tại chỗ một người bị nghi ngờ bán tin cho ông Gaddafi. Hiển nhiên đất nước nào dám cả gan cung cấp vũ khí cho một đạo quân vô luật lệ như vậy sẽ bị buộc tội đã khuyến khích hoặc cho phép các tội ác như trên xảy ra.
Tổng hợp những chuyện ở trên, ta sẽ thấy một câu hỏi khó mà phương Tây đang đối mặt. Nếu khoanh tay đứng nhìn đạo quân nổi dậy hiện nay ở Libya tiến ra mặt trận, sẽ chẳng khác nào để họ đi vào chỗ chết mà không ra tay giúp đỡ. Nhưng nếu vũ trang ào ạt cho quân nổi dậy mà không tính tới rủi ro, phương Tây sẽ phải đối mặt với những hậu quả tai hại kéo dài trong rất nhiều năm.
Tường Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất