Trung Quốc: Đến lượt giá đỗ nhiễm độc

21/04/2011 11:02 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Nhà chức trách ở một thành phố vùng Đông Bắc Trung Quốc vừa phát hiện nhiều hóa chất độc hại được thêm vào giá đỗ để giá lớn nhanh hơn, trông ngon hơn và vì thế đem lại lợi nhuận nhiều hơn. Điều này một lần nữa cho thấy vấn đề an toàn thực phẩm ở Trung Quốc thực sự rất đáng báo động.

Đầu tuần này, trang tin Legal Daily cho biết 40 tấn giá đỗ chứa chất độc có khả năng gây ung thư đã được cơ quan công an phát hiện, thu giữ tại thủ phủ Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh.

Một vấn đề kéo dài nhiều năm

Theo Legal Daily nói rằng số giá đỗ kể trên được trộn với hợp chất sodium nitrite và urea, các chất kháng sinh và một loại hormone tăng trưởng gọi là 6-benzyladenine. Lượng giá đỗ thu giữ chiếm gần 1/3 tổng lượng giá đỗ có trong các siêu thị và khu chợ của thành phố.

Việc thêm các chất độc hại như sodium nitrite vào giá đỗ có thể khiến loại thực phẩm này mập hơn và trông ngon lành hơn

Trong các chất trên, sodium nitrite cản trở vi khuẩn phát triển trong thực phẩm nhưng nó rất độc hại với sức khỏe con người và khi phản ứng với axít trong dạ dày có thể tạo ra tác nhân gây ung thư. Bên cạnh đó, loại hormone tăng trưởng 6-benzyladenine cũng đã bị cấm sử dụng.

Công an Thẩm Dương đã bắt 12 người có liên quan tới số giá đỗ nói trên, là nhân viên đang làm việc ở 6 trung tâm phân phối thực phẩm và một số nơi khác quanh thành phố. Legal Daily nói rằng điều đáng quan tâm nằm ở chỗ giá đỗ nhiễm độc là vấn đề kéo dài ở Thẩm Dương. Cách đây chừng 3 năm, báo chí địa phương đã đưa tin về tình trạng giá đỗ nhiễm độc. Nhưng nhà chức trách đã không ra tay trấn áp vào thời điểm đó.

Cơ quan điều tra tin rằng các nghi phạm trên đã cố tình trộn chất độc vào giá đỗ vì mục đích lợi nhuận. Việc trộn hóa chất sẽ giúp giá đỗ lớn hơn các loại giá đỗ thông thường và trông ngon hơn, qua đó thu về nhiều tiền hơn.

Chưa ban ngành nào nhận lỗi

Tin tức được công bố trong bối cảnh Trung Quốc đã có khá nhiều vụ bê bối liên quan tới thực phẩm nhiễm độc. Tình hình nghiêm trọng tới mức trong một cuộc họp với giới chức chính phủ vào tuần trước, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc đang bị tổn thương bởi "sự suy giảm đạo đức nghiêm trọng và tính bất lương". Ông nói rằng rằng đã xảy ra nhiều vụ bê bối lớn như sữa nhiễm độc và bánh bao được nhuộm phẩm màu độc hại và kết luận các vụ việc này đã nhấn mạnh tới "sự cần thiết của việc xây dựng văn hóa và đạo đức". "Thiếu các công dân chất lượng cao hay đạo đức yếu sẽ khiến Trung Quốc không thể trở thành một nền kinh tế được tôn trọng hoặc một cường quốc một cách đúng nghĩa" - ông Ôn nói.

Thời báo Hoàn cầu nói rằng sau khi vụ việc được phanh phui, các quan chức từ nhiều cơ quan khác nhau ở Thẩm Dương đã lên tiếng chối bỏ trách nhiệm. Thậm chí hôm 19/4, giới chức phòng công nghiệp và thương mại, văn phòng kiểm tra chất lượng và ủy ban nông nghiệp của thành phố còn tổ chức nhóm họp khẩn để tranh cãi xem ai là người phải nhận trách nhiệm. Cuối cùng ông An Jinrong, phó giám đốc Sở Công an Thẩm Dương, đã kết luận rằng các ban ngành cần xin sự chỉ đạo từ cơ quan có thẩm quyền cao hơn trước khi tranh cãi đến chuyện lỗi thuộc về ai.

Sau vụ bê bối sữa bột nhiễm melamine hồi năm 2008, an toàn thực phẩm vẫn là một chủ đề nóng ở Trung Quốc

Còn nhớ Trung Quốc từng đối mặt với bê bối sữa nhiễm melamine hồi năm 2008, khiến cho 3 đứa trẻ thiệt mạng và khoảng 300.000 trẻ sơ sinh bị sỏi thận. Sau vụ bê bối, các quan chức cao cấp đã cam kết giải quyết triệt để vấn đề an toàn thực phẩm. Nhưng lời nói của họ cho tới nay vẫn chưa thể ngăn chặn được các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, phi đạo đức nảy mầm trở lại trong ngành công nghiệp thực phẩm. Ngoài vụ giá đỗ nhiễm độc, trong năm nay, có thêm 2 vụ bê bối khác được phát hiện. Đó là vụ công ty Shuanghui đã cho thêm các phụ gia trái phép vào các sản phẩm thịt của họ và hàng ngàn chiếc bánh bao ở nhiều siêu thị Thượng Hải bị phát hiện được tẩm thuốc nhuộm.

Cần đề cao các giá trị đạo đức

"Trung Quốc đã nhấn mạnh tới việc giáo dục chính trị trong mấy thập kỷ trở lại đây nhưng lại bỏ quên việc giáo dục về những giá trị mang tính nòng cốt như "tôn trọng luật pháp và cuộc sống, đề cao sự hiếu nghĩa và tính lương thiện" - Chen Shaofeng, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Văn hóa Công nghiệp ở Đại học Bắc Kinh nói với tờ Thời báo Hoàn cầu về hiện tượng thực phẩm nhiễm độc xuất hiện tràn lan.

Ông Chen nói rằng có một vấn đề khẩn cấp vẫn chưa được giải quyết hiện nay là bằng cách nào để thiết lập các giá trị kể trên và đảm bảo chúng có tác dụng hướng dẫn hành vi cư xử của con người. "Câu trả lời nằm ở việc triển khai các biện pháp giúp đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp và tiến hành cải cách hàng loạt hoạt động có ảnh hưởng rộng lớn tới xã hội, như minh bạch thông tin, cho công chúng quyền phủ quyết việc thăng chức hoặc giáng chức một quan chức nhà nước."

Một số nhà quan sát khác nói rằng vấn đề đạo đức không chỉ của riêng lĩnh vực thực phẩm. "Chúng ta giả định vấn đề xuất hiện trong lĩnh vực thực phẩm nghiêm trọng hơn do chúng liên quan tới sức khỏe của mọi người. Nhưng thực tế thì vấn đề xuất hiện không chỉ trong lĩnh vực thực phẩm" - Sang Liwei, một luật sư tham gia việc sửa lại Luật An toàn Thực phẩm nói với Thời báo Hoàn cầu. Ông cho rằng đã tới lúc Trung Quốc cần triển khai "các hành động kiên định, nhất quán"  để tạo nên một hệ thống, nơi "điều tốt đẹp được khuyến khích và cái ác phải bị trừng phạt".

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm