(TT&VH Online) - Tới thời điểm này, Trung Quốc đã phát hiện ra rất nhiều sản phẩm sữa trong nước có trộn melamine. Các nước xung quanh cũng đã công bố phát hiện những chế phẩm có thành phần sữa trộn melamine. Vụ bê bối “sữa bẩn” đang có nguy cơ lan rộng.
Tại Trung Quốc, hiện đã có 4 cháu bé tử vong và Bộ Y tế Trung Quốc cho biết hơn 50.000 cháu phải nhập viện do các vấn đề về thận vì sử dụng sữa có chứa melamine (hóa chất thể rắn màu trắng dạng tinh thể có thể hòa tan được trong nước thường được dùng trong công nghiệp sản xuất chất dẻo tổng hợp). Những thông tin này khiến cả thế giới sôi sục vì lo lắng. Các tập đoàn sản xuất sữa đang tìm đủ mọi cách để khắc phục khủng hoảng kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng.
Từ khi các sản phẩm sữa nhiễm độc này bị phanh phui trước công luận chưa đầy hai tuần trước, cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng tới hoạt động của hầu hết các công ty chế biến sản phẩm sữa lớn của Trung Quốc, trong đó có Yili Industrial Group Co. and Mengniu Dairy Group Co. Sản phẩm của họ bị đưa khỏi giá bán hàng trên khắp đất nước và cả ở các vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc là Hong Kong và Macau.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã thể hiện quyết tâm và nỗ lực cao để giải quyết vụ rắc rối này. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phải lên truyền hình để kêu gọi đặt sự an toàn của cộng đồng lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự.
Hiệp hội các Sản phẩm Sữa Trung Quốc khẳng định tiếp tục thu mua sữa cho nông dân, những người chịu tác động trực tiếp của việc các nhà máy sữa phải hoạt động cầm chừng sau vụ này.
Trong một nỗ lực nhằm chống đỡ tác động có nguy cơ dẫn đến phá sản, công ty chế biến sản phẩm sữa Nestle (M) Bhd tại Malaysia vừa ra thông báo khẳng định tất cả các sản phẩm của họ là an toàn và những sản phẩm được bán ngoài biên giới Trung Quốc và Đài Loan hoàn toàn không có khả năng nhiễm độc và tuân thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất của New Zealand và quốc tế. Họ cũng dẫn tuyên bố của Nestle "mẹ" có trụ sở tại Thụy Sĩ khẳng định không thể có chuyện sữa của họ sản xuất ở Trung Quốc có chứa melamine.
Trước đó có thông tin giới chức đã phát hiện melamine có trong sữa Dairy Farm của Nestle bán ở Hong Kong. Họ còn khẳng định sữa này do chi nhánh của Nestle ở thành phố biển Thanh Đảo (Trung Quốc) sản xuất. Dù các xét nghiệm cho thấy chỉ có một lượng rất nhỏ melamine trong sữa này và không đủ cơ sở để bị coi là có hại cho sức khỏe nhưng họ cũng khuyến cáo không sử dụng sữa này cho trẻ em.
Trong khi đó, tại Singapore các xét nghiệm đã phát hiện sản phẩm kẹo sữa nhãn hiệu "White Rabbit" (Thỏ trắng) nhập từ Trung Quốc có chứa melamine.
Nhiều hệ thống siêu thị trong khu vực cũng đã phản ứng bằng cách phong tỏa toàn bộ các sản phẩm sữa trên giá bán hàng để kiểm tra.
Giá chứng khoán của các hãng chế biến sản phẩm sữa tại thị trường Malaysia đã giảm mạnh hôm qua 22/9 do ảnh hưởng của “bóng đen” sữa trộn melamine ở Trung Quốc. Rất có thể, xu thế này sẽ còn lan ra cả các thị trường khác. |
Các quan chức phụ trách an toàn thực phẩm New Zealand cho biết họ sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ số bánh kẹo có thành phần chứa sữa của Trung Quốc bán ở nước này dù tới thời điểm này chưa phát hiện được trường hợp nào có chứa hóa chất độc hại nói trên. Tuy nhiên, theo một quan chức thì rất khó tiến hành xét nghiệm với các sản phẩm không ở dạng lỏng hoặc dạng bột để phát hiện ra melamine.
Công ty King Car Co. của Đài Loan thông báo thu hồi các sản phẩm trà sữa và cà phê hòa tan hiệu Mr. Brown của họ có chứa sữa bột nhập từ Trung Quốc.
Nhật Bản và Singapore thu hồi các sản phẩm sữa sản xuất tại Trung Quốc. Còn chính phủ các nước Malaysia và Brunei thông báo cấm toàn bộ các sản phẩm sữa nhập từ Trung Quốc dù trong thời gian gần đây không nước nào nhập các mặt hàng sữa Trung Quốc.
Cơ quan Thanh tra Thực phẩm Canada (CFIA) đã khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm sữa nhãn hiệu Nissin Cha Cha Dessert đóng hộp trọng lượng 440g (2 túi mỗi túi 220g) mang số hiệu UPC 4 897878 550005 do Yili Pure Milk sản xuất.
Để trấn an tinh thần người dân Anh, Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Vương quốc Anh cũng vừa thông báo họ khẳng định chưa phát hiện ra trường hợp nào nhập khẩu sản phẩm sữa, sữa bột hoặc nguyên liệu sữa cho trẻ em nào có dính dáng tới vụ sữa chứa melamine ở Trung Quốc.
Vấn đề đã không còn là chuyện riêng của Trung Quốc. Giờ là lúc cần một nỗ lực chung để có thể đẩy lùi thảm họa "sữa bẩn" và ngăn chặn những sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra.
QK (Tổng hợp)