Chuyện cô bé có 2... trái tim

15/07/2009 14:23 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Tính mạng Hannah Clack ngàn cân treo sợi tóc khi trái tim của cô bé "có vấn đề". Nhưng các bác sĩ đã làm nên kỳ tích bằng cách ghép cho em thêm một trái tim nữa. Nay Clark lại tiếp tục khiến giới y học thế giới quan tâm vì trái tim bệnh tật ngày nào giờ đã hoàn toàn bình phục.
 
Khi mới 8 tháng tuổi, Hannah Clark đã mắc bệnh tim khá nặng. Trái tim của cô bé phình to hơn bình thường nhưng lại không bơm đủ máu cho cơ thể. Đó là do gien hoặc virus và tỷ lệ mắc bệnh là 1,2 - 1,4/100.000 em. Các bác sĩ đã quyết định ghép tim cho Clark và đưa cô bé vào danh sách những người cần thay tim. Tuy nhiên, do trái tim bệnh tật của Clark còn gây nên nhiều vấn đề cho lá phổi nên các bác sĩ có thể phải phẫu thuật để thay cùng lúc cả hai nội tạng này.
 
Clark khi ốm yếu chờ được ghép tim lúc 2 tuổi
 
Để tránh mạo hiểm, người ta quyết định thử nghiệm một phương thức điều trị mới. Giáo sư Magdi Yacoub ở Đại học Hoàng gia London, một trong những chuyên gia phẫu thuật tim hàng đầu thế giới, sau khi xem xét trường hợp của Clark đã nhận định rằng nếu có đủ thời gian cần thiết thì tim sẽ tự phục hồi. Có nghĩa là nếu chống chọi được với thần chết một thời gian thì Clark không cần phải thay tim. Tháng 7/1995, giáo sư Yacoub đã ghép trái tim của một đứa bé 5 tháng tuổi vào cạnh tim của Clark. Như vậy là cô bé có 2 trái tim. Sau 4 năm rưỡi, thấy cả hai quả tim đều hoạt động ổn định, Yacoub và các cộng sự quyết định không cắt bỏ quả tim ốm yếu.
 
Clark đã có thể sống khỏe mạnh sau khi được ghép tim. Nhưng mỗi ngày cô bé phải uống tới 17 loại thuốc chống đào thải. Các loại thuốc này ức chế hệ miễn nhiễm của cơ thể, giúp bảo vệ trái tim ghép, song lại khiến một căn bệnh ung thư liên quan tới virus Epstein-Barr xuất hiện.
 
“Gương vỡ lại lành”
 
Để chống lại bệnh ung thư, các bác sĩ tiến hành hóa trị cho Clark. Họ cũng sử dụng rất nhiều liều thuốc mạnh kết hợp. Bệnh ung thư được đẩy lùi, nhưng do cơ thể bị ức chế hệ miễn dịch, nó nhanh chóng xuất hiện trở lại.
 
Các bác sĩ buộc phải giảm liều thuốc chống đào thải để cơ thể Clark đương đầu với bệnh tật. Nhưng ngay cả biện pháp này cũng không thể ngăn cản bệnh ung thư lan rộng, trong khi đó trái tim ghép bắt đầu có dấu hiệu bị đào thải.
 
Tới tháng 2/2006, việc giảm liều thuốc đã gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của trái tim ghép. Clark suýt hỏng thận, khó thở và có lúc các bác sĩ nói với gia đình của bệnh nhân này rằng cô bé chỉ sống được chưa đầy 12 giờ nữa. Cùng lúc các kết quả kiểm tra có từ năm 2005 cho thấy trái tim bệnh tật của Clark dường như đã hoạt động bình thường trở lại. Vậy là giáo sư Yacoub và đồng nghiệp, bác sĩ Victor Tsang ở bệnh viện Great Ormond Street, quyết định loại bỏ trái tim ghép, đồng thời chấm dứt luôn việc uống thuốc chống đào thải.
 
Ca phẫu thuật diễn ra hết sức thành công. Sau cuộc phẫu thuật, sức khỏe của Clark hồi phục. Bệnh ung thư bị tiêu diệt, Clark không còn phải uống hàng vốc thuốc như trước kia và đặc biệt là tim của cô bé hoạt động hoàn toàn bình thường. Clark, giờ đã 16 tuổi, bắt đầu chơi thể thao, kiếm được một công việc bán thời gian và đang lên kế hoạch trở lại học tập để trở thành cô bảo mẫu. “Nhờ cuộc phẫu thuật này, giờ đây cháu đã có một cuộc sống bình thường như bạn bè” - Clark nói trong cuộc họp báo hôm 13/7.
 
Cơ hội cho những người bất hạnh
 
Ca cấy ghép tim mang tính cách mạng nói trên và hoạt động chăm sóc cô bé Hannah Clark được đăng tải chi tiết trên tạp chí y học Lance, đã thu hút sự quan tâm rất lớn của giới chuyên môn. Bác sĩ Miguel Uva, một thành viên Hội Tim mạch châu Âu, gọi trường hợp của Clark là “phép lạ”. Ông cho biết rằng một trái tim ốm yếu tự phục hồi là cực kỳ hiếm. Theo Uva, nếu thông qua ca này, các bác sĩ tìm ra phương thức tự phục hồi của tim và phát triển những hướng chữa trị dựa trên cơ chế đó thì nhiều bệnh nhân sẽ được cứu sống. Tiến sĩ Douglas Zipes, cựu Chủ tịch Viện Tim mạch Mỹ, nhận xét: “Trái tim có thể tự sửa chữa nếu người ta cho nó cơ hội. Trái tim dường như chứa trong mình sức mạnh tái sinh cực lớn và giờ đây, điều quan trọng là phải tìm ra phương thức hoạt động của nó”.
 

Hannah Clark khỏe mạnh đứng giữa cha mẹ
 
Hiện tại các nhà khoa học vẫn không thể hiểu tiến trình đó diễn ra như thế nào. Một số cho rằng rất có thể một lượng tế bào gốc nhỏ vẫn còn ở lại trong quả tim. Khi tim lâm nguy, chúng có thể đã được kích hoạt để tự chữa lành các tổn thương. Người khác thì đánh giá trái tim ghép đã gánh hộ rất nhiều công việc của trái tim chính, giúp nó có cơ hội phục hồi. Với giáo sư Yacoub, ca phẫu thuật của Clark mang tới cho ông nhiều điều ý nghĩa. “Sau cuộc phẫu thuật, cô bé từ chỗ rất ốm yếu đã khá dần cho tới khi trở lại bình thường. Giờ đây, chúng tôi rất tự tin với chương trình này” - ông nói - “Ngoài việc có được các bài học về khoa học và y tế, chúng tôi còn nhận ra một bài học tâm lý là không bao giờ được bỏ cuộc”.
 
Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm