NS piano Lang Lang: “Tôi luôn còn 100% chất Trung Quốc”

22/08/2008 17:55 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH Cuối tuần) - Anh hiện là nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới trong những ngày này tại Olympic Bắc Kinh: Với tư cách Đại sứ Văn hóa của Olympic, nghệ sĩ piano Trung Quốc Lang Lang đã tham gia một loạt hoạt động chào mừng sự kiện thể thao quan trọng nhất hành tinh năm 2008 (rước đuốc Olympic, biểu diễn tại Lễ khai mạc và là hạt nhân của Đêm dành cho piano ở Trung Quốc cùng 9 nghệ sĩ quốc tế khác). Lang Lang trò chuyện với báo giới về thể thao, tình yêu nhạc cổ điển kỳ lạ của người Á – và về “người Trung Quốc chúng tôi”.
 
* Từ nhiều năm nay anh sống ở nước ngoài, tại Mỹ và châu Âu. Anh còn trong mình bao nhiêu phần “Trung Quốc” nữa?
 
- Vẫn luôn còn 100%. Máu huyết tôi, tư duy của tôi, tất thảy vẫn còn là “Trung Quốc”.
 
* Phương Tây đã không thay đổi được anh sao?
 
- Nhiều người Trung Quốc từ lâu đã “Tây” hơn cả người bản địa ở châu Âu hay ở Mỹ. Còn ở New York, mà tại đó tôi thường cư trú khoảng 3 tháng trong năm, tôi cảm thấy giống hệt như ở nhà, tại Bắc Kinh. Có lẽ tôi thích nhất là cũng được sống cả ở Roma, London, Vienna và St.Petersburg, những thành phố gợi hứng rất nhiều cho tôi. Nhưng tôi không thể kham được chi phí. Căn hộ mà tôi đã mua ở New York, thành phố duy nhất không mang tính “lịch sử” mà tôi yêu thích, nằm rất gần Nhà hát Carnegie Hall, và không hẳn là rẻ.

* Trung Quốc là một đất nước khổng lồ. Anh biết được bao nhiêu phần trong đó?

- Cho đến nay thì khoảng một nửa. Là đại sứ Văn hóa của Olympic, năm ngoái tôi đã đi công du nhiều để quay một bộ phim. Tôi đã chơi đàn ở tất cả các địa danh nổi tiếng, ở Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành, Ngũ Nhạc và Tứ đại danh sơn, sông Hoàng hà… Và tôi có đặc quyền lớn là được chơi đàn ở ngay trước Thiên An Môn hoặc trước một thác nước khổng lồ.

* Trước một thác nước? Thế thì sẽ chẳng thể nghe được gì!

- Hừm… Người ta nhắm mắt lại và quên đi dòng nước. Còn hơn thế nữa: thác nước đổ thẳng xuống đàn. Chiếc đàn đã được xử lý đặc biệt trong 3 tháng, và vì thế mà không thấm nước. Âm thanh của nó nghe có thể không hoàn hảo như ở Carnegie Hall, nhưng dẫu vậy nó là một chiếc piano cao giá.

* Trung Quốc đã phát triển cực nhanh. Anh trải nghiệm điều này ra sao?

- Tôi đã cùng cha rời Thẩm Dương đi Bắc Kinh năm 9 tuổi, và ở lại đây cho tới năm 14 tuổi thì sang Mỹ. Hồi ấy tôi hầu như không thích Bắc Kinh, chúng tôi sống chung trong một phòng tại một khu nhà xây mới nhưng đã sớm xập xệ, rạn nứt. Không có lò sưởi, các cư dân đều nghèo, bảy gia đình chung nhau một phòng tắm, thực khủng khiếp. Bắc Kinh rất “quê”, những người lạ chẳng được hoan nghênh chút nào. Ngày nay thì nó là một thủ đô sôi động với kiến trúc mới nhất, những phòng hòa nhạc đẹp đẽ, một Nhà hát opera mới và một trong những Sân vận động tuyệt vời nhất thế giới. Người Bắc Kinh ngày nay đã trở nên thân thiện và cởi mở hơn với thế giới hơn. Và tốc độ phát triển đã chậm dần lại. Trước đây 5 năm, chỉ qua một đêm thôi là đã thay đổi cả một tuyến phố.

 
Lang Lang (giữa) trước SVĐ "Tổ chim" tại Bắc Kinh

* Vì những khu phố cũ, các “hutong” (ngõ hẻm) nổi tiếng Bắc Kinh đã được phá đi?

- Bây giờ người ta đang cho chỉnh trang lại các “hutong”, vì chúng là những di sản văn hóa của Trung Quốc. Nhưng sống tại đó thì kinh khủng: không có hệ thống tường, vách chắc chắn và các nhà vệ sinh thì hôi thối… Thực ra thì người ta phải thực thi chủ trương này theo kiểu mới, và nhiều người Trung Quốc cũng đã làm như thế: Họ mua đất và dựng mới các “hutong”, xây nhà có lò sưởi và máy điều hòa khí hậu.

* Anh thường xuyên trên đường lưu diễn. Anh theo dõi ra sao những thay đổi về mặt chính trị ở Trung Quốc?

- Tôi cố gắng tìm hiểu thông tin qua các phương tiện truyền thông, nhưng khó mà có được một hình ảnh chính xác. Nhưng tôi không phải là con người chính trị. Tôi ủng hộ toàn tâm Olympic Bắc Kinh, một sự kiện vĩ đại đối với Trung Quốc và là quan trọng đối với thế giới.

* Khi có thời gian theo dõi Olympic, anh thường xem những môn thi nào?

- Thể dục dụng cụ và bóng bàn. Vâng, sự thực là tất cả người Trung Quốc đều thích bóng bàn. Tôi cũng chơi bóng bàn. Ở Mỹ tôi chơi tốt, vì về cơ bản tất cả người Mỹ chỉ chơi quần vợt, một môn đấu có tốc độ quá chậm. Chơi ở Trung Quốc thì tôi luôn bị thua.

 

* Và anh giữ phong độ cho piano bằng cách nào?

- Tôi chạy bộ. Tôi phải có đôi vai khỏe khoắn và luyện tập để có được những bắp cơ nhất định ở cánh tay, còn những chỗ khác thì phải luyện bằng tạ. Và luyện thở đúng cách cũng rất quan trọng, vì thế đi bộ là một hình thức tốt.

* Năm ngoái, tôi từng được nghe một bản nhạc của Mozart phát ra từ chiếc loa đặt trong… nhà vệ sinh tại phi trường ở Seoul (Hàn Quốc). Tại sao người Á lại yêu nhạc cổ điển đến mức như vậy?

- Người Hàn Quốc là vô địch thế giới, họ còn “điên” vì nhạc cổ điển hơn là người Trung Quốc. Chúng tôi có đam mê lớn trước hết là đối với đàn piano. Có 36 triệu người Hoa hiện đang theo học các lớp piano.

 
* Tất cả họ học đàn là vì chính mình?

- Không, trước tôi chỉ có 20 triệu, sau đó nhắm theo “tài khoản” của tôi là 16 triệu người còn lại (cười). Mọi người nhìn tôi và nghĩ: Ô, biết chơi piano mới hay làm sao, khi ấy người ta có thể tổ chức hòa nhạc và trở thành đại sứ văn hóa! 80% âm nhạc dành cho piano là nhạc cổ điển. Vậy là người Trung Quốc chơi những nhạc phẩm của Mozart. Không phải vì họ yêu Mozart, mà là họ yêu piano, vì nó là “quốc tế”. Trung Quốc mở cửa ra thế giới, và đó là thứ phù hợp.

* Một nhạc cụ truyền thống như đàn nhị mà cha của anh vẫn chơi là không phù hợp sao?

- À…, người Trung Quốc chúng tôi chí ít cũng thích nghe nhạc dân tộc giống như nhạc của Mozart.

* Trong tai người Âu chúng tôi, âm thanh của nhạc cụ này nghe rất lạ lùng. Điều này có giống như khi một người Trung Quốc nghe Mozart lần đầu tiên không?

- Nhạc hay thì không bao giờ là “lạ lùng”. Mozart đã trở nên thân thiết đối với tôi ngay từ bé. Những người trình diễn tồi có thể mang lại một sản phẩm “lạ lùng”. Nhiều trẻ em không thích nhạc cổ điển vì chúng đã được tiếp xúc với một thứ âm nhạc dở và không đúng thời điểm. Người nào lần đầu tiên được nghe những bản nhạc do Karajan chỉ huy cùng Dàn nhạc giao hưởng Berlin hoặc Kleber với DNGH Vienna, hẳn sẽ thích Mozart. Lần đầu tiên là điều quyết định.

* Nghe nói năm lên 3, khi xem một đoạn phim hoạt hình thấy Tom & Jerry đánh piano, anh đã ngay lập tức muốn học chơi nhạc cụ này?

- Đương nhiên là cha mẹ tôi đã mua một chiếc piano từ trước đó. Lúc đầu việc ấy đã mang lại cho tôi một niềm vui lớn. Nhưng piano không dễ chơi hơn các nhạc cụ khác, nhất là khi người ta muốn trở thành một nghệ sĩ lớn. Cái giá của nó là cả thời niên thiếu của bạn. Trước đây, khi chơi với các Robot tí hon của mình, thường thì muộn nhất là sau nửa giờ tôi đã phải ngừng lại.

* Trên bục diễn của mình anh tỏ ra là người không kiên nhẫn.

- Brahms không kiên nhẫn, âm nhạc đôi khi cũng không kiên nhẫn, nhưng bản chất tôi là người kiên nhẫn. Là nhạc sĩ người ta phải kiên nhẫn, trong lúc luyện đàn thì không thể khác được.

 

* Nhiều người Trung Quốc rèn giũa khắt khe con mình để chúng có thể học được một nhạc cụ nào đó. Bản thân anh cũng đã trải nghiệm tham vọng này của cha mẹ mình?

- Cha mẹ tôi thuộc số những người mà ở thời kỳ Cách mạng văn hóa đã không có cơ hội nào khác ngoài việc đọc sách Trung Quốc hoặc chơi một nhạc cụ. Nhạc phương Tây thì đằng nào cũng bị cấm. Mọi chuyện xoay quanh vấn đề mưu sinh một cách trần trụi. Trung Quốc khi ấy cực kỳ nghèo, ai cũng có tới 6, 7 anh chị em, nhiều người bị chết đói. Vì thế sẽ không có gì ngạc nhiên khi thế hệ ấy đã chuyền tải toàn bộ hoài bão, khát vọng của mình vào thế hệ hậu sinh. Thêm nữa: Tôi là con độc, một sản phẩm tiêu biểu của chính sách 1 con. Và ngay từ cuối những năm 1970 Trung Quốc đã bắt đầu mở cửa với phương Tây. Tất cả những điều này giải thích tại sao những người như cha mẹ tôi lại đặt hy vọng lớn đến vậy vào đứa con của họ và đã cống hiến hoàn toàn phần đời còn lại cho sự nghiệp của đứa con…

* Trung Quốc là kỷ cương và một nền kinh tế bùng nổ – đó có chỉ là một định kiến của phương Tây?

- Với kỷ cương thì xác thực rồi. Người Trung Quốc chúng tôi phải đạt được điều đó, vì chúng tôi chưa có tất cả. Người Mỹ, người Âu đã có hết thảy từ lâu. Trong 10 năm nữa có lẽ chúng tôi cũng sẽ không làm việc nhiều như vậy nữa, và sự tiến triển sẽ chậm dần lại. Đó là một quy trình tự nhiên. Ở nước Đức sau chiến tranh, mọi người cũng đều đã làm việc chăm chỉ tới mức khủng khiếp. Dẫu là người Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc – quả là đã có một nền văn hóa Viễn Đông tiêu biểu cho Lao động cực nhọc, đúng, và một niềm tin vào đó…

* Trong 10 năm nữa Trung Quốc sẽ thế chỗ siêu cường Mỹ?
 
- Không, khi đó chúng tôi hẳn sẽ trở nên quan trọng hơn, nhưng chỉ là một nước lớn bên cạnh những quốc gia khác.
 
Thục Anh (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm