Chuyện tác nghiệp ở EURO 2012

23/06/2012 08:34 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH Cuối tuần)- Nhân ngày Báo chí Việt Nam 21/6, Thể thao & Văn hóa Cuối tuần xin giới thiệu bài viết của phóng viên Đông Hà, kể về những câu chuyện ghi chép được trong quá trình đi tác nghiệp ở trận chung kết Champions League 2012, cũng như EURO 2012, để bạn đọc hiểu hơn về công việc của một phóng viên thể thao.

Được góp mặt ở những sự kiện lớn, như trận chung kết Champions League hay vòng chung kết EURO, là niềm vinh dự đồng thời cũng là thử thách lớn với bất kỳ phóng viên thể thao nào.

Từ Champions League...



Phóng viên Đông Hà của Thể thao & Văn hóa đang tác nghiệp tại Media Center ở sân vận động quốc gia ở Warsaw, Ba Lan

Lên kế hoạch từ trước, liên lạc với Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) để đăng ký tác nghiệp, liên hệ với Đại sứ quán Đức tại Hà Nội để xin thị thực, đặt vé máy bay đi Munich, laptop và máy ảnh chuẩn bị đâu vào đấy, mọi thứ đã sẵn sàng cho ngày lên đường. Tuy nhiên, sát ngày sang Đức, bộ phận truyền thông của UEFA mới gửi mail thông báo về kết quả xét yêu cầu đăng ký tác nghiệp. Do số lượng có hạn, UEFA chỉ chấp nhận cấp thẻ tác nghiệp cho tôi ở trận chung kết Champions League của bóng đá nữ, giữa Lyon và Frankfurt, diễn ra ở sân Olimpia cũng ở Munich.

Không từ bỏ hy vọng lật ngược tình thế vào phút chót, ngay trước giờ ra sân bay Nội Bài để đi Munich, tôi quyết định viết cho UEFA một e-mail dài, trình bày những vấn đề và yêu cầu cơ quan này xem xét lại việc cấp thẻ tác nghiệp. Khi đặt chân đến sân bay Munich, kiểm tra e-mail qua điện thoại, tôi thật sự ngỡ ngàng khi nhận được thư xác nhận đồng ý từ bộ phận truyền thông của UEFA. Họ đã xem xét rất nghiêm túc nguyện vọng chính đáng của tôi, cũng đồng thời là của những người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Khi đến làm thủ tục ở Allianz Arena, mỗi phóng viên được phát một thẻ tác nghiệp, để ra vào khu vực sân vận động cũng như trung tâm báo chí. Với từng sự kiện, Ban Tổ chức phát những thẻ phụ riêng, như họp báo một ngày trước trận đấu (MD-1 Press Conference), vào khán đài dành cho báo chí ngày diễn ra trận đấu (Media Tribune), hay tiếp cận cầu thủ ở lối dẫn từ xe vào sân và ngược lại (Mixed Zone)... Tại khu vực làm việc ở sân (Media Center), bố trí ở một căn phòng rộng sức chứa khoảng 600 người ở bên dưới khán đài Allianz Arena, nước uống, café và đồ ăn nhẹ được phục vụ miễn phí. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn phát thêm các voucher ăn trưa miễn phí tại nhà ăn dành riêng cho báo chí (Media Bistro).

Tại Media Center cũng như Media Tribune, đường kết nối internet cả bằng cable lẫn wifi tốc độ cao luôn sẵn sàng phục vụ phóng viên không giới hạn. Bình thường, Media Center mở cửa từ 9 giờ sáng đến 22 giờ đêm, nhưng vào ngày diễn ra trận đấu, thời gian mở cửa được kéo dài đến 2h sáng hôm sau. Sau trận chung kết Champions League 2012, ở Mixed Zone, trong khi các cầu thủ Chelsea vui vẻ trả lời cánh phóng viên thì những cầu thủ và quan chức của Bayern lại nhanh chóng chui tọt vào chiếc xe bus của đội đã nổ máy chờ sẵn. Nỗ lực phỏng vấn và xin chữ ký thủ thành Manuel Neuer của tôi thất bại. Cũng dễ hiểu thôi, trong tình cảnh ấy, chẳng cầu thủ nào còn tâm trạng để trò chuyện hay ký tặng bất kỳ ai



Phóng viên Đông Hà trên sân vận động ở Wroclaw, theo dõi trận Czech - Ba Lan

... đến EURO 2012

Vấn đề tác nghiệp của tôi ở EURO 2012 thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở trận chung kết Champions League, không thể đăng ký thẻ đúng thời hạn của UEFA do khó khăn khách quan. Nhưng cũng như chuyến đi Munich, sáng ngày lên đường bay sang Warsaw, tôi viết e-mail cho UEFA, một lần nữa trình bày hoàn cảnh cũng như yêu cầu nhận được sự hỗ trợ. Ra đến sân bay Nội Bài, kiểm tra e-mail lần cuối ở phòng chờ trước khi máy bay, tôi nhận được tín hiệu “bật đèn xanh” từ UEFA, với yêu cầu bổ sung những thông tin cần thiết. Điều đó mở ra cơ hội được tác nghiệp bên trong các sân vận động, theo dõi các trận đấu ở EURO 2012, khiến tôi cảm thấy rất thoải mái dù hành trình đến Warsaw kéo dài hơn 20 tiếng, quá cảnh ở Thành phố Hồ Chí Minh và Frankfurt, Đức.

Các phóng viên đăng ký tác nghiệp được cấp một thẻ dùng chung cho cả EURO 2012. Với tấm thẻ này, tùy thuộc vào loại hình báo chí, sẽ quy định rõ ràng khu vực phóng viên được vào tác nghiệp. Ngoài ra, đó cũng là tấm vé để sử dụng các phương tiện công cộng miễn phí tại các thành phố đăng cai EURO 2012 ở Ba Lan và Ukraina. Các phóng viên phải đăng ký từ trước những trận đấu mà họ muốn tác nghiệp, và phải được UEFA xem xét, chấp thuận. Với mỗi trận đấu như thế, UEFA sẽ cấp một thẻ sự kiện riêng, phát vào ngày diễn ra trận đấu. Tương tự là thẻ dành cho những hoạt động khác như họp báo, tham quan hay tham dự các sự kiện riêng lẻ do UEFA và các nước chủ nhà tổ chức.

Khác với trận chung kết Champions League 2012 ở Munich mà mỗi ngày các phóng viên đều được phát phiếu ăn buffet và cung cấp đồ ăn nhẹ cũng như café miễn phí, tại EURO 2012, những thứ đó đều phải trả tiền. Riêng nước uống đóng chai và bia Carlsberg thì các phóng viên được dùng miễn phí, với số lượng không hạn chế. Ngoài lý do khó khăn về kinh tế, Ba Lan cũng như Ukraina chưa phải là là những nước giàu và vòng chung kết EURO 2012 cũng quá dài nếu so với chỉ một trận chung kết Champions League, có lẽ UEFA cũng coi đây là một cơ hội kinh doanh. Nhãn hàng đồ ăn nhanh McDonalds độc quyền bán hàng trong khu vực giành cho báo chí, với thực đơn khá nghèo nàn. Chỉ có vài loại salad, một ít bánh ngọt, bánh sandwich và café.

Mọi liên lạc giữa UEFA và các phóng viên trong thời gian diễn ra EURO 2012 đều được thực hiện qua e-mail. Chỉ khi cần phải nhận các loại thẻ sự kiện, phóng viên mới phải đến trung tâm truyền thông của UEFA, đặt tại các sân vận động tổ chức EURO 2012. Các đường dây nóng cũng được UEFA thiết lập ở cả Ba Lan và Ukraina để hỗ trợ phóng viên trong trường hợp cần thiết.

Đông Hà (từ Warsaw)


Khó như săn “sao”

Tại EURO 2012, các đội tuyển đều đề cao kỷ luật ở khách sạn nơi lưu trú, cũng như tại các sân tập. Thông thường, mỗi đội chỉ dành cho truyền thông 15 phút tác nghiệp ở một buổi tập nào đó trước trận đấu. Khu vực tác nghiệp cũng được phân bố rõ ràng, phóng viên viết ngồi ở đâu, phóng viên ảnh đứng ở đâu và phóng viên truyền hình làm việc chỗ nào. Chính vì điều này mà việc tiếp cận một cầu thủ nào đó để phỏng vấn là điều không hề đơn giản chút nào, chưa kể nhiều huấn luyện viên còn quy định cấm các cầu thủ tiếp xúc với báo chí. Vấn đề bản quyền truyền thông tại EURO 2012 cũng được giám sát rất nghiêm ngặt. Phóng viên báo giấy không được chụp ảnh trong phòng họp báo, hay mang máy chuyên nghiệp vào Media Tribune cũng như Fanzone, nơi người hâm một tập trung xem bóng đá qua các màn hình lớn.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm