Mỹ - Argentina 1-1: Ai cầm cờ hiệu Albiceleste?

28/03/2011 11:34 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Lại một lần nữa Batista không thử nghiệm một chân chuyền bóng để làm nhiệm vụ dẫn dắt lối chơi cho Argentina. Trước Mỹ, Batista vẫn tung ra một bộ ba tiền vệ trung tâm nhưng sở trường của họ không thiên về việc công phá đối phương. Phải chăng “El Checho” không cần nhạc trưởng?

Là Messi?

Messi trong vòng vây của các cầu thủ Mỹ-Ảnh Getty

Hiệu lệnh và hướng tấn công cả đội bây giờ đang được thông qua Messi. Nói chính xác, hầu hết các đường lên bóng của Argentina khi qua phần sân của Mỹ đều được đưa cho Leo. Anh di chuyển khắp nơi, cầm, phân phối bóng, thực hiện các cú đột phá và phối hợp tương đối tốt với các đồng đội. Trong sơ đồ 4-3-3 mà Batista sử dụng, Messi là sợi dây liên lạc chủ đạo trên tuyến đầu, có thể thấy ở những pha bóng cuối cùng. Những vệ tinh xung quanh Leo thường tìm cách chuyền bóng cho anh ở khu vực trung lộ. Trước hàng thủ đối phương, họ chờ Messi hoặc solo giải quyết tình huống hoặc tạo ra cơ hội. Cơ bản, ý tưởng đó không tồi, khi các học trò của Batista đã rất cố gắng tạo dựng các khoảng trống cho số 10 của mình trình diễn.

Thật ra không phải dưới thời Batista, Messi mới chơi ở vị trí người điều phối cho tập thể. Trước kia, Maradona cũng đã sắp đặt Messi gần như vậy, nhưng quá lạm dụng anh trong việc tạo ra đột biến, hệ lụy là Messi chưa thích ứng hoàn toàn với trách nhiệm của mình và nếu bị đối thủ bắt bài, Argentina cũng chơi bóng bế tắc. Batista bố trí Leo như một nhạc trưởng, nhưng không bắt anh thực thi nhiệm vụ cầm nhịp một cách cứng nhắc. Messi giờ cũng tự do có mặt ở mọi điểm nóng và làm những gì mình thích. Tuy vậy, sự khác biệt giữa Leo của Maradona và Leo của Batista rõ nhất ở một điểm: Maradona muốn Messi chơi bóng vì đồng đội, Batista muốn đồng đội chơi bóng vì anh nhiều hơn. Maradona muốn Messi trở thành vĩ đại, Batista đơn giản là muốn Messi phát huy hết năng lực của mình, như Guardiola từng dìu dắt Leo ở Barca. Hiệu quả thì còn phải chờ, nhưng Leo chắc chắn sẽ thoải mái hơn rồi.

Hay tất cả?

Hoặc Messi và cả hàng tiền vệ đều sẽ chia sẻ vị trí ông chủ của Albiceleste. Đó phải chăng là ý đồ xây dựng đội bóng của Batista mà thực sự thì không phải chờ đến trận giao hữu với Mỹ, suy nghĩ ấy mới được khắc họa. Từ khi cầm quân, đúng ra là ở thời điểm còn chỉ đạo đội Olympic Argentina, “El Checho” đã sớm bộc lộ tư tưởng của mình về việc hình thành người chỉ huy cho Albiceleste, hồi ấy, Riquelme và Messi đều san sẻ chân kiết thiết cho Albiceleste, nhưng Riquelme chuyên tâm hơn và Leo cũng chưa trưởng thành như lúc này. Trừ Messi, Batista có thể để những Mascherano, Banega, Cambiasso hoặc cùng làm thủ lĩnh, hoặc cùng làm công nhân. Xét về phẩm chất, đây là điều khả thi vì dù không đóng vai trò tương tự ở cấp CLB, họ lại có thừa những kĩ năng chơi bóng để miễn là ăn ý với nhau, thì hoàn toàn có thể cùng nhau lãnh ấn tiên phong trong việc tạo nên dấu ấn về lối chơi.

Hãy xem 90 phút ở New Jersey vừa rồi, 3 tiền vệ của Batista rất cơ động trong công thủ, họ thay phiên nhau đảm trách việc cung cấp bóng lên trên, linh hoạt trong chiếm lĩnh các khoảng trống, vây ráp giành lại bóng, thực hiện những pha bật tường ở tốc độ cao và chiếm lĩnh toàn bộ trung truyến ở hiệp 1. Với sự tích cực của họ, Messi vừa có người chia lửa, vừa có người "dọn dẹp"  nếu lỡ anh mất bóng.

Khả năng lớn là Batista sẽ để Messi làm một dạng nhạc trưởng theo kiểu mà ông cho là nó tốt nhất cho anh và cho Albiceleste. Messi vẫn là người quan trọng nhất, nhận nhiều bóng nhất nhưng không phải là người giữ nhịp chính của cả đội, trách nhiệm đó được dàn tiền vệ cùng gánh vác. Việc tổ chức lối chơi cũng vậy, khi Pastore chưa thực sự ổn định, khi chưa có những cái tên đáng tin, Argentina dưới triều đại của Batista tương lai sẽ không khác với thời điểm này là mấy?

Ưu và nhược điểm của cách sắp xếp Albiceleste hiện tại là rõ ràng: Cân bằng đội hình, cách chơi, nhưng thiếu đột biến vì các tiền vệ trung tâm Batista đang dùng chỉ giỏi việc bật tường giữa sân, đến sát vòng cấm thì họ không có kĩ năng của một cầu thủ tấn công thực thụ. Và vì vậy, một người như Riquelme là điều cần thiết, hay phải có một siêu tiền đạo để Messi giảm tải bớt trọng trách săn bàn ?

1: Đây là trận hòa đầu tiên của Argentina ở thời của Batista, trước đấy, trong 6 trận giao hữu, họ thắng 5, thua 1.

2: Có 2 lần kể từ lúc dẫn dắt Albiceleste, Batista sử dụng 1 cầu thủ đóng vai trò kiến thiết từ đầu trận, đó là D’alessandro trước Nhật (thua 0-1), Pastore trước Brazil (thắng 1-0).

50: Ra sân trong trận gặp Mỹ, Cambiasso đã có trận đấu thứ 50 khoác áo Argentina. Anh ăn mừng con số này bằng cách ghi bàn mở tỉ số, đáng tiếc là đội bóng không bảo vệ được kết quả thắng lợi sau cùng.

Huỳnh Anh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm