Nghi vấn mới về vụ chìm tàu chiến Cheonan

29/07/2010 11:24 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Hàn Quốc nỗ lực thuyết phục với thế giới rằng CHDCND Triều Tiên đã ra tay đánh chìm tàu chiến Cheonan của nước này. Tuy nhiên một bộ phận báo chí và các nhà phân tích trong chính nước này lại có những ý kiến nghi ngờ kết luận của chính phủ về thủ phạm.

Những phản bác tới từ người Nga


Tàu Cheonan

Hôm 27/7, tờ Hankyoreh của Hàn Quốc cho biết một nhóm các chuyên gia Nga đang kiểm tra vụ chìm tàu Cheonan đã cho ra một kết luận khác hẳn với chính phủ Hàn Quốc, theo đó con tàu đã chìm do trúng mìn. Hankyoreah nói rằng họ đã nắm trong tay tài liệu mang tên "Dữ liệu từ Nhóm chuyên gia Hải quân Nga điều tra nguyên nhân chìm tàu chiến Hàn Quốc Cheonan", với những kết luận chi tiết của các điều tra viên.

Theo đó, những người Nga tin rằng Cheonan đã mắc cạn và trong quá trình cố tìm cách trở lại vùng nước sâu, nó đã khiến một quả mìn phát nổ. Chứng cứ về sự mắc cạn là chân vịt của tàu bị hư hại. Các điều tra viên cũng tìm thấy một số dấu vết còn sót lại của lưới đánh cá vướng vào chân vịt con tàu và rất có thể đây là nguyên nhân khiến tàu mất sự điều khiển khi trở lại vùng nước sâu. Báo cáo của người Nga cũng nhắc tới việc có sự hiện diện của các quả mìn Hàn Quốc trong khu vực xảy ra vụ chìm tàu. Mìn được đặt tại đây từ hồi những năm 1970 để ngăn chặn hoạt động của tàu CHDCND Triều Tiên.

Ngoài ra, thời khắc diễn ra vụ tai nạn cũng không khớp nhau. Theo một báo cáo chính thức của Hàn Quốc, tai nạn xảy ra vào lúc 21giờ 21 phút 58 giây giờ địa phương. Nhưng hình ảnh camera ghi hình cuối cùng của tàu  ngừng hoạt động lúc 21 giờ 17 phút 03 giây. Chính phủ Hàn Quốc nói rằng đồng hồ trên chiếc camera không chính xác. Nhưng các điều tra viên Nga tiếp tục chỉ ra rằng một số binh lính trên tàu đã thực hiện các cú điện thoại khẩn cấp lúc 21 giờ 12 phút 3 giây và có thể họ đã gặp rắc rối với khả năng điều khiển tàu.

Phía Nga cũng nghi ngờ chứng cứ xác ngư lôi do Hàn Quốc đưa ra để quy trách nhiệm cho Triều Tiên. Đó là dòng chữ màu xanh với nội dung "Số 1" viết bằng tiếng Triều Tiên lên chân vịt của ngư lôi khó có thể còn tồn tại sau một vụ nổ. Việc viết chữ lên chân vịt ngư lôi cũng không hợp với bất kỳ tiêu chuẩn sản xuất thông thường nào. Kiểm tra bằng mắt thường mẫu xác ngư lôi cho thấy nó đã nằm dưới nước trong hơn 6 tháng trời, tức là trước thời điểm xảy ra vụ chìm tàu Cheonan khá lâu.

Giới phân tích lên tiếng

Thông tin do tờ Hankyoreh đưa ra chỉ là đòn tấn công mới nhất của báo chí và các nhà phê bình ở nước này "tặng" cho Chính phủ. Những lời chỉ trích phần lớn tới từ lực lượng đối lập, cho rằng Triều Tiên không có khả năng thực hiện một vụ phục kích hoàn hảo như vậy để chống lại một sức mạnh quân sự lớn như Hàn Quốc. Theo họ, Triều Tiên không có khả năng đưa một tàu ngầm vào vùng biển nơi xảy ra vụ chìm tàu Cheonan rồi rút đi mà không ai biết. Họ cũng thắc mắc liệu chứng cứ về một vụ tấn công bằng ngư lôi có bị dựng nên hay không.

"Tôi không tìm thấy một dấu hiệu nhỏ nhất của một vụ nổ" - Shin Sang-chul, một cựu quản trị viên ngành đóng tàu chuyển nghề làm phóng viên điều tra nhận xét - "Các thủy thủ đã chết đuối. Thi thể của họ đều sạch sẽ. Chúng tôi còn không tìm thấy cá chết trong khu vực đó".


Một trong những nghi vấn lớn nằm ở xác quả ngư lôi được phía
Hàn Quốc tìm thấy tại hiện trường vụ chìm tàu Cheonan
Ông Shin, người được đảng Dân chủ đối lập chỉ định tham gia ủy ban điều tra chung gồm các chuyên gia Hàn Quốc và nước ngoài, đã kiểm tra con tàu hư hỏng với các chuyên gia khác vào ngày 30/4. Ông đã bị đưa ra khỏi ủy ban này không lâu sau đó do đưa ra một số tuyên bố gây sốc, rằng Cheonan đã mắc cạn trong vùng nước nông ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên và tự làm hư hỏng vỏ tàu trong quá trình thoát khỏi nơi mắc cạn. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sau đó ra thông báo giải thích rằng Shin bị loại bỏ do ông "thiếu logic khoa học, tính khách quan cũng như có chuyên môn hạn chế", rằng ông "có chủ ý tạo nên sự mất lòng tin nơi công luận".

Nhưng Shin không phải là người duy nhất nghi ngờ Chính phủ. Tháng này, hai nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hàn Quốc đã tổ chức họp báo ở Tokyo để đặt các dấu hỏi về bằng chứng cho thấy sự dính líu của Triều Tiên, chính là mẩu chân vịt ngư lôi đã được người Nga đề cập tới ở trên. "Bạn có thể viết những dấu như vậy trên điện thoại iPhone rồi tuyên bố nó được sản xuất tại Triều Tiên" - học giả Seunghun Lee, giáo sư vật lý tại Đại học Virginia tuyên bố và là một trong hai nhà nghiên cứu kể trên nói với báo giới.

Ông đánh giá việc phát hiện ra mảnh chân vịt chứa nhiều yếu tố khả nghi. Đơn cử như việc chân vịt này có nhiều vết han gỉ hơn mong đợi, sau chỉ 50 ngày nằm yên dưới nước. Tuy nhiên dòng chữ xanh viết trên chân vịt lại khá sắc nét, rõ ràng.

Bản thân một số chính khác Hàn Quốc cũng nói rằng họ hoàn toàn thiếu thông tin trước cuộc điều tra của Chính phủ. "Chúng tôi đã yêu cầu những thông tin hết sức cơ bản như các cuộc thẩm vấn những thủy thủ sống sót, dữ liệu liên lạc với con tàu, lý do vì sao con tàu lại được cử tới điểm gặp nạn"- nghị sĩ Choi Moon-soon thuộc đảng Dân chủ nói và cho biết yêu cầu đã không được chấp thuận. Ông cũng không được xem bản báo cáo đầy đủ về cuộc điều tra và chỉ được thấy 5 trang tóm tắt nội dung. "Tôi không biết vì sao họ không công bố bản báo cáo. Họ đang cố gắng che đậy những mâu thuẫn và điều đó khiến họ mất uy tín" - Kim Chul-woo,  một cựu quan chức Bộ Quốc phòng, hiện đang làm việc cho Viện Phân tích Quốc phòng Triều Tiên, nhận xét.

Khó trừng phạt Triều Tiên

Cơ quan Thanh tra và Kiểm tra thuộc quân đội Hàn Quốc cũng cáo buộc vài sĩ quan tội lừa dối và che đậy thông tin nhằm trốn tránh trách nhiệm. Con tàu Cheonan nặng 1.200 tấn đã chìm trong đêm 26/3, khi cách Triều Tiên khoảng 20km. Báo cáo đầu tiên do trang tin Yonhap đưa ra nói rằng tàu trúng ngư lôi. Tuy nhiên sau đó cơ quan này lại thay đổi nội dung nói rằng tàu bị mắc vào lưới đánh cá. Ngày 2/4, khi Bộ trưởng Quốc phòng Kim Tae-young điều trần trước Quốc hội, một người quay phim tình cờ ghi hình qua vai Kim và thấy một mảnh giấy viết tay từ văn phòng Tổng thống hướng dẫn ông không được nhắc tới tàu ngầm của CHDCND Triều Tiên.

Những thông tin như thế cùng phân tích của giới chuyên gia đã làm tăng sự chỉ trích dành cho chính phủ, dù phía Mỹ khẳng định kết quả điều tra là chuẩn xác. Dư luận Hàn Quốc cũng tỏ ra không thống nhất. Các cuộc thăm dò cho thấy hơn 20% người dân không tin Triều Tiên đã đánh chìm Cheonan. Thực tế này đang gây khó khăn cho Hàn Quốc trong việc tìm kiếm biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Wi Sung-lac, một quan chức cao cấp của Hàn Quốc phụ trách vấn đề Triều Tiên cho biết những sự thiếu thống nhất trong nội bộ đang khiến nước này khó lôi kéo Trung Quốc và Nga tham gia trừng phạt Bình Nhưỡng. "Họ nói rằng ngay cả trong nước của các anh, nhiều người còn không tin vào kết quả điều tra thì sao chúng tôi phải tin" - Wi than thở.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm