Ai gây ra vụ khủng bố kinh hoàng ở Ấn Độ?

28/11/2008 11:03 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Đêm 26/11, hàng loạt các vụ tấn công khủng bố đã diễn ra tại thành phố Mumbai, Ấn Độ, làm hàng trăm người chết và bị thương. Báo chí Ấn Độ gọi đây là hành động tuyên chiến của khủng bố còn các chuyên gia vội vã tìm hiểu xem ai đã đứng sau vụ tấn công cũng như nguyên nhân nào khiến chúng lại ra tay tàn độc như vậy.

101 người chết

Bắt đầu từ sau nửa đêm giờ địa phương (khoảng 2 giờ sáng giờ HN), nhiều nhóm các tay súng đã đồng loạt tổ chức tấn công khủng bố ở Mumbai, trung tâm tài chính của Ấn Độ, khiến thành phố này như có chiến tranh. Có ít nhất 7 địa điểm tại thành phố bị tấn công, bao gồm hai khách sạn lớn là Cung điện Taj Mahal và Oberoi Trident, nơi nhiều du khách nước ngoài cùng các thương nhân đang cư ngụ. Nhà ga trung tâm Chatrapati Shivaji, nhà hàng Leopold và hai bệnh viện cũng là các mục tiêu của các phần tử khủng bố. Nhiều nơi trong thành phố cũng nổ ra các vụ đấu súng và đánh bom.
 
Cung điện Taj Mahal bốc cháy

Hậu quả của đợt tấn công bất ngờ này là ít nhất 101 người thiệt mạng, hơn 200 người khác bị thương. Trong số những người thiệt mạng có ít nhất một công dân Australia, Nhật Bản và Anh quốc. Alex Chamberlain, một công dân Anh đang du lịch ở Ấn Độ cho biết cách tay súng nói tiếng Hindi và chúng liên tục ra lệnh cho mọi người giơ tay lên. Những kẻ này chỉ tìm kiếm khách du lịch người Anh, Mỹ. Ít nhất ba quan chức cảnh sát cao cấp của Ấn Độ, gồm lãnh đạo đơn vị chống khủng bố, đã bị giết hại. Nhiều con tin phương Tây hiện vẫn đang nằm trong tay bọn khủng bố.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Ấn Độ Bipin Shrimali cho hay có 4 khủng bố đã bị bắn chết tại hai địa điểm ở Mumbai, khi chúng cố gắng bỏ trốn. 4 kẻ khác bị tiêu diệt tại Taj Mahal và 9 tên bị bắt giữ. "Chúng tôi sẽ bắt chúng, dù sống hay chết" - ông Patil nói với các phóng viên - "Một cuộc tấn công nhằm vào Mumbai là cú đánh vào toàn bộ đất nước này"

Vấn đề nội địa

Ngay sau khi vụ khủng bố xảy ra, đã có một tổ chức tự xưng là Deccan Mujahideen đứng ra nhận trách nhiệm. Đây là một tổ chức chưa từng ai biết tới.

Tờ Guardian (Anh) cho biết Deccan là một cao nguyên trải dài từ miền trung tới miền nam Ấn Độ còn mujahideen là từ Arab để chỉ các chiến binh thánh chiến Hồi giáo. Cái tên này cho thấy đây có thể là một tổ chức khủng bố "nội địa" chịu ảnh hưởng của các tổ chức nước ngoài.
 
Mumbai tan hoang như có chiến tranh
 
Thời gian gần đây có nhiều nhóm khủng bố với cái tên có liên quan tới yếu tố "nội địa" xuất hiện. Đơn cử như tổ chức tự xưng "Mujahedeen Ấn Độ" đã gây ra hàng loạt vụ nổ ở Dehli hồi tháng 9 làm 20 người chết. Hay như "Lực lượng an ninh Hồi giáo Ấn Độ Mujahedeen", tổ chức đã gây ra hàng loạt vụ nổ hồi tháng trước ở Assam giết chết 80 người. Không rõ các nhóm này có liên quan tới nhau không, nhưng theo một cựu quan chức an ninh Ấn Độ, ông B. Raman, việc chọn tên cho thấy các tay súng Hồi giáo cực đoan đang cố gắng tự "Ấn Độ hóa", biến chúng thành vấn đề của riêng quốc gia này.

Thực tế lâu nay quan hệ giữa cộng đồng người Hindu, vốn chiếm hơn 80% trong 1 tỷ dân của Ấn Độ, và những người Hồi giáo, chiếm khoảng 14%, đã không được êm đẹp. Kể từ khi Ấn Độ được chia thành Ấn Độ và Pakistan vào năm 1947, thỉnh thoảng bạo lực bè phái lại xuất hiện. Người Hồi giáo ở Ấn Độ hẳn còn nhớ tới cuộc xung đột đã quét qua vùng Gujarat hồi năm 2002 làm ít nhất 2.000 người, phần lớn là người Hồi giáo, thiệt mạng. Vì lẽ đó, tôn giáo có thể là môt trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng bố lần này.

Yếu tố nước ngoài

Thế nhưng một số ý kiến khác cho rằng Deccan Mujahideen có liên quan tới tình báo Pakistan và các tổ chức Hồi giáo cực đoan nằm tại nước này như Lashkar-e-Tayyiba hay Jaish-e-Mohammed. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Lashkar-e-Tayyiba có vài ngàn thành viên đóng ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, cũng đồng thời là nơi Pakistan và Ấn Độ đang tranh giành lẫn nhau.

Việc vụ tấn công được lên kế hoạch kỹ càng, diễn ra đồng loạt có phối hợp và nhằm vào công dân Anh, Mỹ lại mở ra khả năng tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda có liên quan. Một số chuyên gia còn tính tới khả năng có sự can thiệp của Iran để hướng sự chú ý của thế giới ra khỏi vấn đề hạt nhân của nước này.

Phát biểu với báo giới hôm 27/11, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã cho rằng những kẻ gây ra vụ khủng bố tới từ ngoài Ấn Độ và nước này sẽ không tha thứ cho "các hàng xóm" đã dung túng cho chúng. Ông thề sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để truy đuổi những kẻ có trách nhiệm trong vụ tấn công nhằm "đảm bảo sự an toàn và an ninh cho các công dân" Ấn Độ.
 
Gia Bảo


 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm