Việt Nam nằm trong nhóm các nước thanh bình nhất

14/06/2010 11:18 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Vừa qua, Viện Kinh tế và Hòa bình có trụ sở tại Australia đã công bố Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) thường niên, theo đó Việt Nam đã tăng hạng, trong bối cảnh thế giới trở nên bất ổn hơn vì sự gia tăng số vụ giết người và bạo lực dã man.

Thế giới kém yên bình hơn

Năm ngoái, thế giới đã trở nên kém yên bình hơn, bất chấp việc số vụ xung đột vũ trang giảm đi. Đó là thông tin được nêu bật trong báo cáo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) của năm nay. Các con số mới được công bố cho thấy tỉ lệ giết người và tình trạng bạo lực đã tăng mạnh trên thế giới, đặc biệt khu vực Mỹ Latin, nơi mức độ hòa bình đã giảm đi rất mạnh trong vòng 12 tháng.

Chỉ số GPI đã được công bố đều đặn thường niên trong vòng 4 năm qua bởi Viện Nghiên cứu Kinh tế và Hòa bình, một tổ chức tư vấn chuyên nghiên cứu mối quan hệ giữa kinh tế, thương mại và hòa bình. Xếp hạng được tiến hành bởi việc tính toán 23 yếu tố khác nhau như tình trạng bạo lực, bất ổn chính trị, chi tiêu ngân sách quốc phòng, bên cạnh một số yếu tố cho thấy sự phát triển xã hội khác như tham nhũng, tự do báo chí, tôn trọng nhân quyền và tỉ lệ người đến trường.


Iraq tiếp tục là quốc gia “đội sổ” GPI do tình trạng bất ổn và bạo lực thuộc hàng cao nhất thế giới
Kết quả năm nay rất bất ngờ khi châu Phi trở thành khu vực có sự tăng trưởng mạnh nhất về hòa bình trong vòng 4 năm qua. Châu lục này đã chứng kiến ít cuộc xung đột hơn, chi tiêu quân sự cũng thấp hơn và quan hệ xuyên biên giới giữa các nước được cải thiện. Tuy nhiên khu vực cận Sahara vẫn là một trong những khu vực bất ổn nhất hành tinh, với 9 quốc gia tại đây lọt vào nhóm 20 nước nằm cuối bảng. Trung Đông cũng có những tiến triển tốt về hòa bình kể từ năm 2006, phần lớn nhờ việc giảm chi tiêu quân sự và cải thiện quan hệ giữa các nước.

Trong khi đó, Nam Á lại là khu vực bất ổn nhất trong 4 năm qua, với nguyên nhân chủ yếu do tăng số vụ xung đột và lạm dụng nhân quyền. Năm nay Pakistan bị xếp hạng 145/ 149 trong khi Ấn Độ xếp hạng 129/ 149. Theo ông Steve Killelea, sáng lập viên của báo cáo GPI, hai nước trên nhận vị trí thấp do tác động từ cuộc chiến chống khủng bố mà họ đang phải đương đầu.

Việt Nam tăng một bậc

Theo bảng xếp hạng năm nay, Việt Nam xếp thứ 38/149 nước, tăng một bậc so với năm 2009. Với thứ hạng này, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 tại Đông Nam Á, chỉ sau Malaysia (22), Singapore (30) và Lào (34).

Đứng đầu bảng tổng sắp năm nay là New Zealand. Đây là năm thứ hai liên tiếp, New Zealand được xếp hạng hòa bình nhất thế giới. Đứng thứ hai là Iceland với màn quay trở lại ngoạn mục sau khi tụt từ vị trí số 1 hồi năm 2008 xuống thứ 4 hồi năm ngoái. Nhật Bản xếp vị trí thứ 3/15 trong nhóm 20 quốc gia đầu bảng nằm ở Tây hoặc Trung Âu. Toàn bộ các quốc gia ở vùng Scandinavi đều nằm trong tốp 10, cho thấy rằng những nước nhỏ, ổn định và dân chủ vẫn là những nước hòa bình nhất.

Ngược lại, trong 4 năm liên tiếp, Iraq vẫn là quốc gia kém hòa bình nhất, theo sau là Somalia, Afghanistan và Sudan. Một số quốc gia nằm trong khối sử dụng đồng euro như Bồ Đào Nha, Ireland, Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha đều có số vụ bạo lực tăng cao. Một số nước lớn lại có thứ hạng khá thấp như Nga bị “trừ điểm” do những căng thẳng với Gruzia và cuộc chiến ngắn giữa đôi bên hồi năm 2008 trong khi Trung Quốc bị xếp hạng thấp do các vụ bất ổn xã hội và tăng chi tiêu quốc phòng tới 15% hồi năm ngoái. Năm nay Mỹ bị đánh tụt hai bậc xuống vị trí thứ 85 do chi tiêu quân sự lớn, số lượng tù nhân cao và tình trạng bạo lực, án mạng liên tục tăng.

Theo nhóm các tác giả lập ra báo cáo, tình trạng bạo lực, bất ổn khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 7 ngàn tỉ USD/năm. Cứ giảm đi 25% tỉ lệ bạo lực, nhân loại sẽ tiết kiệm được 1,7 ngàn tỉ USD/năm. Killelea cho biết số tiền khổng lồ này đủ để trả toàn bộ món nợ của Hy Lạp, chi trả cho các Mục tiêu thiên niên kỷ do LHQ đề ra và thanh toán đủ chi phí cho Chương trình cắt giảm khí thải CO2 của châu Âu mà vẫn còn thừa ra chút tiền lẻ.

Ông cũng gợi ý rằng bảng xếp hạng có thể là thông tin tham khảo hữu dụng cho các chính phủ, khi họ xem xét lại chiến lược viện trợ nhân đạo quốc tế. “Sẽ rất hợp lý nếu nhìn vào bảng xếp hạng GPI và đánh giá lại các hoạt động viện trợ đã diễn ra thế nào. Trong quá khứ, rất nhiều khoản viện trợ đã được trao với động cơ chính trị, để vực dậy chính quyền nào đó” - Killelea nói - “Ngoài nguồn lực, bạn cần có hướng tiếp cận đúng đắn để giúp xây dựng nên một chính quyền hoạt động hoàn hảo và đảm bảo rằng nguồn viện trợ được phân phối cho tất cả mọi người. Một chính phủ cũng sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỉ USD nếu họ không đổ hết tiền của vào chi tiêu quân sự”.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm