Trung Quốc hé lộ kế hoạch đóng tàu sân bay

19/12/2010 11:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản vừa nắm trong tay một báo cáo của Viện Phát triển Chiến lược Đại dương, một tổ chức tư vấn hoạt động trong Cục Quản lý Đại dương Quốc gia Trung Quốc, nói rằng từ năm 2009, Bắc Kinh đã thai nghén ý tưởng xây dựng một chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai tỏ rõ ý định sở hữu tàu sân bay, thứ vũ khí vốn được xem là biểu tượng phô trương sức mạnh và tham vọng quốc gia.


Tàu sân bay Varyag đang được tân trang tại cảng Đại Liên của Trung Quốc

Cho dù việc Trung Quốc muốn đóng tàu sân bay đã được giới quan sát nhắc tới từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên giới chức Trung Quốc lộ rõ ý định qua giấy trắng mực đen.

Hé lộ về tàu sân bay

“Năm 2009, Trung Quốc đã đề ra một kế hoạch và một chương trình xây dựng tàu sân bay” - trích nội dung Báo cáo phát triển đại dương (2010), một cuốn sách được Cục Quản lý Đại dương Quốc gia Trung Quốc công bố hồi tháng 5 năm nay - “Điều này cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu bước vào một giai đoạn lịch sử mới trong nỗ lực trở thành một cường quốc hải quân. Đây là nhiệm vụ lịch sử của Trung Quốc trong toàn bộ thế kỷ 21”.

Báo cáo nói rằng hoạt động đóng tàu sân bay đã bắt đầu tại 6 công ty có quan hệ với quân đội và các viện nghiên cứu ở Thượng Hải cùng nhiều nơi khác. Một mô hình kích thước thực của tàu sân bay đã được xây dựng tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, để thử nghiệm hệ thống ra-đa của tàu trong khi các hoạt động chuẩn bị huấn luyện phi công cất và hạ cánh trên tàu sân bay cũng đã được tiến hành ở Liêu Ninh, Dĩ An và Thiểm Tây.

Thông tin này đã được giới quan sát xác nhận. Tờ Financial Times cho hay thông qua phần mềm Google Earth, người ta thấy rằng Trung Quốc đã xây dựng các đường băng mới tại 2 sân bay quân sự, rất phù hợp với việc huấn luyện phi công cất cánh và hạ cánh trong điều kiện của tàu sân bay. Các bức ảnh chụp mô hình tàu sân bay ở Vũ Hán cũng đã xuất hiện đầy rẫy trên Internet.

Báo cáo nhận xét có tàu sân bay không chỉ là điều kiện cần thiết để lấp khoảng trống giữa Trung Quốc và Mỹ về sức mạnh hải quân mà còn giúp “nâng cao tình cảm yêu nước” ở quê nhà. Báo cáo đánh giá rằng các tiến bộ Trung Quốc đạt được đã nhanh hơn dự kiến và chiếc tàu sân bay đầu tiên do nước này sản xuất có thể sẵn sàng đi vào hoạt động từ năm 2014, sớm 1 năm so với kế hoạch đã định.

Trong tầm với

Tham vọng sở hữu tàu sân bay của Trung Quốc vốn được xem là “bí mật mở”. Giới lãnh đạo Trung Quốc có xu hướng giữ kín kế hoạch này trong vòng bí mật, để tránh gây lo ngại cho các nước khác. Tuy nhiên quân đội Trung Quốc lại muốn công khai ý định sắm sửa tàu sân bay.

Hồi tháng 3 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Liang Guanglie nói rằng Hải quân Trung Quốc còn yếu và nước này sớm cần có tàu sân bay. Ông cũng chỉ ra rằng Trung Quốc là nước lớn duy nhất không có tàu sân bay và việc này sẽ không kéo dài mãi mãi. Một quan chức quốc phòng Trung Quốc giấu tên cũng từng tuyên bố với tờ Financial Times cách đây 2 năm rằng thế giới đừng ngạc nhiên nếu Trung Quốc chế tạo tàu sân bay.

Có tin nói rằng Trung Quốc đang đóng 2 tàu sân bay trọng tải 50.000 - 60.000 tấn ở xưởng đóng tàu Changxingdao, một trong những điểm sản xuất tàu biển lớn nhất thế giới, và sẽ ra mắt chúng vào năm 2014. Cùng thời điểm, Trung Quốc đang sửa chữa tàu sân bay Varyag mua lại từ Ukraina ở cảng Đại Liên. Ngoài ra, tới năm 2020, Trung Quốc cũng có kế hoạch sẽ điều hành tàu sân bay chạy năng lượng nguyên tử. Bên cạnh tàu sân bay, Trung Quốc còn đang phát triển mẫu máy bay chiếu đấu hoạt động trên tàu sân bay mang tên Jian 15. Máy bay này được chế tạo dựa trên phiên bản Su-33 Falcon-D của Nga. Trước đó, Trung Quốc đã mua một phiên bản Su- 33 đầu tiên từ Ukraina, và sử dụng nó để phát triển loại máy bay mới này. Jian 15 có cánh gập và đây là công nghệ trước đây Trung Quốc không có.

Sau khi được chế tạo hàng loạt, Jian 15 sẽ được triển khai trên tàu sân bay Varyag. Tuy nhiên đa số các nhà phân tích tin rằng, Trung Quốc không có ý định đưa tàu Varyag vào trang bị mà chỉ dùng nó như một phương tiện để thu lấy kinh nghiệm vận hành các tàu sân bay “nội địa sản xuất” trong tương lai.

Công cụ khuếch trương sức mạnh

Tin tức của Asahi Shimbun được đưa ra trong bối cảnh gần đây nhất, Trung Quốc và Nhật Bản đã khơi lại những tranh cãi về chủ quyền liên quan tới quần đảo Điếu Ngư (tên Trung Quốc), hay còn được gọi là Senkaku (tên Nhật Bản).

Mặc dù thông tin không chứa nhiều điểm mới, việc nó được phát hành chính thức từ phía Trung Quốc có thể sẽ gây lo lắng và căng thẳng trong khu vực. “Chiếc tàu sân bay là một biểu tượng về tham vọng tiến xa ra khỏi bờ biển quốc gia. Đây là một công cụ để khuếch trương sức mạnh” - một tùy viên quân sự giấu tên đang làm việc tại một cơ quan ngoại giao châu Á ở Bắc Kinh nói với Financial Times.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng tàu sân bay sẽ thay đổi vai trò Trung Quốc trong sự cân bằng sức mạnh ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên chuyên gia phân tích hải quân Raymond Pritchett, khả năng của Trung Quốc có thể không thực sự mạnh như thế giới tưởng. Pritchett thổ lộ rằng ông không quan ngại lắm về chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Theo ông, do khả năng của ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc còn hạn chế nên trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc sẽ tập trung củng cố việc đóng các tàu ngầm thông thường và nguyên tử, tiếp tới là các tàu chiến ven biển và tàu tuần tra biển, tàu khu trục trước khi có thể bắt tay vào chế tạo tàu sân bay một cách chắc chắn. Ông cũng cho rằng kể cả trong tình huống Trung Quốc có tàu sân bay, nó cũng khó có thể ưu việt hơn tàu sân bay và những con tàu chiến hiện đại khác đang nằm trong trang bị của Mỹ.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm